| Hotline: 0983.970.780

Trở ngại rất... vớ vẩn

Thứ Hai 08/07/2013 , 10:40 (GMT+7)

Chỉ vì không chịu tham gia đường dây kinh doanh đa cấp của mẹ Chi, tôi bị cấm quan hệ với cô.

Ảnh minh họa
Tình yêu của chúng tôi thật đẹp. Có thể nói chúng tôi yêu nhau ngay từ buổi gặp gỡ đầu tiên. Chi không có vẻ đẹp lộng lẫy, sắc sảo mà dịu dàng, kín đáo được ẩn giấu trong một bề ngoài giản dị, hài hòa. Từng lời nói, cử chỉ của cô đều thể hiện một sự khiêm nhường, tế nhị rất cần có ở phái đẹp.

Chi kém tôi 15 tuổi, là sinh viên một trường đại học. Tôi đã 35 tuổi, là giảng viên một trường đại học khác. Thú thực trong đời tôi đã có vài ba mối tình, nhưng cuối cùng đều không dẫn được đến hôn nhân. Chủ yếu là ở phía tôi.

Khi mà tôi cảm thấy có họ cũng vui, thiếu họ cũng chẳng sao, thì họ đã liên tiếp bộc lộ những điểm gây thất vọng. Ví như một cô đã chủ động ghi cho tôi ngày sinh nhật của cả mẹ, cha và dặn tôi nhớ để có quà tặng. Tôi không phải người không biết cư xử, nhưng cử chỉ này khiến tôi chán.

 Hoặc một cô nữa luôn nói với tôi: “Chiếc điện thoại của em quá lạc hậu. Con gái chẳng mấy đứa dùng loại này”, rồi lại: "Chiếc xe máy này cốp quá nhỏ, loại xe tay ga cốp to hơn, đựng đồ sẽ tiện”... Chỉ còn thiếu một câu là yêu cầu thẳng tôi mua loại khác “xịn”, đắt tiền tặng cô.

Nhưng Chi thì không. Cô nói rõ quan điểm là trong thời gian tìm hiểu, không thích quan hệ kinh tế, đến lúc là vợ chồng sẽ hay. Trong khi từ chối mọi sự hỗ trợ của tôi thì cô lại rất quan tâm, chăm sóc tôi, luôn mua sắm cho tôi nhiều thứ.

Tôi nói: “Em là sinh viên, lấy tiền đâu ra mà mua cho anh?”. Cô nói vui: “Em đi trấn lột, tống tiền”. Chi là như thế. Cô ấy rất tự trọng. Không dễ nhận sự giúp đỡ của người khác nhưng lại rất rộng rãi. Điều này càng khiến tôi nể trọng và yêu thương cô hơn.

Đã nhiều lần, tôi nhắc Chi đưa tôi về thăm, “ra mắt” gia đình cô ở một thành phố cách Hà Nội gần 100 cây số. Cô nói để gần đến ngày cưới sẽ làm việc này. Cô không muốn tôi phải mất thời gian, tốt kém và đi lại nhiều lần. Nhưng tôi không thống nhất quan điểm này, muốn phải xuất hiện ở nhà cô sớm. Cô đã chiều tôi.

Chi chỉ còn mẹ và một người anh đã có gia đình riêng. Mẹ cô do yếu nên về hưu trước tuổi, ở riêng chứ không sống cùng vợ chồng người anh. Khi Chi học trên Hà Nôi, chỉ có một mình bà ở nhà. Lần đầu tiên gặp bà, mặc dù được bà vồ vập, nhiệt tình sau khi nghe cô con gái giới thiệu rõ về chàng rể tương lai, nhưng tôi không có mấy thiện cảm.

Bà khác hẳn con gái. Nếu Chi giản dị, không trang điểm gì thì bà phấn son lòe loẹt, ăn mặc diêm dúa, không phù hợp với người ở tuổi 50. Đặc biệt là bà nói nhiều, hết khoe chồng từng làm sếp rồi lại khoe mình từng thế nọ, thế kia. Tôi để ý thấy Chi không thoải mái, luôn có ám hiệu cản mẹ không nói.

Đặc biệt, bà đặt thẳng vấn đề muốn tôi tham gia vào đường dây kinh doanh đa cấp gì đó của bà. Không đợi mẹ giải thích hết mọi “lợi ích”, kiếm tiền “nhanh” của hoạt động này, Chi đã nói: “Mẹ ơi! Anh ấy bận giảng dạy và nhiều công tác khác không có thời gian nghĩ đến việc ấy đâu. Mẹ mời những người cùng về hưu như mẹ ấy. Con cũng muốn mẹ nghỉ việc ấy, không bõ công cứ đi mời mọc, mệt sức”.

