| Hotline: 0983.970.780

Trồng nho sạch

Thứ Năm 13/03/2014 , 16:24 (GMT+7)

Hạn chế thuốc BVTV trong SX nho có rất nhiều lợi ích. Ngoài bảo vệ sức khỏe, môi trường thì chi phí giảm khoảng 30%, trong khi đó năng suất lại cao hơn 10 - 30%.

“Nho là quả ăn tươi, chỉ cần tồn dư ít thuốc BVTV sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Nếu sản phẩm đưa ra thị trường bị tẩy chay lúc đó nho bán cho ai? Thiệt hại đầu tiên là người SX chúng tôi”. Đó là suy nghĩ của anh Võ Tức, tổ dân phố Cà Đú, thị trấn Khánh Hải, huyện Ninh Hải (Ninh Thuận).

Thay đổi cách làm

Chúng tôi về tổ dân phố Cà Đú, vùng SX nho trọng điểm của thị trấn Khánh Hải đang trong thời kỳ thu hoạch nho vụ ĐX. Khác hẳn nhiều năm về trước mới đặt chân đến đã bị mùi thuốc BVTV thốc vào mũi, giờ đây thay vào đó là mùi thơm ngào ngạt của nho chín. Năm nay người trồng vô cùng phấn khởi bởi không những được mùa mà giá nho cao nhất trong nhiều năm qua.

Anh Võ Tức đang miệt mài thu hoạch nho, phấn khởi: Năm nay người trồng nho trúng lớn vì được giá, tôi mới thu xong 5 sào (1 sào 1.000 m2) được 10 tấn quả, giá bán tại vườn 25.000 đ/kg thu được 250 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi trên 200 triệu.

Theo anh Tức, cách làm nho của nông dân Ninh Thuận đã khác trước rất nhiều. Cây nho rất mẫn cảm với thời tiết, chỉ cần một thay đổi nhỏ là phát sinh dịch bệnh. Trước đây anh từng phun thuốc BVTV vô tội vạ, đủ loại thuốc với phương châm phòng bệnh mà không biết có đúng thuốc không. Khi cây nhiễm bệnh hay bị sâu hại thì ngày nào cũng phun thuốc BVTV, thậm chí có ngày phun đến 2 lần.

5 năm trở lại đây, đặc biệt là từ năm 2011 dự án nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học tỉnh Ninh Thuận (QSEAP) triển khai trên cây nho tại Cà Đú thì cách SX đã hoàn toàn khác kiểu truyền thống. Bà con làm nho theo tiêu chuẩn VietGAP (SX nông nghiệp tốt). Đến nay đã thành lập được 11 tổ SX nho sạch, mỗi tổ có từ 12 - 20 hộ tham gia.

Anh Võ Tức hiện là tổ trưởng tổ SX nho sạch, tổ của anh có 19 hộ tham gia. Những hộ tham gia SX được dự án QSEAP tập huấn kỹ thuật, quy trình SX; đặc biệt là áp dụng nguyên tắc “4 đúng” trong phun thuốc BVTV. Nhờ đó bà con sử dụng thuốc BVTV rất hạn chế, phun cách ly đúng thời gian và dùng nhiều thuốc sinh học.

18-58-26_nho-sach-cua-ong-nguyen-van-moi
Nhờ SX theo quy trình VietGAP, nho của ông Nguyễn Văn Mọi đã vào các siêu thị lớn

+ "Người trồng nho đã ý thức rất cao trong phun thuốc BVTV, lựa chọn chủ yếu là dùng thuốc sinh học và thuốc hóa học có nồng độ độc tố thấp, đã biết dùng đúng, dùng đủ. Khi người dân đến mua về phun cho nho tôi đều khuyên bà con dùng thuốc sinh học. Lượng thuốc BVTV hàng năm bán cho người trồng nho đã giảm 30% so với trước, đây là điều đáng mừng", ông Bùi Sơn Thạch.

+ Không chỉ nho mà các loại rau củ quả cũng được nông dân Ninh Thuận áp dụng SX theo hướng an toàn.
Kết quả phân tích dư lượng thuốc BVTV của Chi cục BVTV Ninh Thuận cho thấy sử dụng thuốc BVTV năm sau đều giảm hơn năm trước, tỷ lệ tồn dư thuốc BVTV khá thấp.

Đối với rau ăn lá, năm 2013 phân tích 1.477 mẫu còn 98 mẫu không an toàn, chiếm 6,6%; rau ăn quả phân tích 891 mẫu chỉ có 9 mẫu không an toàn, chiếm 1%; rau ăn củ phân tích 330 mẫu thì chỉ có 1 mẫu không an toàn, chiếm 0,3%...

Chỉ khi có dịch mới dùng thuốc hóa học nhưng sử dụng các loại có thương hiệu uy tín được phép lưu hành và có nồng độ độc thấp. Việc phun thuốc BVTV cũng được ghi chép đầy đủ trong sổ nhật ký SX.

Anh Võ Tức cho hay: Hạn chế thuốc BVTV trong SX nho có rất nhiều lợi ích ngoài bảo vệ chính sức khỏe cho mình, bảo vệ môi trường, có sản phẩm sạch thì chi phí giảm khoảng 30%, trong khi đó năng suất lại cao hơn 10 - 30%, giá bán cũng luôn luôn cao hơn SX nho truyền thống. Cũng chính vì SX theo VietGAP mang lại nhiều lợi ích mà hiện nay toàn bộ người trồng nho ở Cà Đú đã tham gia vào các tổ làm nho sạch với diện tích lên tới 20 ha.

Vòng sang phường Văn Hải, TP Phan Rang - Tháp Chàm, hỏi thăm nhà ông Bùi Sơn Thạch, tổ dân phố 6 thì ai cũng biết bởi ông Thạch không chỉ nổi tiếng trồng nho mà còn mở đại lý bán thuốc BVTV.

Ông Thạch cho biết: "Mở đại lý bán thuốc BVTV tôi biết có hàng ngàn loại thuốc khác nhau, thôi thì đủ loại, từ thuốc có hàm lượng độc tố cao đến thấp. Tuy nhiên là người trực tiếp trồng 7 sào nho nên tôi phải có sản phẩm an toàn đến người tiêu dùng thì cây nho mới tồn tại được. Tôi chỉ bán những loại thuốc BVTV có hàm lượng độc tố thấp và các loại thuốc sinh học".

Ngành chức năng vào cuộc

Theo kết quả phân tích dư lượng thuốc BVTV trên trái nho của Chi cục BVTV Ninh Thuận, nếu như năm 2010 tỷ lệ mẫu nho còn tồn tại dư lượng thuốc BVTV không an toàn là 8% thì đến năm 2014, qua phân tích 130 mẫu thì chỉ còn 5 mẫu còn tồn dư thuốc BVTV tức là chỉ còn 3,8%.

Ông Phan Quang Thựu, Chi cục trưởng Chi cục BVTV Ninh Thuận cho biết: "Làm ra sản phẩm sạch là sự sống còn đối với người nông dân, do vậy ngành nông nghiệp tỉnh đã chỉ đạo Chi cục BVTV hàng năm tổ chức, tập huấn về quy trình SX nho theo tiêu chuẩn VietGAP, trong đó trọng tâm là sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả; xây dựng mô hình nho an toàn tại các địa phương.

Đồng thời thực hiện công tác dự báo, cảnh báo, hướng dẫn nông dân phòng trừ các loại sâu bệnh trên cây nho theo hướng an toàn. Chi cục đã ban hành sổ tay hướng dẫn sử dụng các loại thuốc BVTV phát tận tay người trồng nho và đại lý thuốc".

Đến nay dự án QSEAP tỉnh Ninh Thuận đã hỗ trợ nông dân thay thế 471 ha giống nho chống chịu sâu bệnh tốt,  mở 225 lớp tập huấn cho người trồng nho SX theo quy trình VietGAP với 9.193 lượt tham gia. Các lớp tập huấn nhấn mạnh quy trình bón phân cân đối, giảm tối đa thuốc BVTV.

Với những nỗ lực của ngành nông nghiệp cùng với ý thức SX nho sạch của người dân, đến nay toàn tỉnh đã cấp chứng chỉ nho 25 ha nho của 108 hộ dân đạt tiêu chuẩn VietGAP. Trong quý II năm nay, sẽ tiếp tục cấp chứng chỉ nho VietGAP cho 75 ha nho của gần 300 hộ.

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 2] Đưa yến sào thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực

Yến sào được kỳ vọng là sản phẩm xuất khẩu mang lại nguồn thu lớn cho Bình Phước, sau hạt điều, cao su và sầu riêng.

Kiểm tra đột xuất cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, trường học

TP. HCM Công tác kiểm tra sẽ được TP. HCM triển khai đồng bộ tại các cơ sở kinh doanh, giết mổ, chế biến, nhà hàng khách sạn, bếp ăn tập thể, chợ đầu mối.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.