| Hotline: 0983.970.780

Trồng lạc khốn đốn vì cỏ

Thứ Hai 09/04/2012 , 10:33 (GMT+7)

Khi chọc thủng lỗ cho mầm lạc lên thì cỏ cũng nảy mầm bình thường (dù đã phun thuốc diệt cỏ). Nửa tháng sau, cỏ đã lên tua tủa dưới lớp nilon.

Tại ruộng lạc bên quốc lộ 1A, chị Đặng Thị Quyên ở xóm 12, xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu (Nghệ An) ôm một chồng cỏ đủ loại nói: Mời nhà báo lội xuống mà xem. Không hiểu sao tôi đã phun thuốc mà cỏ cứ mọc đùn lên dưới lớp nilon?

Theo chị Quyên, cách đây 1 tuần chị huy động cả nhà ra nhổ đợt 1, thế mà hôm nay các loại cỏ đã dày thế này. Nhà chị trồng 5 sào lạc (500 m2/sào). Sau khi lên luống và gieo trỉa, chị lên HTXNN Nam Thịnh nhận nilon và thuốc diệt cỏ Dibstar 50 EC về phun, rồi mới tiến hành phủ nilon.

"Theo hướng dẫn thì mỗi lọ thuốc diệt cỏ (loại 100 ml) phun cho 1.000 m2, nhưng để chắc ăn, tôi lấy 5 lọ về pha, phun mỗi sào 1 lọ. Thấy phun như vậy, chồng tôi bảo phun đậm đặc thế có khi lạc cũng chết chứ nói gì đến cỏ.

Thế nhưng, khi chọc thủng lỗ cho mầm lạc lên thì thấy cỏ cũng nảy mầm bình thường. Nửa tháng sau, ra thăm đồng, cỏ đã lên tua tủa dưới lớp nilon. Điều làm bà con bức xúc là ruộng lạc nào cũng bị cỏ lên như vậy nên ai nấy đều cho là thuốc trừ cỏ chất lượng kém, chị Quyên than thở. 

Chị Quyên với đám cỏ dại trên ruộng lạc

Chị Trần Thị Tuyết, xóm 13, xã Diễn Thịnh thấy chúng tôi chụp ảnh cũng tìm đến và cho biết: "Phun thuốc trừ cỏ cũng như không. Mới nửa tháng mà cỏ đã nảy mầm dưới lớp nilon. Sau đó mọc túa ra quanh gốc lạc. Nhà tôi neo người nên thuê làm công với giá 100.000 đồng/ngày, nhưng vẫn không ai chịu nhận. Cỏ mọc quá dày và nhanh, bí quá phải dỡ lớp nilon để làm cỏ sau đó mới phủ lại nên mất công và tốn thời gian lắm. Không biết lớp nilon bị dỡ lên, dỡ xuống như vậy có ảnh hưởng đến năng suất lạc hay không?".

Chúng tôi ghé vào ruộng lạc nhà chị Nguyễn Thị Huệ (trú tại xóm 9A, xã Diễn Thịnh) cũng nghe chị than thở: Khổ lắm chú ơi! Nhà tui làm 3 sào lạc phủ nilon mà phải bỏ công sức làm cỏ đến 3 lần rồi vẫn chưa hết. Mỗi lần làm mấy mẹ con phải luồn tay dưới lớp nilon để nhổ cho bằng hết. Thế mà vẫn không làm sao sạch được cỏ.

Làm việc với PV, ông Hoàng Tiến Sỹ, Chủ nhiệm HTXNN Bắc Thịnh (Diễn Thịnh, Diễn Châu) cho biết: Vụ lạc xuân 2012, chúng tôi lên Trạm BVTV huyện nhận 2.400 lọ thuốc diệt cỏ Dibstar 50EC cùng với nilon để phân phát cho dân theo chính sách hỗ trợ của UBND tỉnh. Chúng tôi đang nhức đầu khi bị bà con “tố” thuốc trừ cỏ "có vấn đề".

Một thực tế là loại thuốc này phun ở cả 3 HTX của Diễn Thịnh (Bắc Thịnh, Nam Thịnh và Đông Thịnh) đều bị như vậy. Bà con phải huy động lực lượng ra ruộng lạc nhổ cỏ cả ngày, cho bò ăn không hết. Điều lạ là cỏ 1 lá mầm cũng không chết. Nói thật với anh, dân ở đây chuyên trồng màu; vụ xuân đều trông cả vào ruộng lạc nên đầu tư thâm canh rất lớn. Cỏ mọc nhiều và tốt hơn cả lạc, chắc chắn ảnh hưởng đến năng suất...

Ông Lê Duy Hiếu, Trạm trưởng Trạm BVTV huyện Diễn Châu giải trình: Theo Quyết định số 10/2010/QĐ-UBND, ngày 20/10/2010, thì riêng lạc phủ nilon tỉnh trợ giá mỗi sào 5.000 đồng thuốc trừ cỏ và 8.000 đồng/kg nilon. Thực tế trên địa bàn tỉnh chỉ dùng 2 loại thuốc trừ cỏ chính là: Duagol (Thụy Sỹ) loại 50 ml/lọ giá bán 35.000 đồng/lọ và loại Dibstar 50EC 100 ml/lọ giá 19.500 đồng/lọ.

Quan điểm của chúng tôi là Cty CP Tập đoàn Điện Bàn phải tìm được lý do xác đáng và có sức thuyết phục để giải thích với dân, đồng thời phải giải quyết triệt để vụ việc này. Nếu nhà SX không làm được điều đó, chúng tôi sẽ ngưng cung cấp loại thuốc này... (ông Nguyễn Mạnh Trí, Giám đốc Cty CP dịch vụ BVTV Nghệ An)

Theo đó bà con được hỗ trợ 10.000 đồng/lọ (cho 2 sào Trung bộ). Ở huyện Diễn Châu, việc phân phối thuốc diệt cỏ Dibstar 50EC cho dân theo chính sách này UBND huyện chỉ định phải qua Trạm BVTV. Tổng số thuốc lấy từ Cty CP dịch vụ BVTV Nghệ An khoảng 2.200 lít. Hiện trong kho còn khoảng 100 lít.

Ông Hiếu thừa nhận: Năm nay cỏ trên ruộng lạc nhiều và tốt một cách... đột biến. Trồng được khoảng 45 ngày mà bà con phải làm cỏ thủ công tới 2- 3 lần. Trước tình hình đó, chúng tôi đã mời đơn vị SX (Cty CP Tập đoàn Điện Bàn, chi nhánh tại TP HCM) và đơn vị cung ứng (Cty CP dịch vụ BVTV Nghệ An) ra kiểm tra thực tế trên từng cánh đồng lạc để tìm cách xử lý.

Hiện nhà SX và cung ứng đều cho là: Do trời rét kéo dài, sau khi thuốc hết hiệu lực thì cỏ mới mọc nên không diệt trừ được các loại cỏ dại. Thứ hai là nhà SX khuyến cáo trên nhãn mỗi ha lạc phải phun từ 1,2- 1,5 lít thuốc, nhưng bà con chỉ phun theo mức hỗ trợ 1 lít nên không đủ nồng độ để diệt cỏ (?!). Cá nhân tôi cho rằng do thuốc Dibstar 50EC đã dùng trên 10 năm nay nên có thể cỏ đã bị “nhờn thuốc”!

Xem thêm
Giải bài toán nguồn thức ăn cho ngành chăn nuôi

GIA LAI Thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi là chủ trương đang được tỉnh Gia Lai hướng đến.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Mời SunRice tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao

ĐỒNG THÁP Tập đoàn SunRice đang khuyến khích nông dân ĐBSCL các biện pháp canh tác lúa bền vững và đặt mục tiêu giảm lượng khí thải carbon bằng 0 trong chuỗi giá trị vào năm 2050.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm