| Hotline: 0983.970.780

Trồng cây nào trong thành phố

Thứ Ba 31/03/2015 , 10:02 (GMT+7)

Cây xanh trong mỗi thành phố ngoài chức năng như một lá phổi, còn là cảnh quan, là văn hóa, là khoa học, là lịch sử... / Hiến kế trồng cây xanh đô thị Hà Nội

Dư luận vừa qua xôn xao bàn tán xung quanh chuyện chặt và trồng cây bóng mát tại Thủ đô Hà Nội. Là dân trong ngành Lâm nghiệp, xin được chia sẻ quan điểm cá nhân của mình, góp phần sáng tỏ sự việc.

Theo tôi, cây trồng trong đô thị không chỉ là cây trồng chỉ để lấy bóng mát, mặc dù có lúc đó là chức năng chính.

Ví dụ ở các nước xứ lạnh có ít nắng nóng nhưng đường phố của họ vẫn có những hàng cây rất đẹp, ngay cả vào mùa đông. 

Ở các nước quanh ta như Singapore, Thái Lan, hay thành phố trẻ Nam Ninh - Trung Quốc, ai đã đi qua đều phải trầm trồ khâm phục bởi chính những hàng cây xanh, những thảm cỏ, thảm hoa được trồng theo quy hoạch một cách có tính toán khoa học và thẩm mỹ, có tầm nhìn đến hoàn hảo, tạo cho du khách những ấn tượng hết sức thiện cảm. Hà Nội của chúng ta mấy chục năm trước đây cũng từng được bạn bè các nước đến thăm khen ngợi là thành phố cây xanh, tôi cho rằng họ đã rất thực lòng.

Như thế là cây xanh trong mỗi thành phố ngoài chức năng như một lá phổi để đem lại không khí trong lành cho cư dân, giảm nhẹ cái oi bức của những ngày hè nhiệt đới, còn là cảnh quan, là văn hóa, là khoa học, là lịch sử...

Chả thế mà Nhà nước đã có những quy định được luật hóa, các trường, viện có những ngành học nghiên cứu về chức năng, nhiệm vụ, những quy định trong quy hoạch, quản lý cây xanh đô thị.

Như cây thế nào thì được coi là cây di sản, thế nào là cây cổ thụ, loại đường phố nào, chiều rộng hè đường bao nhiêu thì được trồng loại cây có kích cỡ ra sao, rồi ngay cả tập đoàn cây được phép và không được phép trồng tại những vị trí nhất định, rất rõ ràng.

Vì thế, để xảy ra tranh luận trong việc chặt, trồng tốn giấy mực, thời gian, tiền bạc... trước hết là do công tác quản lý, do năng lực của cán bộ hạn chế (mà dân gian hay gọi là kém hiểu biết) mà ra cả thôi.

Cụ thể, với cây xà cừ mà họ cho là bộ rễ ăn nông nên hay đổ gây thiệt hại về người và tài sản thì nguy cơ này hoàn toàn có thể loại trừ bằng cách loại bỏ bớt những cành cao, cành cản gió, cành có nguy cơ gãy đổ, như nhiều loại cây khác đã từng được xử lý trước đây.

Hơn nữa, đối với những cây đã được trồng cách đây cả trăm năm, đường kính gốc xấp xỉ 1 m, thì việc chặt cây, đào gốc chỉ để trồng lại cây khác (mà loài cây mới định trồng chưa biết có hơn gì không) vừa tốn kém, lãng phí vừa gây phản cảm, là điều dễ hiểu.

Về loài cây định trồng thay thế mà họ gọi là cây vàng tâm, thì ngay cả đúng cây vàng tâm với tên khoa học là Manglietia fordiana Hemsl đi chăng nữa, là loài cây gỗ quý hiếm thật, nhưng chưa chắc đã đáp ứng các tiêu chí cây trồng đô thị, lại càng không chắc có thể sống và phát triển tốt ở Thủ đô có các điều kiện tự nhiên không phù hợp với nhu cầu sinh thái của nó - như độ cao, nhiệt độ, đặc biệt là mực nước ngầm. Còn nếu quả thật các cây đã trồng là loài cây gỗ mỡ Manglietia phuthoensis, thì chẳng biết nói thế nào ngoài chữ lừa!

Để khép lại bài viết, tôi thấy cần phải nêu một thực tế khách quan không chỉ xảy ra trong câu chuyện trồng cây trong thành phố mà còn khá phổ biến trong nhiều lĩnh vực khác, đó là tình trạng thiếu liên thông trong khoa học.

Nhiều khi cùng một đối tượng, nhưng lại được nhiều ngành, nhiều địa phương khác nhau quan tâm đầu tư nghiên cứu, kết quả không được công khai trao đổi, nên nhiều khi người thực hiện có vướng mắc không biết hỏi ai, dẫn đến lúng túng là điều dễ hiểu. Đấy là chưa kể việc tiếp thu ý kiến của các nhà khoa học đôi khi còn thiếu cầu thị, thậm chí bảo thủ, thì dân gọi là thiếu minh bạch cũng chẳng sai.

Âu cũng là một bài học đắt giá cho Thủ đô trong việc trồng cây xanh trong thành phố nói riêng và cho các đô thị cả nước nói chung.

(Hội các ngành Sinh học VN)

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Bộ NN-PTNT đứng đầu về chỉ số cải cách công vụ

Với số điểm đạt 94,4%, Bộ NN-PTNT đứng đầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ về chỉ số cải cách chế độ công vụ trong bảng xếp hạng PAR Index 2023.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cứu lấy gần 30ha rừng ngập mặn ở Nam Định: [Bài 2] Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm?

Chủ đầu tư Khu công nghiệp Rạng Đông phải chịu trách nhiệm nếu kênh xả thải khu công nghiệp chặn dòng chảy làm gần 30ha rừng ngập mặn ven biển Nghĩa Hưng bị thiệt hại.