| Hotline: 0983.970.780

Trồng khoai lấy ngó thu nhập cao

Thứ Sáu 06/12/2019 , 10:36 (GMT+7)

Nhiều hộ dân ở xã Lê Hồng, huyện Thanh Miện (Hải Dương) mạnh dạn chuyển đổi từ lúa sang trồng khoai lấy ngó mang lại thu nhập cao.

08-17-51_1
Trồng khoai lấy ngó mang lại thu nhập cao.

Ông Ngô Văn Vang, Phó Chủ tịch UBND xã Lê Hồng cho biết, toàn xã hiện có gần 20 tham gia trồng khoai lấy ngó, tập trung chủ yếu ở thôn Đại Đồng. Cách đây khoảng 4 năm, một hộ dân tìm và đưa giống khoai có nguồn gốc từ Thái Lan về trồng. Về dạng hình, nhìn bề ngoài rất giống khoai ngứa nhưng lại cho nhiều ngó, ăn rất ngọt.

Theo ông Vang, từ một hộ ban đầu, mô hình dần được nhân rộng ra nhiều hộ trong thôn Đại Đồng. Ban đầu, người dân còn phải đi mua giống, nhưng nay tự ươm được giống sản xuất các vụ kế tiếp.

Những diện tích người dân chuyển đổi sang trồng khoai trước đây đa phần để cấy lúa. Ông Vang nhẩm tính, đồng đất Lê Hồng trồng giỏi lắm, được mùa cũng chỉ thu hơn 2 tạ thóc/sào. Trừ chi phí, người dân cũng chỉ lãi 600 – 700 nghìn đồng/sào/vụ. Nay chuyển sang trồng khoai lấy ngó, thu nhập cao gấp nhiều lần.

Ông Đặng Văn Hiển, cán bộ văn phòng Đảng ủy xã Lê Hồng cho biết, ngoài thời gian công tác, ông cùng vợ trồng hơn 1 sào khoai lấy ngó. Chỉ sau 2 tháng xuống giống, khoai bắt đầu cho thu ngó. Do trồng ít, điều kiện chăm sóc tốt nên ngó khoai nhà ông Hiển luôn to, đẹp, bán được giá. Ông Hiển đổ buôn cho đại lý với giá 16 nghìn đồng/kg ngó.

Theo ông Hiển, thời tiết se lạnh, khoai sẽ ra ngó nhiều hơn. Cứ 2 – 3 ngày, vợ chồng ông lại thu được 50 kg ngó/sào. Ba ngày qua, ông Hiển thu về 800 nghìn đồng từ tiền bán ngó khoai. “Số tiền đó, trước đây bằng trồng lúa cả một vụ. Đấy là năm được mùa, có năm sâu bệnh, gió bão thì có đủ thóc ăn là may lắm rồi”, ông Hiển tâm sự.

Cũng theo ông Hiển, khoai ngó rất cần nước nên trong ruộng luôn phải giữ mực nước ổn định. Đồng thời, khoảng 15 ngày, gia đình ông lại bón bổ sung lân giúp khoai cứng cây, nhanh ra ngó. Về sâu bệnh, khoai ngó chủ yếu bị tấn công bởi sâu xanh, chỉ cần dùng thuốc BVTV sinh học từ đầu vụ là sạch.

08-17-51_2
Sản phẩm ngó khoai Đại Đồng được xuất bán cho nhiều tỉnh, thành phố.

Ông Bùi Duy Tin, người trồng khoai lấy ngó được 5 năm cho biết, dù cho thu nhập cao nhưng vất vả hơn cấy lúa nhiều. Gia đình ông mới thuê thêm được mảnh ruộng, xuống giống khoai cách đây một tháng. Với diện tích này, ông Tin tính để dành đến tháng giêng sẽ thu cho được giá cao.

Theo ông Tin, kỹ thuật quan trọng nhất của trồng khoai lấy ngó là đánh luống. Luống khoai phải cao hơn mặt đất từ 14 – 15 cm, rộng khoảng 70 cm. Khoai được trồng hàng cách hàng 35 cm.

Khi mới trồng, nên dùng rơm phủ kín luống, vừa giữ độ ẩm, vừa tránh cỏ mọc hút chất dinh dưỡng của cây. Giai đoạn khoai phát triển mạnh, nếu mật độ quá dày, sẽ phải tiến hành cắt tỉa bớt. Những cây khoai bỏ đi sẽ được vùi luôn xuống rãnh để làm phân hữu cơ.

Ông Tin cho biết, khoảng 4 – 5 ngày lại thu ngó khoai một lần, năng suất trên 50kg/sào. Do có mối quen, mỗi lần ông Tin gom mấy tạ ngó khoai đại lý cũng thu mua hết với giá 13 – 15 nghìn đồng/kg. Còn vào dịp Tết, nhu cầu tiêu thụ lớn, giá ngó khoai tăng đột biến, có khi lên 20 – 25 nghìn đồng/kg. Nhẩm tính, trung bình mỗi sào khoai đem lại thu nhập 3 – 4 triệu đồng/tháng cho người dân Đại Đồng.

Trưởng thôn Đại Đồng, ông Phạm Văn Cường cho biết, trung bình mỗi ngày, người dân trong thôn bán ra thị trường hơn 1 tạ ngó khoai. Đầu ra chủ yếu là các đại lý ngoài thị trấn, sau đó xuất đi khắp các tỉnh, thành như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh…

Ông Cường cho hay, do công nghiệp phát triển, nhiều diện tích trước đây trồng lúa nay bị người dân bỏ hoang hóa, rất xót xa. Một vài người dân thôn Đại Đồng đã và đang tìm thuê, mượn lại những diện tích này để trồng khoai lấy ngó. Tuy nhiên, họ đang rất lo lắng vì sợ mở rộng diện tích ồ ạt, sản lượng gia tăng sẽ giảm giá trị sản phẩm.

08-17-51_3
Một góc cánh đồng khoai ngó thôn Đại Đồng.
Đại diện thôn Đại Đồng, ông Cường bày tỏ mong muốn, huyện Thanh Miện cũng như ngành NN-PTNT sớm có biện pháp hỗ trợ, quy hoạch vùng trồng khoai ở đấy. Song song với đó là quảng bá thương hiệu, giúp mở rộng thị trường để người dân yên tâm sản xuất, làm giàu.

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Hà Nội ra quân bắt chó thả rông, phòng ngừa bệnh dại

Trong ngày 20/4, đội xử lý chó thả rông phường Phú Thượng (quận Tây Hồ, Hà Nội) ra quân xử lý vi phạm liên quan đến việc để chó thả rông, không rọ mõm.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm