| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 03/06/2019 , 07:47 (GMT+7)

07:47 - 03/06/2019

Trông người lại ngẫm đến ta

Mỗi năm, Việt Nam xả ra biển từ 280 ngàn đến 730 ngàn tấn rác thải nhựa, đứng thứ 4 trên thế giới.

“Nếu Canada không nhận lại rác, thì (chúng tôi) sẽ để rác như vậy trong lãnh hải hoặc tại vùng biển cách đường cơ sở của bờ biển nước này 12 hải lí”. Đó là lời tuyên bố của ngài Rodrigo Duterte, tổng thống Philippines với Canada, khi trả lại những phế liệu mà nước này đã nhập khẩu vào Philippines.

Còn đây là lời của bộ trưởng năng lượng, công nghệ, khoa học, biến đổi khí hậu và môi trường Malaysia Yeo Bee Yin khi chuyển trả khối lượng rác thải mà các quốc gia Tây Ban Nha, Hàn Quốc và Canada đã xuất khẩu sang Malaysia về nguyên quán của chúng: “Chúng tôi kêu gọi các quốc gia phát triển hãy ngừng chuyển rác tới đất nước của chúng tôi. Đây là một hành động bất công và thiếu văn minh”.

Bãi rác ở Bachok - Malaysia. Ảnh: Reuters

Cùng trong khối ASEAN với nhau, người thì thế, còn ta?

Theo đại diện chương trình môi trường Liên hợp quốc, thì mỗi năm, Việt Nam xả ra biển từ 280 ngàn đến 730 ngàn tấn rác thải nhựa, đứng thứ 4 trên thế giới.

Thải rác nhựa ra biển và nhập về một khối lượng phế liệu khổng lồ. Năm 2018, số lượng đó là trên 9,2 triệu tấn. Đến tháng 4/2019, tại các cảng biển của nước ta đang lưu giữ 23.453 công ten nơ phế liệu, trong đó có gần 10.000 công ten nơ đã để quá 90 ngày nhưng vẫn chưa làm thủ tục hải quan, khiến các cảng biển chật cứng.

Nếu tính bình quân mỗi công ten nơ có trọng lượng 40 tấn thôi, thì tổng khối lượng lưu giữ đó đã xấp xỉ 1 triệu tấn rồi.

Rõ ràng là trong khi các nước phát triển tìm cách đẩy phế liệu sang các nước đang phát triển để tiết kiệm công sức và diện tích để xử lí, giữ sạch bầu không khí của nước họ, thì chúng ta lại tìm mọi cách, kể cả lách luật hay trốn luật, để rước về.

Số lượng phế liệu khổng lồ đi rước từ các nước phát triển về đó, cộng thêm lượng phế liệu và rác công nghiệp, rác sinh hoạt khổng lồ thải ra từ trong nước, nhưng việc xử lí mới chỉ đạt một vài chục phần trăm.

Chưa kể hàng triệu mét khối nước chưa qua xử lí do các khu công nghiệp thải ra, đổ thẳng xuống các dòng sông hay bãi biển, đã khiến môi trường nước ta bị tàn phá nặng nề, hàng chục dòng sông bị bức tử một cách tức tưởi, cá tôm chết nghẽn dòng, mà hiện tượng hơn 1.000 tấn cá lồng chết không còn một con ở sông La Ngà (Đồng Nai) mới đâylà một ví dụ. Không chỉ đất và nước nhiễm độc, mà bầu không khí cũng trở thành hôi thối. Nhìn đâu cũng thấy những núi rác thải.

Không mấy ngày báo chí không đưa tin người dân ở nơi này, nơi khác lập hàng rào ngăn cản xe chở rác vào các bãi rác gần nơi cộng đồng dân cư sinh sống, hay chặn xe không cho qua đường, vì đã đầu độc cư dân bằng mùi thối và bụi bẩn. Rác thải đang trở thành một thách thức lớn đối với những nhà làm chính sách ở nước ta.

Trong khi còn chưa biết cách nào để xử lí hàng triệu tấn phế liệu, rác thải công nghiệp và rác thải sinh hoạt trong nước, thì hãy học cách mà các nước như Malaysia, Philippines đã làm ở trên, đừng biến nước nhà thành một bãi rác của thế giới.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm