| Hotline: 0983.970.780

Trồng rừng gỗ lớn: Điển hình Quảng Trị

Thứ Hai 29/10/2018 , 09:10 (GMT+7)

Một nội dung cơ bản của đề án Tái cơ cấu ngành lâm nghiệp đến năm 2020 là cả nước phải xây dựng vùng nguyên liệu rừng FSC (chứng nhận quản lý rừng bền vững) và gỗ lớn tập trung với diện tích 1,2 triệu ha. Đồng thời hạn chế khai thác rừng non, chuyển hóa rừng trồng cung cấp gỗ nhỏ thành cung cấp rừng gỗ lớn. Tỉnh Quảng Trị đang làm rất tốt mục tiêu này.
 

Người có 35ha rừng FSC

Diện tích rừng và đất lâm nghiệp của tỉnh Quảng Trị chiếm đến 2/3 diện tích của tỉnh nên rất thuận lợi phát triển lâm nghiệp. Nhiều năm qua, hàng vạn gia đình nông dân các địa phương trong tỉnh đã sống được với nghề trồng rừng, không ít hộ giàu lên nhờ trồng rừng gỗ lớn và FSC. Ông Lê Biên Hòa, năm nay 64 tuổi, ở xã Trung Sơn, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, được các tổ chức quốc tế đánh giá là nông dân đầu tiên trồng rừng FSC tại Việt Nam.

13-35-47_chuyen_ho
Mô hình chuyển hóa rừng cung cấp gỗ nhỏ thành gỗ lớn tại Quảng Trị

Ông Hòa kể để rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC thì hộ dân trồng rừng phải cam kết tuân thủ 10 nguyên tắc, 54 tiêu chí do các tổ chức quốc tế đánh giá, cấp chứng chỉ rừng FSC qui định. Các tiêu chí đặc biệt quan trọng là cấm săn bắt động vật hoang dã; không được dùng máy cày, san ủi đất vì như thế sẽ ảnh hưởng đến thực bì, làm nghèo chất dinh dưỡng trong đất; giữ lại trên 5% cây bản địa. Ngoài ra không được sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học gây hại môi trường.

Ông Hòa phân tích trồng rừng theo cách truyền thống mỗi ha rừng từ 6 đến 7 năm tuổi chỉ bán được từ 50 đến 60 triệu đồng. Rừng được cấp chứng chỉ FSC, mỗi ha bán với giá trên 200 triệu đồng. Năm 2015, ông Hòa bán 14ha rừng đầu tiên được cấp chứng chỉ FSC với tổng trị giá hơn 3 tỷ đồng. Trừ các khoản chi phí, gia đình ông lãi ròng hơn 2 tỷ đồng. Hiện tại ông Hòa có 35ha rừng đã được cấp chứng chỉ FSC.

Ông Trần Văn Tý, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Trị cho biết, hàng năm tỉnh Quảng Trị luôn chủ động trong công tác phối hợp với Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên WWF hỗ trợ các Cty lâm nghiệp và các hộ gia đình phát triển diện tích rừng trồng FSC. Năm 2013, toàn tỉnh chỉ có 10.300ha rừng có chứng chỉ FSC đến 2018 đã có hơn 22.200ha rừng có chứng chỉ FSC. Phấn đấu đến năm 2020 tỉnh Quảng Trị có hơn 42 ngàn ha rừng trồng sản xuất được cấp chứng chỉ. Gỗ có chứng chỉ FSC bán cho các công ty thu mua gỗ nguyên liệu với giá cao hơn so với giá bán gỗ thông thường tại cùng thời điểm từ 20% đến 30% nên thu nhập của chủ rừng cũng tăng lên so trồng rừng bình thường như điển hình ông Lê Biên Hòa nói trên.
 

Bao tiêu toàn bộ gỗ có chứng chỉ

Hiện tại Cty CP TCty Thương mại Quảng Trị đã tham gia chuỗi sản phẩm chứng chỉ CoC cam kết bao tiêu toàn bộ sản lượng gỗ có chứng chỉ FSC của Quảng Trị với giá cao hơn gỗ không có chứng chỉ tại cùng thời điểm từ 15 đến 18%. Công ty cam kết thu mua gỗ có đường kính từ 10cm trở lên.

bi-1-mo-hinh-trong-rung-go-lon-theo-chung-chi-fsc-cu-htx182152694
Mô hình trồng rừng gỗ lớn ở Quảng Trị

Đặc biệt đối với phát triển rừng gỗ lớn, theo thống kê của cơ quan chức năng cho thấy hiện nay rất nhiều chủ rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị chủ yếu trồng rừng cung cấp nguyên liệu dăm gỗ, với chu kỳ rừng kinh doanh 5 đến 6 năm tuổi là khai thác, giá bán khoảng 50 đến 60 triệu đồng/ha. Do nguyên liệu dăm gỗ chiếm 95% và tỷ lệ gỗ xẻ chỉ chiếm 5% nên giá bán còn khá thấp. Trong khi đó, rừng trồng gỗ lớn với chu kỳ 10 đến 12 năm tuổi sẽ cho sản lượng gỗ xẻ cung cấp nguyên liệu phục vụ cho chế biến gỗ nội thất, ngoại thất cao nên giá cao gấp 3 lần so với trồng rừng cung cấp dăm gỗ.

Giải quyết bài toán này, theo ông Trần Văn Tý, tỉnh Quảng Trị liên kết với các trung tâm khoa học lâm nghiệp, Đại học Huế giúp nhiều nhóm hộ dân trong tỉnh tham gia trồng rừng gỗ lớn. Mô hình này thực hiện kỹ thuật tỉa thưa nuôi dưỡng rừng theo từng giai đoạn. Trồng rừng gỗ lớn các chủ rừng đã sử dụng biện pháp canh tác khoa học tiến bộ, đặc biệt các hộ trồng rừng rất quan tâm đến chất lượng giống có nguồn gốc rõ ràng nên cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt, đạt tỷ lệ sống cao.

Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp Bắc Trung bộ đóng tại Quảng Trị tiến hành thực nghiệm mô hình trồng rừng gỗ lớn với giống cây keo lai tại huyện Cam Lộ và đã chuyển giao kỹ thuật cho nông dân địa phương. Ông Phạm Xuân Đỉnh, Giám đốc Trung tâm cho biết, nếu trồng keo lai với mục tiêu kinh doanh gỗ lớn mà không tỉa thưa nhân tạo thì nên trồng mật độ 625 đến 833 cây là phù hợp. Cự ly trồng có thể là 4x4m hoặc 4x3m. Keo lai sinh trưởng và tăng trưởng nhanh ở giai đoạn rừng keo 2 tuổi.

Kinh doanh gỗ lớn kết hợp với gỗ nhỏ cần tỉa thưa nhân tạo ở giai đoạn 4 đến 5 năm tuổi thì trồng mật độ 1.330 đến 1.660 cây là phù hợp. Mật độ để lại sau tỉa thưa còn 550 đến 800 cây. Nếu không tỉa thưa, khi đến thời điểm 10 năm tuổi rừng trồng cũng sẽ tự tỉa thưa tự nhiên, chỉ còn 50 đến 60% số lượng cây và đến 13,5 tuổi chỉ còn lại 31 đến 47% số cây đã trồng.

nhn-giong-trong-rung-go-lon182214779
Mô hình trồng rừng gỗ lớn ở Quảng Trị

Theo ông Đỉnh, sau khi trồng keo đến 10 năm, năng suất gỗ trung bình hàng năm tăng dao động từ 16,87 đến 22,61 m3/ha. Trữ lượng gỗ cây đứng giữa các công thức khác nhau và dao động từ 160 đến 214 m3/ha. Sau 13,5 năm tuổi, trữ lượng gỗ đạt từ từ 168 đến hơn 219 m3/ha. Với trữ lượng và khối lượng như vậy bán gỗ từ rừng trồng gỗ lớn thu về hơn 200 triệu đồng/ha, hơn rất nhiều trồng rừng bình thường.
 

Chế biến, phát triển thị trường

Đồng hành với việc nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng kinh tế thì việc nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm gỗ qua chế biến và phát triển thị trường giai đoạn 2014-2020 theo QĐ 919 ngày 5/5/2014 của Bộ NN-PTNT đã được tỉnh Quảng Trị quan tâm, chú trọng phát triển.

Ông Võ Văn Hưng, Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Trị quyết liệt chỉ đạo, khuyến khích các địa phương, chủ rừng chuyển đổi dần phương thức trồng rừng từ cung cấp nguyên liệu dăm gỗ sang kinh doanh gỗ lớn để nâng cao tỷ lệ gỗ xẻ có đường kính ≥15cm đạt 50 đến 60%/ha để cung cấp nguyên liệu gỗ cho chế biến xuất khẩu. Hạn chế trồng rừng kinh doanh nguyên liệu dăm và có quy hoạch quản lý chặt chẽ các cơ sở chế biến dăm gỗ trên địa bàn tỉnh.

Để chủ trương này đi vào cuộc sống một cách kịp thời và ý nghĩa, theo ông Võ Văn Hưng, phải tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền vận động các chủ rừng rà soát lại các diện tích rừng trồng có đủ điều kiện chuyển sang trồng rừng kinh doanh gỗ lớn. Đối với các diện tích đã khai thác trồng lại rừng, khuyến khích các chủ rừng sử dụng các loại giống tốt và chọn các biện pháp thâm canh rừng thích hợp, tạo ra các khu rừng gỗ lớn tập trung đạt năng suất, chất lượng cao để cung cấp gỗ xẻ cho công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu.

Hiện tại có khoảng trên 50% diện tích rừng do các Cty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã và đang chuyển sang kinh doanh gỗ lớn và khoảng gần 1.500ha rừng trồng của các hộ gia đình đã chuyển đổi. Định hướng đến năm 2020, mỗi năm tỉnh Quảng Trị sẽ cung cấp cho thị trường khoảng từ 300 ngàn m3 gỗ xẻ và đến năm 2025 trên 600 ngàn m3 gỗ xẻ từ rừng gỗ lớn.

 

Xem thêm
Lợi ích của trồng rừng đạt chứng chỉ FSC

Chứng chỉ rừng FSC giúp tăng giá trị của sản phẩm và mặt hàng từ 20 - 30% so với những sản phẩm cùng loại, góp phần khai mở kiến thức người trồng rừng...

Quảng Bình phạt 2,8 tỷ đồng từ các vụ vi phạm hành chính lĩnh vực lâm nghiệp

Trong quý I/2024, lực lượng kiểm lâm Quảng Bình dự kiến nộp 2,8 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước từ 272 vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm