| Hotline: 0983.970.780

Trong "bĩ cực", nghề cá Quảng Tiến vẫn "thái lai"

Thứ Tư 18/02/2009 , 08:00 (GMT+7)

Giữa cơn “bĩ cực”, gói kích cầu của Chính phủ đã giúp đưa nghề đánh bắt của xã biển Quảng Tiến đến hồi “thái lai”...

Nghề khai thác thuỷ sản tỉnh Thanh Hóa nói chung, xã Quảng Tiến (TX Sầm Sơn) nói riêng vừa ra khỏi năm 2008 với “thương tích” đầy mình. Tuy nhiên giữa cơn “bĩ cực” thì gói kích cầu của Chính phủ đã giúp đưa nghề đánh bắt của xã biển này đến hồi “thái lai”...

Tại xã Quảng Tiến, ông Lê Anh Dũng, PGĐ Sở NN- PTNT Thanh Hóa thông báo với ngư dân: Sở đã chấp thuận cho Quảng Tiến triển khai mô hình “cải tiến nghề lưới vây” đạt hiệu quả đánh bắt cao sau một năm sẽ tổng kết, nhân ra diện rộng. Mô hình gồm 4 – 6 tàu đánh cá xa bờ, chia làm hai tổ. Ý tưởng của mô hình này xuất phát từ kết quả khai thác của những ngư dân Quảng Tiến những năm gần đây. Đây là những chủ tàu cực kỳ năng động và quyết đoán. Họ mạnh bạo nối lưới vây cho dài rộng thêm, từ đó tăng hiệu suất đánh bắt cá. Kiểu lưới này học từ ngư dân Thái Lan và Malaysia. Cải tiến lưới vây đồng thời trang bị thêm máy đẩy, máy nổ để phát sáng, máy kéo lưới...Đặc biệt phải có máy dò ngang (thiết bị dò tìm đàn cá trong lòng biển bằng thủy âm) thì mới có hiệu quả.

Ông Phạm Gia Phúc, là chủ 2 con tàu có công suất 238CV và 230CV. Năm 2007, ông là chủ tàu cá duy nhất của Sầm Sơn được hưởng dự án trang bị máy dò ngang SONAR cho tàu cá (được hỗ trợ 100 triệu đồng/giá máy là 200 triệu đồng). Bốn người con trai của ông thì hai người làm thuyền trưởng, hai người làm máy trưởng trên hai con tàu của gia đình. Chiều 14/2/2009, gặp ông tại Cảng Hới đang cùng các thuyền viên chuẩn bị cho chuyến đi biển mới – ông thẳng thắn bộc bạch: Năm 2007- 2008, đôi tàu của tôi đạt sản lượng 350 tấn/năm. So với sản lượng nghề cá toàn xã Quảng Tiến năm 2008 đạt 1.800 tấn/251 tàu; bình quân 1 tàu chỉ khai thác được 34 tấn.

Như vậy, năng suất đánh bắt hải sản trên hai tàu của ông Phúc gấp khoảng 5 lần so với bình quân của xã. “Ấy là nhờ có máy dò cá SONAR và lưới vây rút chì cải tiến” – ông Phúc cho biết. Cũng theo ông Phúc, đôi tàu của ông còn thiếu các thiết bị đồng bộ so với tàu ông Phạm Gia Thanh do chưa đủ vốn đầu tư. Thêm nữa, loại máy dò sóng SONAR của tàu ông trang bị phần mềm tiếng Anh, trong khi trình độ ngư dân còn hạn chế, phải vừa nhìn màn hình vừa dò trong sách hướng dẫn nên ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng (so với máy dò ngang của tầu ông Thanh có phần mềm hiện thị bằng tiếng Việt).

Từ đầu năm 2009 đến nay, đôi tàu của ông Thanh đi được 3 chuyến, thu nhập tới 1.300.000.000 đồng. Với máy dò ngang SONAR, theo kinh nghiệm thực tế của tàu ông Phúc chỉ khi tàu ra đến mực nước sâu 45 mét trở lên và càng ra sâu hơn thì máy dò ngang mới phát huy hết tính năng, tác dụng. Trong khi đôi tàu của ông Phúc chỉ “quanh quẩn” ở độ sâu 40 mét trở lại nên chỉ sử dụng được 4/8 chức năng của máy.

Chúng tôi được ông Phạm Gia Long- Chủ tịch UBND xã Quảng Tiến cho biết: Theo ước tính tại cuộc tọa đàm và đối thoại của hơn 50 ông chủ tàu có kinh nghiệm đánh bắt của xã Quảng Tiến với lãnh đạo Sở NN- PTNT, lãnh đạo thị xã Sầm Sơn, xã Quảng Tiến và ngành ngân hàng – thực sự là một hội nghị "Diên Hồng" hiến kế cho nghề cá xã Quảng Tiến, thì số tiền đầu tư cho mỗi tàu vào khoảng 500.000.000 đ. Sáu con tàu tham gia dự án cần khoảng hơn 3.000.000.000 đ. Chi nhánh Ngân hàng NN-PTNT Sầm Sơn đã chấp thận đáp ứng đủ số vốn trên, thời hạn vay là 3 năm. Trong đó 8 tháng đầu được hưởng theo chính sách kích cầu của Chính phủ (hỗ trợ lãi suất 4%), sau đó sẽ theo lãi suất cho vay thương mại.

Phải nói chưa bao giờ như bây giờ, nguyện vọng được đầu tư vốn của ngư dân đã bắt gặp chính sách kích cầu của Chính phủ, sự tận tâm của cán bộ quản lý và ngành ngân hàng. Các ông chủ tàu của xã Quảng Tiến và kể cả chúng tôi là những người ngoại đạo cũng đầy tin tưởng rằng: Trước tiên là những tàu cá tham gia mô hình cải tiến nghề lưới vây, sau nữa, chỉ 1 – 2 năm thôi, hàng trăm tàu cá của Quảng Tiến, của Sầm Sơn và Thanh Hóa sẽ có năng suất đánh bắt tăng 4 – 5 lần so với hiện nay. Như vậy không có lý do gì để không tin tưởng nghề biển của Thanh Hoá sẽ không có ngày "thái lai".

Xem thêm
Hơn 15 tỷ USD sản phẩm nông nghiệp đã được xuất khẩu

Lũy kế tới 15/4, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nghiệp của Việt Nam đã đạt hơn 15 tỷ USD. Trong đó, có 6 mặt hàng đạt giá trị tỷ USD.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Lợi nhuận quý I/2024 của DAP Vinachem tăng đột biến

Chi phí đầu vào một số nguyên liệu chính giảm, xuất khẩu thuận lợi giúp DAP Vinachem báo lãi đột biến quý I/2024.