| Hotline: 0983.970.780

Trồng màu trên đất lúa

Thứ Sáu 26/07/2013 , 09:44 (GMT+7)

Từ lâu, các nhà khoa học đã khuyến cáo nông dân nên chuyển sang trồng các loại rau màu hoặc luân canh lúa màu trên đất lúa kém hiệu quả.

Từ lâu, các nhà khoa học đã khuyến cáo nông dân nên chuyển sang trồng các loại rau màu hoặc luân canh lúa màu trên đất lúa kém hiệu quả.

Cách làm này giúp cho người dân vẫn có thể sử dụng đồng ruộng vốn không thích hợp trồng lúa mà vẫn đem lại lợi nhuận kinh tế. Hạn chế lớn nhất của việc làm này là thiếu kiến thức cũng như kinh nghiệm với loại cây trồng mới nên nhiều nông dân vẫn e dè trong vấn đề chuyển đổi.

Nguyên nhân chuyển đổi, luân canh cây trồng

Trong các năm qua, nhờ các chính sách đúng đắn của các cấp quản lý và sự lành nghề của nông dân, VN vẫn duy trì là cường quốc xuất khẩu gạo trên thế giới. Tuy nhiên hiện nay trên thị trường lúa gạo quốc tế, nước ta đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của các nước có truyền thống cũng như các thị trường mới nổi như Myanmar, Campuchia.

Mặt khác, 2 nước nhập khẩu gạo lớn của VN là Indonesia và Philippines đang thực hiện các chương trình tự chủ về lương thực nên Chính phủ đang phải tìm kiếm các đơn hàng từ thị trường châu Phi. Bên cạnh đó, ảnh hưởng biến đổi khí hậu đang ngày càng rõ rệt dẫn đến tình trạng thiếu nước tưới qua các năm. Có thể thấy việc SX lúa gạo sắp đến sẽ bị ảnh hưởng to lớn.

Tại ĐBSCL, vùng chuyên canh lúa đồng thời là vựa lúa chính của cả nước, tình hình bệnh hại vẫn tồn tại và tiếp diễn qua nhiều năm. Do trồng đến 3 vụ lúa nên thời gian nghỉ giữa các vụ là quá ngắn, không đủ để cắt đứt vòng đời sâu bệnh.

Tuy hiện nay, các địa phương đang thực hiện rất có hiệu quả việc xuống giống đồng loạt để né rầy nhưng nguy cơ dịch rầy nâu bùng phát vẫn lơ lửng và có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Việc canh tác lúa liên tục nhiều năm nếu không bổ sung đủ phần dinh dưỡng bị cây lấy đi cho đất từ từ sẽ dẫn đến đất bị bạc màu, suy kiệt nguồn tài nguyên đất. Giải pháp an toàn nhất theo các nhà khoa học cho vấn đề này là luân canh lúa và cây trồng khác.

Trong các năm qua, kim ngạch nhập khẩu ngô và đậu tương, vốn là nguyên liệu cho ngành SX thức ăn gia súc, liên tục tăng về cả lượng và giá trị. Năm 2012, nước ta đã nhập trên 1,6 triệu tấn đậu tương và gần 1,3 triệu tấn ngô, tổng trị giá đạt mức kỷ lục gần 1,3 tỷ USD.

Đây là một lượng nhập khẩu rất lớn, đặc biệt là đối với một nước nông nghiệp như nước ta. Trong bối cảnh này thì việc tăng cường SX ngô và đậu tương sẽ góp phần giải quyết nhu cầu nội địa và giảm nhập khẩu từ nước ngoài.

Theo PGS.TS Mai Thành Phụng, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thì tại Đồng Tháp, lợi nhuận của lúa vụ HT là 2,5 triệu đ/ha. Nếu chuyển sang cây trồng khác sẽ cho lợi nhuận cao hơn như bắp lai là 11 triệu đ, đậu nành 16 triệu đ, dưa leo 70 triệu đ, ớt 117 triệu, hành lá 156 triệu…

Tại Vĩnh Long, dưa hấu có thể đem về lợi nhuận gấp 3 lần lúa. Còn ở Sóc Trăng, hằng năm có khoảng 7.900 ha đồng ruộng thực hiện luân canh tùy thuộc đặc điểm sinh thái từng vùng với các mô hình khác nhau như: 1 lúa - 1 màu, 2 lúa - 1 màu, 1 tôm lúa - 1 màu.

Những lưu ý khi trồng rau màu

Để việc trồng cây màu thành công thì công tác chuẩn bị đồng ruộng là rất quan trọng. Do hầu hết rau màu phải trồng trên đất khô thoáng chứ không ngập nước như lúa nên cần thiết kế hệ thống cấp nước và thoát nước cho phù hợp với từng loại cây trồng, có thể làm các rãnh thoát nước giữa các luống, không để cây bị ngập nước trong thời gian dài.

Ngoài ra cũng cần cải tạo lớp đất mặt cho phù hợp với từng loại rau màu, đặc biệt là vùng đất phèn, cần phải bón vôi để tăng pH của đất.

Thời gian sinh trưởng của cây màu đa số ngắn nên việc cung cấp dưỡng chất cho cây phần lớn thông qua việc bón lót bằng các loại phân hữu cơ, phân hữu cơ vi sinh, phân NPK.

Khi thực hiện luân canh với lúa, nông dân nên tận dụng phần rơm rạ của vụ lúa trước, ủ cho hoai mục với các chế phẩm vi sinh để làm nguồn hữu cơ, giảm lượng phân bón cung cấp cho cây. Ngoài khả năng làm phân bón, rơm rạ còn có thể được sử dụng để che phủ đất, hạn chế bốc hơi.

Vấn đề đang được xã hội quan tâm nhiều hiện nay là việc tồn dư phân bón và thuốc BVTV trong nông sản. Bón phân đạm gần thời điểm thu hoạch làm cho cây tích tụ nitrate, gây ngộ độc cho người sử dụng.

Đối với phân hữu cơ chỉ sử dụng loại được xử lý kỹ và dừng bón trước thời điểm thu hoạch tối thiểu 14 ngày, với phân NPK là 10 ngày. Tuyệt đối không sử dụng các thuốc BVTV bị cấm có độc lực mạnh, gây hại cho sức khỏe con người như các thuốc chứa clo hay phospho gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh và cơ quan nội tạng.

Nông dân cần thực hiện việc sử dụng phân bón và thuốc BVTV đúng theo quy định nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, SX nông sản sạch.

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Trồng hành tăm, giải pháp hoàn hảo cho vùng hạn

NGHỆ AN Thay vì quanh năm ứng phó với hạn hán, Nghệ An đã linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Hành tăm - loại cây ‘sợ nước' là một lựa chọn hoàn hảo.