| Hotline: 0983.970.780

Trồng ngô sinh khối, thu trên 100 triệu đồng/ha

Thứ Năm 09/06/2016 , 14:03 (GMT+7)

Bà con nông dân phấn khởi thu hoạch ngô non (ngô sinh khối) bán cho công ty nuôi bò sữa và trang trại bò thịt.

Những ngày đầu tháng 6 ở các huyện Nghi Lộc, Tân Kỳ, Anh Sơn… (Nghệ An), bà con nông dân phấn khởi thu hoạch ngô non (ngô sinh khối) bán cho công ty nuôi bò sữa và trang trại bò thịt.

Theo người nông dân, bán ngô sinh khối có nhiều cái lợi: Rút ngắn thời gian mỗi vụ, tránh được lũ chính vụ, tăng hệ số sử dụng đất và tăng hiệu quả kinh tế... Nhưng đây chủ yếu vẫn chỉ là phong trào tự phát, nông dân rất cần những mối liên kết bền vững.

Thu trên 100 triệu đồng/ha

6 giờ sáng, cái nắng cháy da cháy thịt đã len lỏi khắp các ngõ ngách, sân vườn. Trên cánh đồng ngô xã Đỉnh Sơn (Anh Sơn), không khí thu hoạch giống hệt công trường đang giai đoạn nước rút.

Có tới hơn 20 chiếc xe ô tô tải trọng lớn nằm giữa cánh đồng ngô rộng 60 - 70ha chờ “ăn hàng”, chốc lát lại có xe ra khỏi khu bãi, tiến lên tuyến quốc lộ 7 về xuôi.

Tiếng xe nổ máy ra, vào nhộn nhịp, tấp nập giữa cánh đồng còn mướt màu xanh. Xung quanh mỗi chiếc xe có trên dưới 10 người, mặt mũi bịt kín để tránh nắng; kẻ chặt ngô, người bốc vác xếp lên xe.

Ông Lê Văn Sỹ, một nông dân ở xóm 3, xã Đỉnh Sơn đang thoăn thoắt chặt ngô cho biết: “Nhà tôi có 7.500m2 ngô tại khu vực bãi thấp của xã, nằm sát sông Lam nên đến tháng 9 hàng năm là ngập lụt. Vì thế, mỗi năm chỉ trồng được 2 vụ ngô, vụ thứ 3 bỏ hoang. Những năm trước, tôi trồng ngô lấy hạt, sản lượng đạt 3,3 tấn/vụ thu về chưa đến 20 triệu đồng. Chi phí thuê nhân công thu hoạch, dọn thân ngô, tách hạt không dưới 3 triệu đồng.

Năm nay, vụ thứ 2 chúng tôi thu hoạch được 30 tấn ngô sinh khối non khi cây ngô đạt từ 80 - 85 ngày tuổi, bán cho các công ty bò sữa, thu về 27 triệu đồng. Họ đến đây thỏa thuận mua bán xong, tự cắt, bốc vác lên xe, mình chỉ hỗ trợ thêm. Chi phí thu hoạch giảm, thời gian sản xuất/mỗi vụ được rút ngắn, có thể sản xuất được vụ 3 ăn chắc nên hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích tăng rõ rệt”.

10-59-06_1
Những chiếc xe chờ “ăn hàng” giữa bãi ngô

 

Theo lời ông Sỹ thì những vụ tiếp theo, nhiều hộ sẽ chuyển sang trồng ngô sinh khối bán cho công ty bò sữa. Ông Sỹ nhẩm tính: “Mỗi ha ngô có thể thu hoạch được 40 tấn ngô sinh khối ở thời điểm cây được 80 ngày, bán được 36 triệu đồng. Nếu để đến 120 - 130 ngày thu hoạch ngô hạt có thể đạt 4,4 tấn tấn ngô khô, giỏi lắm bán được 25 triệu đồng.

Ngô sinh khối có thể trồng được thêm 1 vụ trong năm, bên nào lợi hơn thì đã rõ. Nông dân chỉ lo đầu ra không ổn định bởi chưa có mối liên kết hay hợp đồng bao tiêu từ phía doanh nghiệp…”.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đỉnh Sơn cho biết thêm: “Toàn xã có 298ha đất trồng ngô, trong đó có một số diện tích nằm sát sông Lam, không thể sản xuất được vụ 3. Hiện nông dân đang tự phát trồng ngô sinh khối. Sắp tới, HTXNN xã Đỉnh Sơn sẽ đàm phán, làm việc với các công ty chăn nuôi bò sữa, bò thịt để đặt vấn đề hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Nếu có được mối liên kết bền vững, chúng tôi có thể chuyển 100% diện tích trồng ngô lấy hạt sang trồng ngô sinh khối”.

