| Hotline: 0983.970.780

Trồng cây đến ngày hái quả

Thứ Ba 16/12/2014 , 09:30 (GMT+7)

Về xã Thịnh Sơn (huyện Đô Lương, Nghệ An) hôm nay không khó để nhận ra bộ mặt NTM đang hiện hữu trên từng con đường, ngõ xóm.

Chủ trương đúng đắn

Trước khi được chọn làm xã điểm, Thịnh Sơn mới chỉ đạt 8/19 tiêu chí. Do ngân sách địa phương eo hẹp, trong khi đời sống người dân còn nhiều thiếu thốn nên ngay khi mới bắt đầu triển khai, lãnh đạo, chính quyền xã đã tỏ rõ thái độ quyết tâm.

Đảng ủy, UBND xã quán triệt quan điểm xây dựng NTM là trách nhiệm chung, trong đó vai trò quyết định thuộc về nhân dân. Song song với đó, địa phương rất coi trọng công tác đào tạo, tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ cơ sở để triển khai chương trình.

"Trong xây dựng cơ sở hạ tầng, chúng tôi xây dựng kế hoạch thực hiện lồng ghép với chương trình có vốn đầu tư của ngân sách Nhà nước, thành lập Ban quản lý, Ban giám sát đảm bảo các công trình được thi công.

Đối với các công trình thôn, xóm đều được Chi bộ triển khai họp toàn thể nhân dân để mọi người được bàn bạc dân chủ và thống nhất phương án", ông Thái Khắc Mão, Phó Chủ tịch UBND xã Thịnh Sơn, cho biết.

Là xã thuần nông với 75% dân số của địa phương sống chủ yếu dựa vào SXNN, đời sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Nhưng với bước chuyển mình mạnh mẽ từ lý luận cho đến thực tiễn, hàng loạt tín hiệu khởi sắc đã đến.

Ông Nguyễn Hữu An, Chủ tịch UBND xã, hồ hởi cho biết: “Chúng tôi đang từng bước thực hiện chuyển dịch cơ cấu lao động để tăng thu nhập cho bà con nhưng vẫn luôn xác định nông nghiệp là thế mạnh”.

23-45-11_3
Nhiều tuyến đường được nâng cấp bê tông hóa

Biết thu hút nguồn vốn từ Trung ương, tỉnh, huyện kết hợp với nguồn cấp bù thủy lợi phí, xã Thịnh Sơn đã tiến hành đầu tư nâng cấp các hồ đập, trạm bơm trên địa bàn. Đến nay, 100% hệ thống kênh mương nội đồng được làm mới, đáp ứng nhu cầu tưới tiêu, tạo tiền đề cho những mùa vụ bội thu.

Khơi dậy sức dân 

Thịnh Sơn đang khoác lên chiếc áo mới, kí ức về một xã nghèo khó nhanh chóng lùi vào dĩ vãng. Cuộc sống tĩnh lặng trước kia nay nhường chỗ cho phố xá đông vui, tấp nập, hàng loạt ngôi nhà cao tầng còn thơm mùi vôi vữa mọc lên san sát.

Những con đường bê tông thẳng tắp từ đầu làng đến cuối ngõ như minh chứng thêm cho sự thay da đổi thịt nơi đây.

Nhiều gia đình ở xóm 11 và xóm 13 đã tự nguyện tháo dỡ hàng rào, cây cối, đồng thời hiến gần 10.000m2 đất, hàng trăm mét tường rào, hàng ngàn cây ăn quả... tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đơn vị thi công tiến hành xây dựng.

Thịnh Sơn là 1 trong 3 xã điểm của huyện Đô Lương trong quá trình xây dựng NTM. Xuất phát điểm ban đầu không cao, thu nhập bình quân chưa đạt 20 triệu đồng/người/năm nhưng nay mức sống đã có nhiều chuyển biến, thu nhập đạt 34 triệu đồng/năm.

Hộ anh Thái Văn Hùng ở xóm 13 có 4 khẩu, trong nhà không mấy dư dả cũng vui vẻ đóng 1,2 triệu đồng/khẩu để làm đường GTNT. Chưa hết, anh còn tự tháo dỡ hơn 20m tường bao cho xóm mở đường, làm mương.

“Thực sự thì kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn nhưng vì lợi ích chung nên chúng tôi không nề hà”, anh Hùng vui vẻ nói.

Được biết, tổng kinh phí xây dựng NTM trong 4 năm qua của Thịnh Sơn đạt trên 184 tỷ đồng, trong đó ngân sách địa phương là 28 tỷ đồng; ngân sách cấp trên và các chương trình lồng ghép hơn 45 tỷ; hơn 110 tỷ đồng còn lại là đóng góp của nhân dân.

Sức mạnh nội lực được phát huy nhờ vào công tác tuyên truyền, vận động sát sao, từng bước tạo thành một làn sóng kết nối tất cả mọi người lại với nhau.

Anh Nguyễn Đình Thế quê ở Thịnh Sơn hiện là giám đốc của một chi nhánh Cty dầu khí ở TP. Vũng Tàu khi biết chủ trương xây dựng NTM của xã đã không ngần ngại ủng hộ đến 400 triệu đồng để hỗ trợ thêm kinh phí xây mới nhà văn hóa của xóm.

23-45-11_6
Nhà văn hóa xóm 9 do anh Nguyễn Đình Thế góp kinh phí xây dựng

Trao đổi với chúng tôi, anh vui vẻ cho biết: “Thấy chủ trương xây dựng NTM rất đúng đắn nên gia đình không ngần ngại hưởng ứng. Chứng kiến quê hương ngày một khởi sắc, bản thân tôi thấy vui lây”.

Tương tự là trường hợp của anh Thái Khắc Việt (xóm 5), dù đang công tác tận nước Nga xa xôi vẫn tích cực hỗ trợ xóm xây dựng con đường trị giá 250 triệu đồng; hay như anh Dương Trọng Tứ (xóm 12) cũng đóng góp đến 300 triệu đồng để nâng cấp đường bê tông…

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.