| Hotline: 0983.970.780

Trồng điều làm đường giao thông

Thứ Tư 07/05/2014 , 06:55 (GMT+7)

Nhờ trồng điều, ông Đoàn đã tự bỏ ra 240 triệu làm đường giao thông nông thôn và 10 triệu đồng kéo đường điện vào tận nhà để phục vụ cho sinh hoạt và SX.

Ông Nguyễn Phi Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đạ Kho, huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng dẫn chúng tôi đi dọc theo con đường nhựa liên thôn uốn lượn qua một cánh đồng trồng ngô, một cánh đồng trồng lúa đang ngả màu vàng óng chuẩn bị ngày thu hoạch.

Đột ngột ông rẽ vào một con đường đất mới đắp, trước mắt chúng tôi là cả một quả đồi trồng điều rộng trên 7 ha, vừa thu hoạch xong nhưng vẫn còn xanh um của ông Đỗ Xuân Đoàn (thôn 10, xã Đạ Kho).

Ông Hùng khoe với tôi: “Nhờ trồng điều, ông Đoàn đã tự bỏ ra 240 triệu làm đường giao thông nông thôn và 10 triệu đồng kéo đường điện vào tận nhà để phục vụ cho sinh hoạt và SX nông nghiệp đấy!”.

Đi thẳng vào bên trong, chúng tôi gặp ông Đoàn đang chăm sóc, tỉa cành cho vườn điều. Ông cho biết quê ở huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây cũ (nay là Hà Nội). Năm 1980 gia đình ông đi theo đoàn xây dựng kinh tế mới tại xã Đạ Kho, huyện Đạ Tẻh. Hồi đó khu vực này rừng núi hoang vu, một thời mệnh danh là chốn “rừng thiêng nước độc”, bệnh sốt rét hoành hành, nhiều người phải bỏ về quê hoặc chuyển đi nơi khác.

Lúc đó, bà con vào làm kinh tế mới đều phải đi khai phá đất hoang, ai khai phá được bao nhiêu thì cứ trồng trọt, chăn nuôi, không phải mua bán gì. “Gia đình tôi cố bám trụ tới giờ, mỗi năm lại trồng thêm được một số diện tích và giờ đã được 7 ha rồi!”, ông Đoàn nói.

Do địa hình đặc trưng của xã Đạ Kho nói riêng, huyện Đạ Tẻh nói chung có nhiều đồi núi, đất dốc, mỗi mùa mưa đất bị rửa trôi, bạc màu chẳng trồng cây gì nổi. Qua thời gian, nhiều người thấy cây điều mới “có duyên” với đất này vì khả năng chống chịu hạn tốt.

Nhằm tăng thu nhập cho người nông dân, Bộ NN-PTNT và Vinacas đang tập trung nhiều giải pháp đẩy mạnh thâm canh đồng bộ trên toàn diện tích điều tại nhiều tỉnh thành. Mục tiêu đến năm 2020 có 90% vườn điều được áp dụng các biện pháp thâm canh, thực hiện tạo tán, tỉa cành, ghép cành, bón phân, phòng trừ sâu bệnh theo
quy trình kỹ thuật.

Đồng thời, 70% diện tích điều được áp dụng kỹ thuật tăng tỷ lệ ra hoa, đậu quả nhất là vùng chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Nếu so sánh cây điều ở các tỉnh Đồng Nai, Bình Phước thì năng suất cây điều ở Đạ Tẻh không bằng. Nhưng có thể nói, cây điều là cây xóa đói giảm nghèo cho nhiều hộ dân ở địa phương.

Hồi đầu vào xây dựng kinh tế mới, gia đình ông Đoàn cũng trồng lúa, trồng ngô nhưng năng suất không cao, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Năm 1996, ông chuyển sang trồng thử 1 ha điều (giống điều trồng bằng hạt), hồi mới trồng cũng bỡ ngỡ, thấy người ta trồng ông bắt chước làm theo.

Trồng 3 năm, 1 ha điều của ông mới có trái bói, rồi sau đó năm có trái, năm không. Tuy nhiên, do là nhân viên khuyến nông, được học nhiều lớp tập huấn, tham quan nhiều mô hình trồng điều hiệu quả, đến năm 2005 ông mạnh dạn chuyển đổi 1,2 ha sang trồng điều cao sản.

Nếu so sánh cây giống điều hạt và giống cao sản (điều ghép), thì trồng điều cao sản lợi hơn nhiều. Trồng giống điều hạt thì từ khi trồng tới khi ra bói là 3 năm, trồng điều ghép chỉ 18 tháng, hạt điều ghép to hơn, bóng hơn, năng suất đạt 3 tấn/năm, năng suất ổn định, không bị mất mùa, giá bán cũng cao hơn.

Sau những năm đi xây dựng quê hương mới, tới nay gia đình ông Đoàn đã sở hữu trong tay 7 ha đất trồng điều (vừa điều hạt và điều cao sản), 1 năm cho thu nhập trên dưới 300 triệu đồng. Ông Đoàn khoe, mừng nhất là con cái đã trưởng thành, người đi xây dựng gia đình, người thì đi làm nhà nước, ai cũng có công ăn việc làm ổn định.

“Vừa qua, tôi đã bỏ ra 240 triều đồng để làm đường xóm, 10 triệu đồng kéo đường điện để phục vụ gia đình và SX nông nghiệp. Dự kiến trong thời gian tới, nếu điều cứ giữ giá hoặc cao hơn như hiện nay thì tôi sẽ bỏ thêm tiền làm đường bê tông, các anh vô chơi sẽ không phải vất vả nữa đâu!”.

Chia tay ông Đoàn, chúng tôi cầu chúc cho ông sớm đạt được mơ ước để những con đường quê xã Đạ Kho ngày một khang trang hơn.

Ông Nguyễn Phi Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đạ Kho cho biết: "Hiện toàn xã có 580 ha đất trồng điều, tuổi thọ trên dưới 20 năm. Trước đây, hầu hết bà con trồng tự phát, những năm gần đây Hội Nông dân xã phối hợp với Trạm Khuyến nông thường xuyên mở các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, bón phân, thu hái. Đặc biệt là chuyển đổi giống cây trồng, từ giống điều hạt truyền thống của địa phương chuyển dần sang trồng giống điều cao sản".

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm