| Hotline: 0983.970.780

Trở lại vùng lũ

Thứ Hai 21/10/2013 , 10:45 (GMT+7)

Sau một ngày về xuôi chúng tôi tiếp tục trở lại với bà con ba huyện Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh. Đã là ngày thứ tư ở vùng lũ, trời vẫn mưa tầm tã như cố trút hết cơn thịnh nộ còn lại xuống đầu người dân, đồng bào vùng lũ vẫn chưa thể gượng dậy.

Sau một ngày về xuôi chúng tôi tiếp tục trở lại với bà con ba huyện Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh. Đã là ngày thứ tư ở vùng lũ, trời vẫn mưa tầm tã như cố trút hết cơn thịnh nộ còn lại xuống đầu người dân, đồng bào vùng lũ vẫn chưa thể gượng dậy.

Trở lại Phương Điền, Phương Mỹ (Hương Khê) sau lũ. Nhớ lại thời khắc khoảng 23 giờ đêm ngày 16/10 đến rạng sáng 17/10 là lúc thời gian tưởng chừng nghẹt thở đối với hàng ngàn, hàng vạn người dân nơi đây khi họ phải chứng kiến cơn lũ thốc như “ăn cướp” ập về. Diễn biến mưa lũ hết sức bất ngờ khiến cho người người trở tay không kịp. Người trôi, nhà cửa, trâu bò lợn gà trôi, công sức bao năm trắng tay sau 1 đêm lũ ập đến.


Nhà đổ bên bờ sông Ngàn Trươi


Nhà cửa tan hoang

Chị Nguyễn Thị Ba ở xã Phương Mỹ quay quắt bên 3 đứa con nhỏ với 2 con lợn, mấy con gà, cả nhà xúm xít dưới mảnh bạt che mưa khoảng 4 mét. Chị Ba nói: Khổ lắm các chú ạ, năm mô như năm đó hễ có mưa bão lớn là cả làng bị ngập nước nhưng không hiểu sao lũ năm nay dồn về rất nhanh và chảy xiết. Tui vội đưa kịp được mấy đứa nhỏ, mấy con lợn, gà, chó lên đồi không cũng trôi theo đồ đạc trong nhà rồi.


Ruộng vườn biến thành sa mạc cát

Chị Ba thở phào giờ mới biết đã thoát chết. Bà Đặng Thị Hương ở xóm 3, xã Phương Điền thì bàng hoàng kể lại: Lũ vào nhanh quá, nhà tui nước ngập đến 2 m, lúc đó chỉ kịp chạy lên chạn mà ngồi, vợ chồng bất lực nhìn tất cả tài sản trong nhà trôi lềnh bềnh khắp vườn mà xót xa. Hai hôm rồi chỉ mới có được một gói mì tôm lót dạ. Rơm rớm nước mắt, bà kể, đến giờ này cũng chưa hi vọng có cơm ăn bởi còn gì nữa đâu ngoài ngôi nhà trơ trọi, đường sá vẫn ngập không thể đi đâu.

Chỉ hai ngày hai đêm lũ đã nhấn chìm rất nhiều ngôi nhà thôn 1, thôn 3 và thôn 6 của xã Phương Điền. Theo quan sát của chúng tôi cho đến 15h ngày 20/10 nhiều vùng dân cư ở một số xã như Phương Mỹ, Phương Điền, Hòa Hải… huyện Hương Khê vẫn còn bị chia cắt, đường sá ngập nước, phương tiện đi lại chủ yếu là thuyền.


Lũ dữ bẻ gãy cả cầu Khe Lành

Rời Hương Khê, sang Vũ Quang. Ông Phạm Quốc Thanh - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Đến thời điểm này Vũ Quang không có thiệt hại về người nhưng còn 7 xã đang bị ngập nặng. Hiện nay, chúng tôi có 7 trang trại chăn nuôi lợn tập trung, bình quân mỗi trang trại có từ 600 - 1.500 con thuộc địa bàn 4 xã đang bị cô lập đã mấy ngày không thể tiếp viện thức ăn được, nếu chỉ một vài ngày nữa nước không rút, nguy cơ cả đàn lợn bị chết đói mất thôi.

Nói về các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng trong tiến trình xây dựng NTM, ông Thanh cho biết, một số hư hỏng do lũ cuốn, số nữa do nước chưa rút nên chưa thể đi lại được. Còn các hệ thống như điện, trường, trạm xá, kênh mương nội đồng… hầu hết bị lũ cuốn trôi. Nguy hại nhất là vấn đề sau lũ Vũ Quang có trên 400 ha đất SX lúa, màu bị cát, đá vùi lấp, có những vùng bị lấp cao đến 1,5 m, coi như sa mạc hóa nếu không cải tạo kịp thời.


Hỗ trợ chăn chiếu cho bà con

Lên Hương Sơn, nơi "rốn lũ" hoành hành làm cho cả làng Chè thuộc xã Sơn Kim II tan tành. Nhà trôi theo dòng nước lũ, tài sản, mọi vật dụng trong nhà từ gạo, thóc, quần áo, chăn màn đến gia súc gia cầm đều bị lũ cướp sạch. Sau lũ, làng Chè thành làng trắng!

Cơn lũ quét mấy đời người chưa từng xảy ra tại xã Sơn Kim II, dù chỉ xuất hiện trong một thời gian rất ngắn, từ 7h30 đến 9h ngày 16/10, đã biến nơi đây thành bãi bùn tan hoang! Sơn Kim II là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt lũ này.

Chồng mất, một mình nuôi ba đứa con còn thơ dại, chị Lê Thị Thúy (thôn Thượng Kim, Sơn Kim II) nghẹn ngào: “Hai ngày rồi không có cơm ăn, nước uống cũng thiếu, quần áo, chăn màn trôi hết, thóc gạo bị ướt đã lên mầm. May có mấy gói mì tôm, một bộ quần của nhà hảo tâm nên bốn mẹ con tôi lót dạ đỡ đói rét nhưng lo nhất về đêm không có chỗ ngủ, nằm co ro trên chạn. Cuộc sống sau lũ không biết nhìn vào đâu nữa".


Bộ đội biên phòng nhường bánh mì cho các em nhỏ và kịp thời có mặt giúp bà con nhân dân khắc phục hậu quả lũ lụt

Ngoài chị Thúy còn nhiều và rất nhiều gia đình chúng tôi đến tất cả đều chung một hoàn cảnh tương tự. Gia đình chị Hợi, anh Nam, chị Châu Loan… nhà trôi, quần áo, chăn màn, đồ đạc cũng không còn gì. Tôi nghẹn ngào mường tượng ngày 20/10 này, nơi khác, những người phụ nữ có nhiều niềm vui, thì phụ nữ ở Sơn Kim II đây, điều mong muốn duy nhất với họ có một bát cơm ấm cho các con ăn, có manh áo khô để mặc, có một tấm chăn khô đắp cho đỡ lạnh những đêm dài sau lũ.

Rời Sơn Kim II, nhìn lại phía sau thấy chẳng khác một đống đổ nát. Nhà cửa, ruộng đồng, các công trình giao thông thủy lợi, điện đường trường trạm… bị san phẳng. Dân thiếu thốn trăm bề, nhất là cái ăn, cái mặc, mong sao được sự quan tâm nhiều hơn nữa của cộng đồng để đồng bào sớm vượt qua cơn bĩ cực này...


Bơ vơ sau lũ

Được biết, không để dân đói, tỉnh Hà Tĩnh đã cứu trợ khẩn cấp 1.000 tấn gạo và 13.000 thùng mỳ tôm cho nhân dân 3 huyện Hương Sơn, Hương Khê và Vũ Quang bị ảnh hưởng nặng nề do lũ lụt (Hương Sơn 500 tấn gạo, 5.000 thùng mỳ tôm; Hương Khê 100 tấn gạo, 7.000 thùng mỳ tôm; Vũ Quang 400 tấn gạo, 1.000 thùng mỳ tôm).

Để chủ động phòng chống dịch bệnh, ngành Y tế Hà Tĩnh vừa cấp thêm 50.000 viên Cloramin B, 1 triệu viên Aquatab, 4.000 kg Cloramin B dạng bột, 180 kg phèn chua, 43 cơ số thuốc phòng chống dịch bệnh sau bão lụt và 8 máy phun cho các huyện Hương Sơn, Hương Khê, Đức Thọ, Vũ Quang, Nghi Xuân, Can Lộc và Kỳ Anh.

Số hóa chất và thuốc trước mắt đủ giúp các địa phương kịp thời tiêu độc khử trùng, phòng chống dịch bệnh tại các trường học, cơ sở y tế, chợ, nơi công cộng, giếng nước sinh hoạt tại các hộ gia đình và các đường làng, ngõ xóm bị ngập nặng có nguy cơ không đảm bảo vệ sinh môi trường.

Ngành Y tế cho biết sẽ cung ứng đủ thuốc men cấp cứu điều trị bệnh nhân sau lũ, có đủ hóa chất cấp cho các đơn vị y tế trực thuộc để xử lý nguồn nước sinh hoạt, xử lý vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh khi có yêu cầu, đảm bảo hạn chế đến mức thấp nhất dịch bệnh xảy ra sau lũ lụt.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Yên Bái: Cảnh tan hoang những ngôi nhà bị mưa đá, giông lốc tàn phá

Ngày 28/3, tại tỉnh Yên Bái đã xảy ra mưa đá, giông lốc gây thiệt hại nhiều nhà ở và cây cối hoa màu các huyện Mù Cang Chải, Trấn Yên và Văn Chấn.

Bình luận mới nhất