| Hotline: 0983.970.780

Trồng nấm không tốn diện tích, thu đều 20 triệu đồng/tháng

Thứ Năm 30/05/2019 , 09:16 (GMT+7)

Bằng sức trẻ và lòng nhiệt huyết với nông nghiệp, chị Lương Thị Kim Ngọc, Giám đốc HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Minh Ngọc ở xã Đông Cứu, huyện Gia Bình (Bắc Ninh) bước đầu đạt được thành công với mô hình trồng nấm.

Năm 2011, chị tốt nghiệp với tấm bằng cử nhân Đại học Nông Lâm Thái Nguyên và đã thử sức ở một vài công ty. Năm 2015 chị quyết định về quê lập nghiệp để tự chủ công việc của mình. Tìm hiểu trên các phương tiện thông tin đại chúng, chị nhận thấy nghề trồng nấm mang lại thu nhập cao, dễ trồng, thích hợp với điều kiện địa phương. Vì vậy bằng nguồn vốn tích lũy và vay mượn từ gia đình, bạn bè chị đã đầu tư nhà xưởng và trồng thử nấm sò.

Chị Ngọc kiểm tra sự phát triển của nấm.

Những vụ nấm ban đầu, do chưa có kinh nghiệm chăm sóc nên nhiều đợt bị hỏng, nấm phát triển chậm, sản lượng thu hoạch thấp. Bên cạnh đó, mặt hàng này còn khá lạ lẫm với người dân trong xã nên chị gặp không ít khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm.

Không nản chí, chị quyết tâm theo đuổi và kiên trì với mô hình nấm của mình. Qua mỗi vụ nấm, chị lại tích lũy được thêm nhiều kinh nghiệm, đồng thời tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm.

Dần dần năng suất tăng, mỗi năm chị thu hoạch được từ 8 - 10 tấn nấm. Nấm sò dễ trồng cho năng suất cao nhưng giá bán chỉ 30.000 - 35.000 đồng/kg. Do vậy sang năm 2018, chị chuyển sang trồng nấm rơm.

Chị Ngọc cho biết: “Ở miền Bắc nhu cầu sử dụng nấm rơm nhiều nhưng lại ít người trồng, đầu ra ổn định và cho lợi nhuận cao”.

Chị mạnh dạn vay thêm 300 triệu đồng để xây dựng khu nhà xưởng, mua máy móc, thiết bị và thuê lại đất chuyển đổi nông nghiệp của thôn. Chị xây khu nhà xưởng sơ chế nguyên liệu và nuôi trồng rộng 200m2 được lắp đặt hệ thống tự động, máy tưới phun bán tự động thuận tiện cho việc điều chỉnh độ ẩm, hệ thống ánh sáng nhân tạo bằng bóng đèn tiết kiệm điện, điều khiển nhiệt độ, giàn giá nuôi trồng hiện đại...

Do việc thu gom rơm khá vất vả và tốn kém nên chị Ngọc đã sử dụng bông để thay thế. Bông khi thu về được hấp, ủ cho có độ ẩm nhất định, sau đó được khử khuẩn và đưa vào nhà nuôi trồng. Quy trình từ khi bắt đầu trồng đến lúc thu hoạch kéo dài 25 ngày, cho sản lượng trung bình 2 tạ/tấn nguyên liệu.

Xây dựng mô hình trồng nấm theo công nghệ mới này có ưu điểm chi phí thấp, mang lại năng suất, hiệu quả kinh tế cao. Giá bán tại các chợ đầu mối dao động 80.000 - 90.000 đồng/kg, lúc cao điểm có thể lên tới 110.000 đồng/kg, giúp chị Ngọc thu về bình quân 20 triệu đồng/tháng.

Chị Ngọc chia sẻ: "Trồng nấm không tốn nhiều diện tích nhưng giá trị mang lại cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Hơn nữa, đây là thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, người tiêu dùng rất ưa chuộng nên không phải lo đầu ra cho sản phẩm. Sắp tới chị sẽ hoàn thiện bộ hồ sơ VietGAP để đưa sản phẩm vào các cửa hàng bán thực phẩm sạch và kí hợp đồng với các công ty bao tiêu nhằm đưa sản phẩm nấm tới người tiêu dùng".

Xem thêm
Chuẩn hóa quy trình nuôi chồn hương

Dù chồn hương là vật nuôi có giá trị kinh tế cao, nhưng thành phố Hà Tĩnh không vội vàng mở rộng mà tập trung chuẩn hóa quy trình nuôi.

Cục Thú y ban hành hướng dẫn phòng, chống bệnh cúm gia cầm

Cục Thú y khuyến cáo, khi phát hiện gia cầm chết hàng loạt không được giấu dịch, cần thông báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan thú y.

'Cải lão hoàn đồng' cho cây bưởi ra quả ngon, sai lúc lỉu

HƯNG YÊN Bằng kỹ thuật cắt tỉa và ghép đoạn cành, ông Tuấn đã 'cải lão hoàn đồng' thành công hàng trăm cây bưởi già cỗi thành những cây quả sai lúc lỉu, chất lượng thơm ngon.

Bình luận mới nhất