Tôi không ngờ mẹ Chi mắng luôn con gái trước mặt tôi: “Không bõ là thế nào? Không nhờ tiền tôi kiếm được từ công việc ấy thì làm sao cô ăn học mấy năm nay trên Hà Nội? Cô chỉ biết tiêu tiền, có biết mẹ cô vất vả như thế nào đâu!”.

Rồi bà lại tiếp tục thuyết phục tôi tham gia: “Anh quan hệ với em nó, tôi Ok thôi. Nó chọn ai, tôi cũng chiều. Chỉ mong anh có trách nhiệm lo lắng cho nó. Trước mắt, tôi muốn anh tham gia hoạt động này để nhanh kiếm được tiền. Rồi anh nói các học trò cùng tham gia. Anh là thầy, nói chúng nó sẽ nể. Vả lại, làm thì có tiền, lợi cho bản thân chứ cho ai đâu. Chịu khó, mỗi tháng cũng kiếm được chục triệu đồng đấy...”.

Tôi ít nhiều bị “choáng” trước những lời đặt vấn đề quá cụ thể của mẹ Chi. Nhưng chỉ biết “vâng”, không thể biểu hiện khác. Tôi để ý thấy Chi đỏ bừng mặt, có vẻ rất ngượng trước xử sự của mẹ. Khi Chi xuống bếp chuẩn bị nấu cơm, bà nhắc lại: “Anh nhớ nói học trò tham gia đấy. Lần sau có việc lên Hà Nội, tôi sẽ đến chỗ em Chi trọ, sẽ a-lô để anh đến, bắt tay vào việc luôn”.

Tôi không lạ gì kiểu kinh doanh đa cấp này và rất dị ứng vì thực chất là lừa đảo. Mà lại toàn lừa trước hết những người trong họ hàng, bạn bè quen biết. Mời thêm được một ai đó tham gia, sẽ có thêm một tỷ lệ phần trăm hoa hồng.

Cho nên người làm việc này rất mong mời được nhiều người. Tôi cứ vâng, dạ cho qua chuyện, chứ nghĩ không bao giờ tham gia. Kể cả có kiếm được tiền thì sinh viên sẽ nhìn tôi bằng con mắt coi thường.

Chừng một tuần sau đó, đúng như đã nói, mẹ Chi lên Hà Nội, lập tức a-lô báo cho tôi. Đương nhiên là tôi phải đến nhà trọ của Chi để thăm bà. Chi đã nhanh trí nói ngay ngày mai tôi phải bay vào Sài Gòn công tác nên chưa thể ký hợp đồng được, để lúc ra sẽ hay.

Hình như bà biết chúng tôi đã nói dối. Bà có vẻ không vui và muốn nhanh chóng trở về quê. Chúng tôi giữ thế nào, bà cũng không ở lại.

Sau đó, tôi thấy Chi rất buồn. Gặng hỏi, cuối cùng cô đành phải nói thật là mẹ không ủng hộ tình yêu của con gái với lý do tôi hơn nhiều tuổi (15 tuổi). Nhưng cô hiểu bản chất vấn đề chỉ vì bà tự ái khi tôi không sẵn sàng nhận lời mời tham gia kinh doanh đa cấp của bà.

Chi trước sau như một, vẫn quyết tâm theo đuổi tình yêu đến cùng. Cô nói ra trường là cưới ngay, sẽ nhờ mọi người thuyết phục mẹ. Nếu bà không thay đổi, cô vẫn vượt lên để lấy tôi.

Với Chi, tôi rất tin, không có gì phải băn khoăn. Nhưng làm sao tôi có thể yên tâm khi bị mẹ cô không ủng hộ, nhất là bà chỉ có mình cô là con gái? Tôi rất buồn trước sự việc này. Tôi biết xử sự với bà sao đây?

(Lê Quốc Đạt- Đại học Quốc gia Hà Nội)

Trao đổi của chuyên gia tâm lý Nguyễn Đình San:

Thì anh cứ đành phải chiều bà nhạc tương lai mà tham gia vậy. Nhưng sau đó, “án binh bất động”, nghĩa là chẳng gạ, mời ai. Có thể mất một khoản tiền mua hàng để được trở thành thành viên của công ty kia. Cứ coi đó là một khoản “phí” để lấy lòng bà ta.

Quan trọng là Chi quyết tâm. Bà ấy cũng sẽ nguôi dần thôi, nhất là sau này thấy con gái sống hạnh phúc bên người chồng có sự nghiệp.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Bình luận mới nhất