| Hotline: 0983.970.780

Trời ơi rác

Chủ Nhật 12/08/2018 , 14:05 (GMT+7)

Thực sự không nhớ mình sống chung với rác từ hồi nào. Hồi chiến tranh thì sao, ở đô thị miền Nam việc thu dọn rác được làm khá tốt, do mô hình tư nhân chiếm ưu thế, góp chợ cũng phải đấu thầu, người được thầu bao luôn việc thu dọn rác.

Thành thị miền Bắc mình không biết rõ, nhưng đoán là việc ấy cũng được thực hiện nghiêm túc, hỗ trợ nhân viên vệ sinh đường phố là đoàn viên, là thầy cô và học sinh ưa thích công ích.

07-48-52-no-vet-cong-5-1530533174-1200x0075548495
Ảnh minh họa

Có lẽ mọi việc rối bời từ khi chính quyền hô hào đô thị hóa hiện đại hóa. Đi cùng với chủ trương là gì, hẳn các vị ấy biết nhưng chắc chắn là không nghĩ thấu đáo cho cọng rác. Một gia đình cũng như một quốc gia, nói nôm na như vậy mà thực sự câu chuyện thì cũng như vậy thôi. Một gia đình làm nhà to lên, số người đông lên, tam đại đồng đường, kẻ ăn người làm. Ông chủ gia đình ấy phải nghĩ, nuôi ăn từng ấy người và từng ấy người thải rác. Ông ta sẽ có hố chôn rác tự nhiên để ủ phân và bắt người nhà phân loại rác khó chịu để riêng và sẽ hóa kiếp cho chúng. Nhất định ông ấy sẽ khuyến khích dùng giấy cũ, dùng lá cây, lá bẹ trong bưng trong ao để tiện cả đôi đường. Nhà chăn nuôi nhiều ông chủ thông minh sẽ biết ủ phân để lấy gas làm khí đốt.

Các cấp chính quyền như vẫn lơ mơ cái thời bao cấp trong khi mở miệng thì “đô thị hóa, đô thị thông minh, đô thị sáng tạo”. Công việc ra sao, nhà cửa ra sao, giao thông ra sao, cống rãnh ra sao, học hành ra sao, vui chơi thế nào… Và rác thải, đây mới là việc hệ trọng nhất khi dân cư đông đúc lên. Bởi một ngày mỗi người thải ra bao nhiêu rác và nếu số ký rác ấy không được thu dọn thì mọi người sẽ như thế nào. Một em học sinh cấp II cũng có thể tính và hình dung và nhăn mũi lo âu.

Đông Nam Á xập xệ chung về cái khoản rác thải. Không hiểu sao mô hình Singapore không được nghiên cứu học tập. Đầu tiên là áp đặt hành vi với rác đến dân quốc và khách trú. Dĩ nhiên người ta phải biết phân loại rác ngay trong bếp mỗi nhà. Hình ảnh người già về hưu đi quét rác, đi nhặt rác trên đường phố Singapore cho sự cảm động. Và cả việc du khách không tuân thủ luật về rác sẽ bị xử nghiêm như thời xa xưa, cũng khiến suy nghĩ: ở một vùng trũng về nhiều thứ của thế giới, đánh đòn thấy quá buồn cười nhưng mà, nhưng mà… Từ việc ấy suy ra, xác lập chất lượng một thể chế, đôi khi cũng cần những biện pháp cực đoan, đi cùng với giáo dục ở gia đình và nhà trường. Cực đoan để được việc, khi ấy, lúc dân trí thấp, lúc quốc gia mở toang cửa, cho đến khi con người bình đẳng về nhận thức.

Ở Sài Gòn những năm gần đây rác là sự cố thường xuyên cho cư dân. Người nhập cư đông lên vô tội vạ, ai cũng có thể vào Sài Gòn kiếm sống bằng mọi cách. Ở dồn, thời tiết không quá khó khăn, đi bán vé số dạo, đi chợ xổm với một mẹt cá cũng sống qua ngày. Ăn và ở thì vậy nhưng rác ra sao? Các bà các ông buôn xổm bán dạo thản nhiên nhét những túi rác vào miệng cống, để qua mắt, qua mắt ai, chẳng có ai để qua mắt nhưng họ vẫn mắt trước mắt sau khi làm vậy. Dân chung cư thì chắc lép với người thu tiền rác từng chục ngàn trong khi phu rác còn bị ăn chận bởi những người đấu thầu được thu gom rác. Ở Thanh Đa của mình, mỗi tháng bốn chục ngàn tiền cho rác, vậy mà người thực sự làm rác chỉ nhận được phân nửa, những kẻ trung gian ăn phân nửa. Chưa hết, khi chủ nhà bị người ta truy thu vì đi vắng, các vị ấy thản nhiên “không ở nhà thì rác đâu mà thu tiền”! Trời ơi bốn chục ngàn cho cả tháng rác mà nỡ kèn cựa sao?

Quận 7 vang danh sang trọng giờ chết dở với mùi rác. Không hiểu sao cạnh quận 7, niềm tự hào sang chảnh của Sài Gòn mà lại bị những bãi rác chôn lấp chơi khăm? Và Củ Chi, và Bình Chánh, người dân ngoại thành lãnh đủ mùi rác để cho cái thứ ấy xa trung tâm. Không thấy dân quẫy đạp đúng mức để đòi trong trẻo, có lẽ dân không quen kiến nghị và cũng không quen làm gì cả. Rồi cùng khắp, ở đâu cũng rác vây rác đọng, cống tắc, đường ngập. Huyện Chương Mỹ (Hà Nội) bị nước làm cho rác bều lên chúng ta mới thấy nạn rác hoành hành như thế nào. Không thấy ai làm gì, chính người dân cũng cái thói đẩy rác ra đường hoặc là đẩy cho hàng xóm, quen rồi.

Khắp các cảng biển đã thành những vựa công-te-nơ khổng lồ, bên trong là vô số rác thải. Nhập rác, thật kinh hoàng. Có quá lời không, cả nước là một bãi rác của thế giới và của cả chúng ta, mỗi ngày. Một góc như thế đủ biết chuyện vĩ mô nghe mãi quá nhàm, chuyện vi mô một cọng rác, một túi rác, sao không quyết làm. Bởi không làm thì không xong, mà quyết được sẽ làm được. Rất mong các vị xắn tay lên thử.

(Kiến thức gia đình số 32)

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.