| Hotline: 0983.970.780

Trộm cắp hành lý ở sân bay: Nghi có thông đồng!

Thứ Sáu 12/06/2015 , 14:05 (GMT+7)

Các trường hợp có thể xảy ra moi móc hành lý lớn nhất ở hầm hàng của máy bay và tại khu vực phân loại hàng hóa ...

Hành lý ký gửi từ máy bay đến được đưa vào băng chuyền ra đảo hành lý tại cảng hàng không Nội Bài - Ảnh: Tuấn Phùng
Hành lý ký gửi từ máy bay đến được đưa vào băng chuyền ra đảo hành lý tại cảng hàng không Nội Bài - Ảnh: Tuấn Phùng
 

Tại buổi làm việc với đại diện Cục Hàng không VN về công tác bảo đảm an ninh hàng không tại các cảng hàng không, chiều 10-6, đại diện một số đơn vị tại cảng hàng không Nội Bài đều khẳng định quy trình rất chặt chẽ và chưa phát hiện nhân viên lấy trộm tài sản của khách, dù số vụ mất cắp từ đầu năm đến nay không ít.

Báo cáo với đoàn kiểm tra của Cục Hàng không, ông Phương Hồng Minh - phó giám đốc Công ty Phục vụ mặt đất Hà Nội (HGS) - cho biết về quy trình vận chuyển hành lý ký gửi gồm các bước: khách làm thủ tục đi máy bay tại quầy, hành lý được soi chiếu an ninh và chuyển xuống đảo hành lý. Nhân viên sắp xếp sẽ phân loại hàng hóa, cho vào các thùng vận chuyển ra máy bay và sắp xếp lên hầm hàng của máy bay.

“Có sự thông đồng?”

Như vậy trong quy trình này, theo ông Minh, các trường hợp có thể xảy ra moi móc hành lý lớn nhất ở hầm hàng của máy bay và tại khu vực phân loại hàng hóa do các quy trình vận chuyển hành lý từ quầy ra đảo hành lý thời gian rất ngắn, qua khu vực công cộng có nhiều người nên khó thực hiện được.

Bản thân HGS đã rà soát lại các quy trình phục vụ, bổ sung quy chế kiểm soát an ninh nội bộ, phối hợp an ninh hàng không Nội Bài kiểm tra giám sát những nhân viên bốc xếp hành lý lên máy bay, khi xuống máy bay sẽ kiểm tra người bằng thiết bị cầm tay của nhân viên an ninh hoặc kiểm tra bằng cảm quan... Đồng thời công ty này đánh giá, kiểm tra lý lịch nhân viên trong dây chuyền được nghi ngờ nhất.

Đại diện Xí nghiệp thương mại mặt đất Nội Bài (NIAGS) cho biết đã bổ sung camera ở khu vực bốc xếp, chất hành lý đi và đến để giám sát nhân viên. Nếu chuyến nào có phản ảnh của khách sẽ xem lại toàn bộ quy trình được ghi hình.

Trước đây, xí nghiệp này cũng thường xuyên triển khai nhiều biện pháp quản lý nhân viên từ tuyển dụng, xem xét nhân thân đến đánh giá trong quá trình phục vụ chuyến bay để đưa vào danh sách theo dõi; kiểm tra xem xét tủ cá nhân, trang bị cá nhân. Khi hành khách có phản ảnh về tình trạng mất cắp hành lý, NIAGS đều kiểm tra cá nhân tham gia bốc xếp...

Những trường hợp nghiêm trọng đều mời cả công an vào kiểm tra toàn bộ dây chuyền, đến nay chưa phát hiện trường hợp nào nhân viên lấy cắp hành lý, hàng hóa của hành khách.

“Hai đơn vị phục vụ mặt đất thấy kế hoạch phòng chống mất cắp hành lý ký gửi và hàng hóa vận chuyển đường hàng không của cục có trên trời không, khi mà triển khai thì nói ổn nhưng thực hiện rất là khó? Tại vì cuối cùng vẫn còn hiện tượng đấy (mất cắp tài sản trong hành lý - PV) dù cục đã trực tiếp rà soát thực tế, phối hợp các đơn vị đưa ra kế hoạch với 29 nội dung nhưng vẫn xảy ra. Phải rà soát nếu có chỗ hổng thì bịt” - phó cục trưởng Cục Hàng không Đào Văn Chương đặt câu hỏi sau khi nghe trình bày.

Tại cuộc làm việc, ông Chương cũng đặt câu hỏi: Có hay không sự thông đồng giữa nhân viên soi chiếu với việc mất hàng hóa, hành lý? Cục Hàng không nhận được rất nhiều câu hỏi này từ hành khách đi máy bay. Báo cáo con người tốt, phẩm chất tốt nhưng sao vẫn xảy ra mất hành lý, tài sản?

Sẽ mật phục

Ông Hoàng Thanh Quang - giám đốc Trung tâm an ninh hàng không, cảng hàng không Nội Bài - khẳng định không có sự bắt tay, kết nối giữa nhân viên soi chiếu và nhân viên bốc xếp hành lý, hàng hóa. Tuy nhiên, khi chưa phát hiện thì việc này cũng không loại trừ.

