| Hotline: 0983.970.780

Trồng dâu nuôi tằm, thu nhập lớn

Thứ Năm 14/04/2011 , 10:25 (GMT+7)

Số lượng các hộ có tổng thu nhập bình quân 5 - 6 triệu đồng/tháng từ nghề trồng dâu nuôi tằm tại Nghĩa Đồng, huyện Tân Kỳ (Nghệ An) hiện khá phổ biến.

Nghĩa Đồng, huyện Tân Kỳ (Nghệ An) là một xã thuần nông với tổng dân số 9.300 nhân khẩu. Toàn xã có 1.703 ha đất các loại. Trong số 900 ha đất nông nghiệp nhưng chỉ có 400 ha đất trồng lúa, còn lại là đất màu đồng, soi bãi dọc 2 bên bờ sông Con.

Trước đây, ngoài canh tác 2 lúa, số đất màu, soi bãi bà con ở đây chỉ trồng ngô, đậu, lạc. Thế nhưng, do đất bạc màu nên năng suất các loại cây nói trên đều thấp. Riêng cây ngô, năng suất không ổn định. Năm mưa thuận, gió hoà cũng chỉ được 200kg/sào (4 tấn/ha). Mỗi năm người dân Nghĩa Đồng đều cố gắng trồng 2 vụ ngô để tăng sản lượng ngô phục vụ chăn nuôi nhưng do thời tiết diễn biến phức tạp nên thông thường chỉ được 1 vụ ngô xuân là chắc ăn, còn vụ hè thu khi ngô chưa kịp có sữa đã bị ngập lụt chỉ còn cách chặt cả cây về làm thức ăn cho trâu bò.

Năm 2001, UBND xã Nghĩa đồng quyết định chuyển một số diện tích đất bãi soi hai bên bờ sông Con sang trồng dâu để khôi phục lại nghề trồng dâu nuôi tằm trước đây và điều ít ai ngờ tới là cây dâu và con tằm đã lập tức bám rễ và phát triển ngày càng thịnh vượng. Cho đến nay, xã Nghĩa Đồng đã mở rộng diện tích trồng dâu lên trên 30 ha.

Ông Võ Duy Hiển, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Đồng phấn khởi cho biết: Thực ra nghề trồng dâu nuôi tằm tại Nghĩa Đồng đã có từ trước đây. Thời bao cấp, HTX nông nghiệp từng coi cây dâu, con tằm là một nghề phụ của địa phương. Nhưng thời ấy, giá kén tằm không ổn định, không có đầu ra, có năm hàng tấn kén tằm bỏ kho cho đến khi phải huỷ. Chán nản vì không có thu nhập đã khiến người dân đã phải chặt bỏ cây dâu, làm cho nghề nuôi tằm mai một dần. Bởi thế, khi xã chủ trương khôi phục lại nghề trồng dâu, nuôi tằm, không phải mọi người đều đồng tình, mặc dù kinh nghiệm của họ ai cũng có thừa.

Thế mà từ năm 2001 đến nay, nghề trồng dâu, nuôi tằm đã thịnh vượng trở lại. Hiện toàn xã đã có trên 200 hộ tham gia trồng dâu, nuôi tằm. Hộ trồng nhiều nhất là 4 sào, hộ ít nhất cùng vài sào. Điều khiến người dân ở đây phấn khởi và tích cực mở rộng diện tích dâu và mở mang nghề nuôi tằm chính là thu nhập từ nghề này khá cao và ổn định. Cứ đến kỳ thu hoạch kén là các thương lái về tận xã thu mua bằng hết.

Giá kén tằm những năm trước bình quân thấp nhất là 90.000 đồng/kg. Năm 2010, có thời điểm giá kén lên tới 130.000 đồng/kg mà vẫn không có để bán… Số lượng các hộ có tổng thu nhập bình quân từ nghề này 5 - 6 triệu đồng/tháng hiện khá phổ biến. Trong xã có gia đình ông bà Giáo, ông bà Tùng mỗi lứa đều thu được bình quân 60 - 65 kg kén (trên dưới 8 triệu đồng/tháng).

Anh Phan Văn Thành, cán bộ MTTQ xã Nghĩa Đồng tính toán: Chu kỳ sinh trưởng của con tằm chỉ trong vòng 23 ngày là thu hoạch 1 lứa kén. Mỗi sào dâu cho người nuôi bình quân 15 - 16 kg kén/lứa. Mỗi năm nuôi và xuất được 9 lứa kén. Như vậy, mỗi sào dâu (500 m2) sẽ cho người nuôi tằm khoảng 135 -140 kg kén/năm. Nếu tính ở mức bình quân 90.000 đồng/kg kén thì mỗi sào dâu sẽ cho người nuôi tằm tổng thu nhập khoảng trên 12 triệu đồng/năm (lãi ròng bình quân từ 6 đến 8 triệu đồng/sào/năm). Bởi thế, riêng 30 ha dâu của xã Nghĩa Đồng, đã mang lại cho trên 200 hộ trồng dâu, nuôi tằm tổng thu nhập từ 7,2 đến 7,5 tỷ đồng/năm. Ngoài ra bà con còn thu hoạch được hàng tấn sản phẩm phụ là phân tằm phục vụ rất tốt cho sản xuất nông nghiệp…

Nghề trồng dâu, nuôi tằm tại Nghĩa Đồng cho đến nay vẫn được xem là một nghề phụ cho thu nhập cao hơn tất cả các nghề nông nghiệp hiện có của địa phương. Nó đã góp phần tích cực vào việc giải quyết công ăn, việc làm cho bà con những lúc nông nhàn. Các cụ ngày xưa bảo "nuôi lợn ăn nằm, nuôi tằm ăn đứng" để nói cái tất bật, vất vả của nghề này, nhưng thực tế tại Nghĩa Đồng, tại các hộ nuôi tằm từ trẻ con, người lớn đến cụ già đều có thể tham gia các công việc khi trong gia đình trồng dâu nuôi tằm. Từ việc hái dâu, cắt dâu đến cho tằm ăn đều là những công việc khá nhẹ nhàng nên ai cũng có thể làm được. Chính nghề trồng dâu, nuôi tằm đã giúp địa phương hạn chế tối đa tình trạng thanh niên phải ly hương đi các nơi khác tìm công ăn, việc làm sau khi nghỉ học.

Ông Ngô Xuân Nghĩa, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Đồng cho biết thêm: Dâu là một loại cây dễ tính, rễ sâu và phát triển mạnh nên chịu hạn và chịu úng và chịu rét đều tốt. Vào mùa mưa lũ, nước sông Con ngập băng băng cả cánh đồng dâu của xã, nhưng sau khi nước rút, người dân chỉ cần ra chặt cành, làm cỏ, bón phân là nó lại phát triển trở lại xanh tốt như thường. Hàng tháng trời rét đậm, rét hại dưới 14 độ mà cây dâu ngoài bãi vẫn xanh um, bất chấp rét mượt cắt da, cắt thịt… Do nghề trồng dâu, nuôi tằm tại Nghĩa Đồng mang lại lợi ích thiết thực cho người dân (lãi ròng bình quân từ 120 đến 160 triệu đồng/ha/năm) nên phương án của xã trong thời gian tới là tiếp tục mở rộng diện tích trồng dâu lên gấp 3 lần hiện nay. Nếu giá kén vẫn ổn định và tiêu thụ tốt, thì từ nay đến năm 2013, toàn bộ diện tích đất màu, soi bãi bị hạn gay gắt hàng năm sẽ được chuyển sang trồng dâu. UBND xã sẽ bố trí cho mỗi hộ phải trồng từ 4 - 5 sào dâu và thu hút thêm khoảng 500 hộ dân trong xã tham gia nuôi tằm để tăng thêm thu nhập cho người dân.

Xem thêm
Giá heo tăng nhờ tăng cường ngăn chặn nhập lậu

Việc các địa phương ở phía Nam tăng cường ngăn chặn heo nhập lậu đang góp phần giúp cho giá heo hơi tăng lên ở Đông Nam bộ và trên cả nước.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Hưng Yên làm sống lại các lớp học IPM

Thời gian qua, trong khi ở một số tỉnh việc quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) bị lơ là thì Hưng Yên đã tìm cách vực dậy.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất