| Hotline: 0983.970.780

Trồng rau với công nghệ ủ phân Nhật Bản

Thứ Ba 06/08/2019 , 10:20 (GMT+7)

Nhờ áp dụng công nghệ ủ phân Nhật Bản, sản xuất theo hướng hữu cơ, nông sản của HTX SX KDDV Nam Cường được thị trường chào đón, trở thành sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh Nam Định.

Sạch từ nhà ra ruộng

Ông Nguyễn Văn Dự, Giám đốc HTX cho biết, đơn vị được thành lập năm 2016, dựa trên nền tảng HTX kiểu cũ của xã Yên Cường, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.

Yên Cường vốn là vùng đất trù phú, thẳng cánh cò bay, cũng từng là vựa lúa của huyện Ý Yên. Dù vậy, ngày nay nhiều người không còn mặn mà với ruộng đồng bởi thu nhập từ những khu công nghiệp, nhà xưởng cao hơn nhiều lần.

Vùng sản xuất tập trung của HTX Nam Cường. 

Nhìn những cánh đồng hoang hoải, HTX Nam Cường đã mạnh dạn đứng lên thuê lại 20ha ruộng của người dân. Số tiền thuê ruộng được trả bằng tiền mặt, tương đương 250 kg thóc/sào/năm. Thời hạn thuê từ 3 – 5 năm.

Trên 20ha đất đã thuê, HTX trồng chủ yếu thành 3 vụ là vụ xuân trồng lạc, hè thu trồng lúa và rau màu vào vụ đông. Do điều kiện khí hậu, đất đai, nơi đây chưa thể trồng rau trái vụ, nói dân dã là mùa nào thức đấy.

Theo ông Dự, Sở NN-PTNT tỉnh Nam Định đã kết nối, đưa mô hình ủ phân của Nhật Bản về giúp HTX sản xuất theo hướng hữu cơ. Việc này tận dụng được rất nhiều phế phẩm nông nghiệp trên địa bàn như rơm, rạ, phân gia súc…

Nông sản sản xuất tại đây tuyệt đối không sử dụng các loại phân bón, thuốc BVTV hóa học. 

Với mỗi sào rau màu, sẽ sử dụng khoảng 700 kg phân/vụ. Hiện nay, mỗi năm, HTX Nam Cường tự ủ được từ 30 – 40 tấn phân hữu cơ để phục vụ sản xuất. Khi thiếu, đơn vị sẽ huy động mua thêm từ HTX Bắc Cường (cùng xã Yên Cường). Đây là HTX chuyên sản xuất phân bón hữu cơ công nghệ Nhật Bản, công suất 200 tấn/năm.

Ông Dự cho biết, nghe có vẻ cao siêu, nhưng thực tế việc ủ phân rất đơn giản, tuy nhiên phải áp dụng đúng theo quy trình phía Nhật Bản hướng dẫn. Tỷ lệ ủ được chia thành 70% phân + 30% phụ phẩm nông nghiệp. Hai thành phần được trộn đều, ủ trong môi trường kín trong vòng 4 tháng.

Tuy nhiên, một lần/tuần phải mở ra để đảo đều. Nhiệt độ ủ phải đạt từ 50 – 60 độ C, đảm bảo việc sản sinh các vi khuẩn có lợi, làm hoai mục hoàn toàn thành phần của phân. Sau khi phân ngả màu cà phê và không còn mùi hôi thì có thể sử dụng để bón lót cho cây trồng.

Nói về loại phân này, ưu điểm lớn nhất là thân thiện với môi trường. Từ khi sản xuất loại phân này, đường làng ngõ xóm hay trên những cánh đồng Yên Cường, lúc nào cũng sạch sẽ, thoáng mát. Sau mỗi vụ gặt lúa, HTX lại cử người đi thu gom toàn bộ rơm, rạ trong xã về ủ phân. Cao điểm có những lúc, HTX có tới gần 50 người làm việc.

Để đánh giá chất lượng của phân bón, từ năm 2017, trong tất cả các vụ, HTX luôn tiến hành khảo nghiệm song song với phân bón thường. Kết quả là cả về năng suất lẫn chất lượng, nông sản trên những mảnh ruộng dùng phân hữu cơ Nhật Bản luôn trội hơn từ 30 – 40%.
 

Ổn định đầu ra

Do phát triển ngay từ đầu với định hướng nông sản hưu cơ, an toàn thực phẩm, nông sản của HTX Nam Cường dần được thị trường đón nhận. Tháng 12/2018, 15ha rau mùa của HTX này đã nhận được chứng nhận vùng VietGAP. Mỗi năm, HTX Nam Cường xuất bán ra thị trường khoảng 130 tấn rau, củ quả các loại.

Giám đốc HTX Nam Cường Nguyễn Văn Dự kiểm tra sâu bệnh trên cánh đồng rau ngót.

Không chỉ liên kết cung ứng thực phẩm vào các trường học, khu công nghiệp, nông sản sạch của HTX được bày bán tại nhiều cửa hàng, siêu thị trên địa bàn thành phố Nam Định. Định hướng xa hơn, thị trường sẽ mở rộng tới các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh…

Theo ông Dự, ngoài dùng phân hữu cơ, HTX cũng tuyệt đối không dùng các sản phẩm thuốc BVTV hóa học. Thay vào đó là các loại thuốc tự "chế" từ gừng, tỏi, ớt đem ngâm rượu.

Đánh bẫy côn trùng bằng thuốc sinh học trên ruộng dưa leo.

Dù đã sản xuất thành thạo, nhưg ông Dự cho biết, gần như tuần nào cũng có cán bộ nông nghiệp của huyện, tỉnh xuống kiểm tra, thậm chí doanh nghiệp về kiểm tra, đột xuất lấy mẫu test.

Đánh giá về HTX Nam Cường, ông Nguyễn Sinh Tiến, Chánh văn phòng Điều phối NTM Nam Định cho biết, dù ra đời chưa lâu, nhưng do tuân thủ quy trình sản xuất, nhiều nông sản của đơn vị này đã huyện Ý Yên đề xuất xây dựng thành sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm).

Cán bộ HTX chấm công, ghi nhật ký sản xuất trên đồng ruộng.

Ông Tiến cho biết, đến hết tháng 4/2019, cả 10 huyện, thành phố của tỉnh Nam Định đều đã ban hành kế hoạch thực hiện và thành lập hội đồng đánh giá sản phẩm OCOP cấp huyện.

Đến nay, đã có 36 sản phẩm được Hội đồng tư vấn, đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP của tỉnh đánh giá đạt từ 3 sao trở lên. Trong đó, có 19 sản phẩm 3 sao, 17 sản phẩm 4 sao. Riêng 1 sản phẩm đạt 4 sao "Gạo sạch chất lượng cao Toản Xuân", UBND tỉnh sẽ trình Trung ương đánh giá, xếp hạng sản phẩm 5 sao.

"Từ nay đến cuối năm 2019, Nam Định sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về Chương trình OCOP. Ngành NN-PNT sẽ tham mưu với UBND tỉnh ban hành quyết định công nhận và hỗ trợ hoàn thiện nâng cấp 36 sản phẩm đã được công nhận từ 3 sao trở lên. Cụ thể là hỗ trợ bao bì, tem truy xuất nguồn gốc, quảng bá sản phẩm...", ông Tiến thông tin.

Xem thêm
Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án dân cư nông thôn

Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu dân cư nông thôn số 1 xã Ký Phú và Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Trưng bày các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc

Quảng Bình mở một gian trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc 2024.

Bình luận mới nhất