| Hotline: 0983.970.780

Trồng ngô đông bán cây - thu nhập cao hơn lấy bắp

Thứ Tư 11/12/2019 , 10:30 (GMT+7)

Tại Yên Bái, một số xã mạnh dạn chuyển đổi từ trồng ngô đông lấy hạt sang trồng với mật độ cao để thu hoạch cây phục vụ chăn nuôi trâu bò.

15-19-35_ngo_dong
Ruộng ngô trồng lấy thân, lá.

Ông Tống Văn Độ, nông dân xã Vân Hội, huyện Trấn Yên cho hay, ruộng ngô ông trồng để bán cây cho các hộ chăn nuôi trâu bò chứ không thu hoạch bắp. Ở xã này có nhiều hộ chuyển đổi từ trồng ngô thu bắp sang trồng mật độ cao chỉ để bán cây, cho thu nhập cao mà lại nhàn hơn so với phương pháp trồng cũ.

Ông Trần Đình Kiên, Chủ tịch UBND xã Vân Hội cho biết: Trong những năm gần đây chăn nuôi trâu bò trong xã có xu hướng phát triển mạnh, có một số hộ nuôi trâu bò vỗ béo với số lượng lớn nên nhu cầu về thức ăn thô xanh cho vật nuôi trong vụ đông rất cao.

"Những năm trước đây, khi khan hiếm thức ăn thô xanh cho trâu bò, các hộ đã mua lại thân cây ngô sau khi thu hoạch bắp. Tuy nhiên lượng cây ngô có thể tận dụng làm thức ăn không nhiều, vì chỉ có ít giống có thân lá còn xanh tươi khi thu bắp. Còn lại đa số giống đến khi thu bắp thì thân lá đã tàn. Mặt khác khi trồng lấy bắp thì không chủ động trong việc thu thân cây vì phải chờ khi bắp chín thì mới thu được.

Vì vậy đã có một số hộ dân mạnh dạn chuyển đổi sang trồng ngô mật độ cao để bán thân lá, thu được lợi nhuận cao hơn so với thu hạt và nhàn hơn do không tốn nhân lực trong thu hoạch bắp và phơi bắp. Nếu như năm 2017 diện tích trồng ngô bán cây phục vụ chăn nuôi trâu bò chỉ 2ha thì năm nay đã tăng lên trên 20 ha/47ha cây vụ đông của toàn xã", ông Kiên chia sẻ.

Qua hạch toán sơ bộ cho thấy: Với 1 sào trồng ngô đông thu bắp (360m2), năng suất trung bình cũng chỉ đạt 170kg/sào (khoảng 4,7 tấn/ha, phải bỏ công trồng chăm sóc, thu hoạch trong thời gian gần 4 tháng), giá bán trung bình 6.500đ/kg thì chỉ cho thu nhập 1.105.000đ chưa trừ chi phí.

Trong khi đó cũng với diện tích trên, nếu trồng lấy cây bán, chỉ sau thời gian từ 75-85 ngày, cây ngô đã đủ tiêu chuẩn để chặt, bình quân sẽ thu được khoảng 1.600 kg thân cây tươi, với giá bán 1.500 đồng/kg thì 1 sào cho thu nhập 2.400.000 đồng (66 triệu đồng/ha). Sau khi trừ chi phí đầu tư, người nông dân sẽ bỏ túi khoảng 2.000.000 đồng/sào (55,5 triệu đồng/ha), cao hơn so với trồng ngô thu hạt khoảng 1.300.000 đồng/sào (36,1 triệu đồng/ha).

Hiện không chỉ có người dân tại xã Vân Hội áp dụng hình thức trồng ngô lấy cây mà còn nhiều hộ dân ở các xã thuộc vùng cánh đồng Mường Lò huyện Văn Chấn, thị xã Nghĩa Lộ cũng chuyển đổi theo hình thức này.

Tuy đây là hình thức canh tác mang lại giá trị lợi nhuận cao hơn nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro nếu phát triển ồ ạt với diện tích lớn, cung thừa cầu. Mặt khác thân cây ngô chủ yếu được bán cho các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và một số trang trại có quy mô vừa và nhỏ (số lượng trâu bò nuôi dưới 100 con) nên vẫn giao dịch theo hình thức thuận mua vừa bán, giá cả không ổn định, không có hợp đồng bao tiêu sản phẩm...

Để tránh những rủi ro không đáng có, cần khuyến cáo các hộ nông dân một số lưu ý sau:

- Không nên mở rộng diện tích chuyển đổi từ trồng ngô lấy hạt sang trồng ngô thu hoạch thân lá trừ khi có hợp đồng bao tiêu đầu ra ổn định.

- Khi trồng ngô thu hoạch sinh khối, không nên tận dụng hạt của các giống ngô lai vụ trước, nên đưa vào trồng các giống ngô có sinh khối cao như giống ngô NK7328, NK66, PAC999, B06, NK6101, NK6410… để đạt được sinh khối cao nhất trên 1 đơn vị diện tích.

- Nên tính toán thời vụ trồng thích hợp để đến thời điểm bán, cây ngô đang có bắp ở giai đoạn chín sáp (sau trồng 80-90 ngày tùy giống) đây là thời điểm cây ngô có sinh khối và giá trị dinh dưỡng cao nhất.

- Đối với diện tích trồng ngô đông lấy hạt, cần tuyên truyền vận động người dân đưa các giống ngô đông có năng suất cao, chống chịu tốt và khi thu hoạch vẫn giữ được bộ thân lá xanh tươi có thể tận dụng để phục vụ chăn nuôi trâu bò vào sản xuất như giống ngô NK4300, DK6919,NK66…

(Trung tâm Khuyến nông Yên Bái)

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.