Chuyển đổi ứng phó nắng hạn

Ông Nguyễn Đình Đăng, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Anh Sơn cho biết: “Trước đây, diện tích đất bãi sát bờ sông, vụ 3 chỉ trồng được khoảng 30% diện tích do sợ lũ chính vụ nhưng năm nay, với việc nông dân trồng ngô sinh khối, thời gian rút ngắn, có thể tránh lũ nên chúng tôi quyết tâm khép kín diện tích.

10-59-06_3
Niềm vui của người trồng ngô sinh khối

 

Ngoài ra, chúng tôi đang rà soát, một số diện tích ruộng cao cưỡng không chủ động nguồn nước sẽ chuyển hẳn sang trồng ngô sinh khối. UBND huyện giao cho các xã tự tìm đối tác thu mua ngô sinh khối. Khi có đối tác và rà soát lại diện tích cụ thể, nông dân sẽ trồng và thu hoạch cuốn chiếu để giảm tình trạng ứ đọng hàng. Nếu làm được điều này, không những tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích mà địa phương cũng tìm được hướng đi trong việc ứng phó với nắng hạn”.

Việc trang trại bò Úc, các trại bò sữa trên địa bàn tỉnh Nghệ An thu mua sản phẩm ngô sinh khối cho nông dân đã mở ra cho huyện hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng chống hạn cho một số địa phương.

Theo tìm hiểu của PV, việc trồng ngô sinh khối bán cho các trang trại bò đã xuất hiện vài ba năm nay tại các huyện Anh Sơn, Tân Kỳ, Nghi Lộc. Ngô sinh khối không chỉ được trồng tại các cánh đồng ven sông mà còn được trồng tại những cánh đồng lúa cao cưỡng, khan hiếm nước.

Tại huyện Tân Kỳ, những năm gần đây xuất hiện nhiều trang trại bò sữa, bò thịt và cả bò Úc, nhu cầu thức ăn cho bò rất lớn. Nhiều gia đình không chờ ngô già lấy hạt mà chặt bán ngô non cho các trang trại.

Tại huyện Nghi Lộc, vụ xuân 2016 trồng gần 2.800ha ngô các loại, trong đó có tới 700ha của các xã vùng phía tây trồng giống ngô đỏ non để cung ứng thức ăn cho trang trại bò Úc.

Riêng xã Nghi Lâm, trang trại bò Úc đã ký hợp đồng bao tiêu ngô sinh khối cho nông dân các xóm 4, 5, 12 và 13. Xã đã chuyển đổi 80ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng ngô đỏ. Mỗi vụ toàn xã Nghi Lâm thu hoạch khoảng 3.200 tấn ngô cây bán cho trang trại bò Úc, giá trị ước đạt 2,7 tỷ đồng.

Hiện, các xã vùng bán sơn địa như Nghi Văn, Nghi Kiều, Nghi Mỹ - những địa bàn thường khô hạn, thiếu nước trồng trọt cũng đã chuyển đổi diện tích trồng hành tăm, ngô lấy hạt trước đây sang trồng ngô thu hoạch cây. Trung bình mỗi hộ trồng từ 2 - 5 sào.

Giống ngô đỏ cung cấp thức ăn cho bò được bà con trồng là các giống CT888, CT919, CT999, CT989… có ưu điểm nổi trội là thời gian sinh trưởng ngắn (3 tháng), ngắn hơn ngô hạt 1 tháng; mật độ cây cao hơn, năng suất sinh khối cao. Thực tế, nông dân rất hưởng ứng chuyển đổi sang trồng ngô cây để cung cấp cho trang trại bò Úc.

Xem thêm
Hơn 300 đại lý tham gia Hội nghị khách hàng Japfa Việt Nam

Ngày 28/3, Hội nghị khách hàng khu vực miền Bắc của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) được tổ chức tại Vĩnh Phúc với chủ đề 'Đồng kiến tạo giá trị'.

Giải pháp phòng bệnh dại của thành phố lớn nhất nước

TP.HCM Tập trung tiêm phòng vacxin đại trà cho chó, mèo và tiêm phòng bổ sung thường xuyên theo lứa tuổi, đến nay, TP.HCM là vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh dại.

Giá ớt giảm mạnh, nông dân không buồn thu hoạch

QUẢNG NGÃI Dù mới bước vào đầu vụ nhưng giá ớt giảm mạnh. Bên cạnh đó, một số diện tích sụt giảm năng suất khiến nông dân đứng trước nguy cơ thua lỗ, không buồn thu hoạch.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất