| Hotline: 0983.970.780

Trồng khổ qua lấy hạt

Thứ Năm 09/09/2010 , 10:42 (GMT+7)

Trồng khổ qua không quá khó như nhiều loại cây trồng đòi hỏi kỹ thuật cao, nhưng phải cần cù, thao tác khéo léo và đúng giờ.

Từ năm 2007 Cty Đông Tây ở TPHCM ký hợp đồng trồng khổ qua (mướp đắng) lấy hạt giống F1 với một số hộ ở thị trấn nông trường Liên Sơn (Văn Chấn, Yên Bái), diện tích ban đầu chỉ dăm ba sào. Từ đó đến nay, diện tích khổ qua đã lên tới hàng chục ha, không chỉ bà con người kinh, hiện bà con các dân tộc: Thái, Mường, Tày… trên khắp cánh đồng Mường Lò cũng đã trồng khổ qua lấy hạt.

Trồng khổ qua không quá khó như nhiều loại cây trồng đòi hỏi kỹ thuật cao, nhưng phải cần cù, thao tác khéo léo và đúng giờ. Có hai vụ chính, vụ xuân từ cuối tháng hai đến đầu tháng sáu, vụ hè thu từ tháng 6 đến cuối tháng 8 thì được thu hoạch. Năng suất vụ hè thu cao hơn, do giờ nắng nhiều và không có mưa phùn, nên tỷ lệ đậu quả cao.

Đất trồng khổ qua được đánh luống cao hơn so với mặt ruộng 30-35 cm để dễ thoát nước, mặt luống rộng 40-45cm, trên phủ ni lon, gốc cách gốc 40 x 40 cm, giàn khổ qua được làm bằng tre kết lại bằng lưới cước mắt rộng. Khi cây ra hoa, buổi chiều họ dùng ống nhựa màu đỏ kẹp vào những bông hoa cái không cho nở, để tránh sự thụ phấn tự nhiên. Người ta hái những bông hoa đực là giống khổ qua khác trồng cạnh đó được lấy từ chiều hôm trước ủ trong một cái thúng, sáng hôm sau họ mang những bông hoa đực thụ phấn bằng tay cho những bông hoa cái đã kẹp ống nhựa đỏ.

Sau khi thụ phấn cho hoa xong, họ buộc một sợi chỉ đỏ đánh dấu rồi kẹp bông hoa cái bằng một ống nhựa màu xanh để không cho ong, bướm, kiến mang những hạt phấn lạ thụ phấn tiếp cho bông hoa cái đã được thụ phấn nhân tạo. Khi khổ qua chín có màu đỏ họ thu hoạch những quả đã buộc chỉ đánh dấu về bóc lấy hạt phơi khô bán cho công ty.

Anh Đinh Văn Hoàn, dân tộc Mường ở bản Năm Hăn 2, xã Phù Nham trồng khổ qua lấy hạt từ vụ hè thu 2009 trên diện tích 700 m2. Đây là diện tích trồng lúa hai vụ, sau khi tính toán gia đình anh quyết định trồng khổ qua, trồng khổ qua tốn công chăm sóc, mùa thụ phấn thì từ sớm đến trưa cả hai vợ chồng đều lăn lưng ra thụ phấn. Buổi chiều thì kẹp những bông hoa cái hãm không cho nở, rồi hái những bông hoa đực ở thửa ruộng liền kề mang về ủ đợi sáng mai lấy phấn để thụ cho hoa cái. Công việc cứ rích rắc và công phu như vậy, mới đầu ai cũng ngại, nhưng làm đi làm lại mãi cũng quen, bù lại trồng khổ qua cho thu nhập cao nên vợ chồng anh cũng gắng làm.

Ông Phạm Văn Toản - Trưởng phòng NN-PTNT Văn Chấn cho biết: Trồng khổ qua lấy hạt được công ty Đông Tây ký hợp đồng trực tiếp với nông dân từ năm 2007, sau mấy năm đã được nông dân nhiều xã trong lòng chảo Mường Lò trồng. Theo báo cáo từ các xã, diện tích khổ qua hiện có khoảng 30-35ha. Đây là giống khổ qua lai từ hai giống khổ qua khác nhau, cán bộ kỹ thuật của Cty Đông Tây họ giám sát rất kỹ từng giai đoạn sinh trưởng và các thao tác kỹ thuật của nông dân.
Anh bảo: Vụ trước gia đình cháu thu được 40 kg hạt, trừ hết chi phí còn được 7 triệu, vụ này dự tính thu được 50 kg hạt, với giá thu mua mà công ty đã thông báo từ 220-230 ngàn đồng/kg, thì cũng được khoảng 11 triệu. So với trồng lúa trồng khổ qua thu nhập cao gấp hai ba lần. Vì thế gia đình cháu mới trồng khổ qua, chỉ trồng mấy sào lúa đủ thóc ăn thôi…

Ở bản Năm Hăn 2 có hơn 40 hộ, thì hầu như tất cả đều trồng khổ qua lấy hạt, hộ ít 500m2, hộ trồng nhiều như gia đình ông Đinh Văn Mậu, Hà Đình Huy trồng 1.600m2, Đinh Văn mậu trồng 1.200m2…Gia đình anh Hà Văn Siềng trồng 500m2 vụ xuân 2010, thu 30 kg hạt, tính ra thu được 6,9 triệu, hiện Cty đã trả nửa tiền, vụ hè thu anh tiếp tục trồng, một mình anh không làm hết việc anh phải thuê đứa cháu làm giúp.

Anh dự kiến vụ hè thu năm nay thu khoảng 35 kg. “So với trồng lúa thì hơn nhiều bác ạ, Cty họ ứng giống, phân bón, mình chỉ mất công làm và phân chuồng thôi”. Anh Siềng nói. Từ diện tích 700m2 của gia đình anh Đinh Văn Hoàn mỗi vụ thu 7 triệu thì mỗi ha trồng khổ qua thu 100 triệu, nếu trồng hai vụ thì mỗi ha thu không dưới 200 triệu.

Xem thêm
Doanh nghiệp là đầu kéo phát triển chăn nuôi quy mô lớn

An Giang xác định được vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp trong việc nâng cao giá trị của ngành chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung gắn an toàn sinh học.

Nghề mới lên đời

BÌNH ĐỊNH Chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng cao, phong trào nuôi thú cưng ở phố thị theo đó cũng nở rộ, kéo theo nghề điều trị, làm đẹp cho thú cưng phát triển.

Đào Bắc Hà mất mùa, giá cao

LÀO CAI Hiện đào Pháp ở Bắc Hà đã vào chính vụ thu hoạch. Năm nay cây đào không được mùa nên giá cao hơn mọi năm.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.