| Hotline: 0983.970.780

Trồng cam ôm nợ

Thứ Ba 05/08/2014 , 09:26 (GMT+7)

Về Hậu Giang hỏi về chuyện trồng cam rất nhiều hộ dân than: “Cam bị bệnh nhiều lắm chú ơi! Nhiều hộ trồng sắp cho thu hoạch rồi lại phải đốn bỏ”.

Hậu Giang là tỉnh có diện tích trồng cam lớn ở ĐBSCL. Mới đây, tỉnh đã công bố dịch bệnh trên cam sành. Bà Võ Mỹ Lộc ở ấp Kinh Mới, thị trấn Ngã Sáu (huyện Châu Thành) trồng 16 công cam sành vừa đốn hạ sạch vì cam bị bệnh.

“Trước đây, gia đình chủ yếu trồng cải để bán nên thu nhập không được bao nhiêu. Thấy cam bán với giá cao nên trồng thử xem sao. Để có tiền đầu tư, tôi phải đi vay ngân hàng 300 trăm triệu đồng để lên liếp, mua cây giống, phân bón, thuốc BVTV… mới đầu trồng có 8 công nhưng nghĩ rằng có ăn nên trồng tiếp 8 công nữa.

Vài năm trước, vùng này ít người trồng cam nên dịch bệnh ít. 8 công cam đầu tiên còn thu nhập được kha khá, đủ để trả lãi ngân hàng và mua cây giống, lên liếp để trồng 8 công cam sau. Nhưng 3 năm nay, tốn chi phí phân bón, thuốc BVTV… hơn 100 triệu đồng mà vườn cam gần cho thu hoạch lại bị bệnh vàng lá, không còn cách nào chỉ còn cách đốn bỏ trồng lại cây mới”, bà Lộc buồn bã nói.

Đốn vườn cam chưa cho trái đã đành, đằng này vườn đang cho thu hoạch cũng phải chặt vì bệnh lây lan, cam trái nhỏ và năng suất giảm mạnh, bán với giá rẻ bèo.

"Để tránh tình trạng bệnh lây lan trên cam sành nên sử dụng phân hữu cơ, thiết kế liếp cao, trồng giống chất lượng. Thời gian tới, huyện sẽ tổ chức kiểm tra cơ sở SX giống, ngăn không cho cây giống trôi nổi vào địa bàn", ông Trần Quang Hành.

Chính vì cái lợi trước mắt mà nhiều nông dân trồng cam không tránh khỏi điệp khúc “trồng chặt”. Bà Lộc bộc bạch: “Lợi nhuận của cây cam hơn rất nhiều loại cây trồng khác, lại dễ bán. Vì mỗi đợt thu hoạch cũng kiếm được vài triệu, có khi lên đến vài chục triệu. Còn trồng chuối, mít, ổi… bán giá vài ngàn đồng/kg mà chẳng ai mua. Ai ngờ cam vừa có nước bị bệnh lại rụng hết chứ không cũng gỡ gạc được”.

Ông Huỳnh Văn Thôi, ấp Bảy Thưa, xã Tân Thành (TX Ngã Bảy) than thở: "Gia đình vay tiền ngân hàng 50 triệu đồng, cùng với số tiền dành dụm mấy mươi năm để đầu tư trồng 15 công cam sành, thu hoạch chỉ hơn 3 vụ mà giờ phải đốn hết 13 công, còn 2 công chưa đốn vì để bán được tí nào hay tí đó”.

Vườn cam của ông Thôi đã nhiễm bệnh, năng suất giảm sau 2 vụ thu hoạch, nhưng vì nhà nghèo, không tiền nên không đốn cây mà để đó với hy vọng kiếm chút ít để cải tạo lại vườn. Nhưng càng để bệnh nhiều hơn, cây chết lần từ mùa này đến mùa khác, bán trái chỉ đủ để mua phân bón chứ không có dư.

Càng vô phân càng thêm nợ nần. Đến giờ gia đình ông Thôi vẫn còn nợ ngân hàng 25 triệu đồng. Sổ đỏ thì trong nhà băng, cam thì bị chặt...

Còn anh Phạm Hoàng Vũ, 26 tuổi ở ấp Phú Bình, xã Phú Hữu (huyện Châu Thành) vay 100 triệu đồng thuê 2 công đất ở Xẻo Chồi trồng cam. Trồng được 2 năm, bán được hơn 5 tấn trái, thu nhập chỉ 70 triệu đồng mà giờ phải đốn bỏ trồng lại đu đủ, ổi...

Ông Trần Quanh Hành, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Châu Thành cho biết, huyện đang khuyến cáo bà con chuyển sang trồng các loài cây khác như bưởi, cam xoàn, cam mật, chanh không hạt… thay cam sành. Năm 2013, diện tích trồng cam sành của huyện Châu Thành là 4.550 ha, trong đó diện tích nhiễm bệnh khoảng 900 ha. Đến năm 2014, diện tích cam sành tăng lên 4.711 ha, nhiễm bệnh lên 1.100 ha.

Xem thêm
Doanh nghiệp là đầu kéo phát triển chăn nuôi quy mô lớn

An Giang xác định được vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp trong việc nâng cao giá trị của ngành chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung gắn an toàn sinh học.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đào Bắc Hà mất mùa, giá cao

LÀO CAI Hiện đào Pháp ở Bắc Hà đã vào chính vụ thu hoạch. Năm nay cây đào không được mùa nên giá cao hơn mọi năm.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.