Theo ông Quang, mất hành lý, tài sản nằm ở các trường hợp hành khách lấy của nhau và nhân viên hàng không lấy của khách nhưng đều là trách nhiệm của hàng không. Còn cụ thể của bộ phận nào, đơn vị nào thì phải xác định rõ. “Còn đối với mất hành lý sau khi soi chiếu thì chỉ có nội bộ mới lấy được và mang ra được. Chúng tôi phải xác định tại sao lại lấy được và mang ra được, mang ra bằng cách nào, cất giấu ở đâu. Cái này trách nhiệm thuộc an ninh hàng không, trang bị như thế tốt rồi làm sao vẫn lọt?” - ông Quang thừa nhận.

Tại cuộc làm việc, ông Trần Văn Hiệp - phó giám đốc Trung tâm phục vụ mặt đất của Jetstar tại Nội Bài - thông tin thêm: hãng này và an ninh hàng không từng bắt được hai nhân viên của hãng thông đồng lấy tài sản của khách và đã có trường hợp bị xử tù, sa thải. Trong hai vụ việc trên hãng chưa có ghi nhận sự bắt tay giữa nhân viên bốc xếp và nhân viên an ninh hàng không.

Ông Hiệp cho biết thêm thực tế khách để tiền bạc hoặc máy tính xách tay trong hành lý ký gửi chặng Hà Nội - TP.HCM và ngược lại có tỉ lệ mất cắp rất cao. Vì vậy, đề nghị có thêm an ninh hàng không khám người nhân viên sau khi chuyến bay kết thúc dù hãng cũng thường xuyên khám tủ cá nhân, khám người.

Đánh giá tình trạng mất cắp hành lý ở sân bay, ông Cao Văn Thái - phó trưởng ban an ninh an toàn, Tổng công ty Cảng hàng không VN - cho biết từ đầu năm 2015 đến nay đã có hơn 30 trường hợp phát hiện và hành khách khai báo mất tài sản.

Trong đó Tân Sơn Nhất có 26 trường hợp, Nội Bài 5 trường hợp và Đà Nẵng 1 trường hợp. So với sáu tháng đầu năm 2014, Tân Sơn Nhất có 18 trường hợp trong số 26 trường hợp phát hiện, trong đó nhân viên hàng không có 8 trường hợp, chủ yếu là nhân viên của các hãng vận chuyển, bốc xếp, năm nay có 3 trường hợp.

Theo ông Thái, tình trạng trên có giảm sau khi triển khai hội nghị phòng chống vào cuối năm 2014 và các đơn vị triển khai một số biện pháp thuộc nội bộ.

“Các biện pháp vẫn nói nhiều mà chưa áp dụng được bao nhiêu. Hành lý đến cảng mất nhiều hơn hành lý đi, cần lần từng khâu để xác định mất ở đâu... Có thể kiểm tra ngẫu nhiên để răn đe, phòng ngừa. Đến bây giờ an ninh hàng không chưa có nhưng không loại trừ, không thể chủ quan. Cần xem lại nội bộ, cần luân chuyển người làm việc ở các vị trí kiểm soát người ra vào, vị trí làm việc” - ông Thái đề nghị.

Sẽ chuyển vị trí công tác nếu cán bộ sách nhiễu du khách

Đó là chỉ đạo của Bộ Tài chính trong công văn vừa gửi cục hải quan một số tỉnh, thành phố có sân bay, cảng biển quốc tế nhằm quán triệt về thái độ khi làm thủ tục đối với người xuất cảnh, đặc biệt là đối với khách du lịch. Theo đó, Bộ Tài chính nhấn mạnh nghiêm cấm hành vi sách nhiễu hành khách. Trường hợp vi phạm sẽ chuyển đổi vị trí công tác và xử lý theo quy định.

Về việc người xuất cảnh mang những hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có nhu cầu hoàn thuế giá trị gia tăng, cơ quan hải quan thực hiện làm thủ tục hải quan theo đúng quy định. Trường hợp người xuất cảnh mang theo những hàng hóa thông thường khác do Việt Nam sản xuất (có thuế xuất khẩu là 0%) thì công chức hải quan không yêu cầu người xuất cảnh phải khai hải quan.

Văn bản của Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh việc kiểm tra hành lý của người xuất cảnh chỉ thực hiện khi có thông tin về hàng hóa thuộc danh mục cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu. Trước đó, Tuổi Trẻ cũng có bài phản ánh nhiều hành khách khi xuất nhập cảnh ở các sân bay quốc tế vẫn than phiền bị vòi vĩnh, hạch sách... L.THANH

 

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Việt Nam hỗ trợ đưa nông nghiệp trở thành trụ cột kinh tế ở Venezuela

Bộ Nông nghiệp Venezuela đánh giá cao kết quả tốt vượt mong đợi về hợp tác nông nghiệp song phương, ngay cả trong điều kiện Venezuela vô cùng khó khăn.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hai giám đốc sở chỉ đạo cứu lúa trên cánh đồng Mường Lò

Giám đốc hai Sở: NN-PTNT và Công thương tỉnh Yên Bái trực tiếp chỉ đạo chống hạn cho diện tích lúa tại cánh đồng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ).

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm