| Hotline: 0983.970.780

Trồng rừng trên vùng “biển chết”

Thứ Sáu 17/12/2010 , 09:38 (GMT+7)

Về xã Vinh Hải (huyện Phú Lộc, tỉnh TT- Huế) trong những ngày biển động dữ dội, nhìn hàng cây dương trải ra một màu xanh ngút tầm mắt như bức tường chắn sóng bên biển dữ. Trong ký ức người dân bãi ngang Vinh Hải họ vẫn không quên những tháng ngày biển xâm thực vùi lấp hàng chục tàu thuyền, hàng trăm ha ruộng lúa, hoa màu…

Ký ức biển dữ

Dẫn chúng tôi đi dọc bờ biển, anh Nguyễn Ngọc Dũng, cán bộ Văn phòng UBND xã Vinh Hải nói qua tiếng sóng bạc đầu: “Biển ngày xưa xa lắm, biển cũng trở thành nỗi ám ảnh của hàng trăm thôn dân nơi đây. Cuộc chiến của người dân Vinh Hải với sự xâm thực của biển hơn 30 năm qua chưa một lần ngưng nghỉ”. Dọc bờ biển, dấu tích của những rặng phi lao bị sóng quật tan trong trận bão số 9 năm 2009 giờ trơ cả gốc, như một lời nhắc nhở về cuộc chiến ngoan cường của chính quyền, người dân nơi đây trước miệng sóng.

Bên gốc phi lao đã mục theo thời gian, những căn nhà, hàng quán bỏ hoang trơ ra những bức tường đổ nham nhở. Còn nhớ, năm 2009 trận bão với đợt triều cường đã cuốn phăng, vùi lấp gần 20 tàu thuyền, hàng chục ngư cụ của người dân Vinh Hải mặc dù họ đã mang thuyền lên neo đậu ở rặng phi lao. Trắng tay vì ngư cụ sản xuất chẳng còn. Thê lương hơn, chỉ trong nháy mắt, những con sóng dữ đã làm bật gốc 6km hàng phi lao mỏng manh dọc bờ biển, lấn sâu vào đất liền hàng chục mét làm nước mặn tràn vào ruộng, ao hồ cướp luôn miếng ăn nhỏ nhoi còn lại của dân nghèo.

Hàng phi lao là công lao vun trồng, chăm bón của người dân Vinh Hải trong mấy chục năm qua tan nát chỉ trong một ngày biển dữ. Anh Dũng nhớ lại: “Trước đây, việc trồng rừng chắn sóng đối với người dân thôn 1, 2, 3 xã Vinh Hải đã trở thành truyền thống rồi. Không trồng rừng chắn sóng thì không sản xuất gì được bởi đất ruộng, hoa màu bị nhiễm mặn, hồ nuôi tôm cá bị vùi lấp. Do vậy, người dân phải bàn cách, huy động mọi nguồn lực của cải để ngăn sóng dữ”.

 Ông Nguyễn Sành, một nông dân nhớ lại: “Hồi đó, sau mỗi lần biển động hay mưa bão là khổ cực trăm bề. Nhà cửa bị sóng quật tan đã đành, những thứ để tái tạo lại cái ăn như ruộng lúa, luống khoai cũng không còn. Ra thăm đồng về nhiều bà con bưng mặt khóc chứ chẳng biết làm gì. Năm nay bà con bắt tay trồng mới lại rừng. Mầm xanh mới cũng mang theo nhiều hy vọng mới”.

Rừng mới- niềm hy vọng

Bên dấu tích hoang tàn ngày xưa, nay là những cánh rừng dương tít tắp xanh tốt. Bàn tay cần cù chịu khó của thôn dân Vinh Hải, đã biến vùng “biển chết” hồi sinh từng ngày. Anh Nguyễn Ngọc Dũng cho biết, cuối năm 2009, sau khi cánh rừng phi lao cũ không còn, được sự hỗ trợ của cấp trên cùng dự án trồng rừng 661 của Ban Quản lý rừng phòng hộ vùng cát, 134 hộ dân ở các thôn 1 ,2, 3 đã tham gia trồng mới gần 10 ha rừng dương.

Ông Huỳnh Quang Nam- cán bộ khuyến nông xã Vinh Hải: “10 ha rừng dương được trồng từ cuối năm 2009 là sự cố gắng vượt bậc của bà con sau trận bão. Sắp tới chính quyền sẽ triển khai trồng thêm khoảng hơn 2ha rừng ở thôn 4- một trong những địa bàn bị biển xâm thực khá nặng. Điều chính quyền và người dân luôn trăn trở là chưa có nơi neo đậu an toàn cho ngư dân, mỗi mùa bão về bà con phải kiệt sức tìm nơi trú ẩn".
Dự án hỗ trợ tiền giống và phân trong 3 năm đầu, người dân chỉ bỏ công trồng, chăm sóc. Sau bao tháng ngày miệt mài trên trảng cát rát bỏng, 450.000 cây dương đã bén rễ cao ngang ngực người. Rừng dương phát triển xanh tốt và đã phát huy tác dụng chắn sóng, giữ đất trong những ngày biển động triều cường vừa qua. Anh Mai Khanh, một người dân trồng rừng ở thôn 1, bộc bạch: “Nói thiệt, lúc trước nghe trồng mới rừng ai cũng ngán vì sau trận bão bà con gần như kiệt quệ cả về sức lực lẫn của cải. Nhưng được sự hỗ trợ giống và phân bón từ dự án nên bà con ai cũng phấn khởi bắt tay vô làm. Sau hơn một năm trồng mới rừng dương, hiệu quả đã thấy rõ hẳn nên từ đó bà con cũng yên tâm sản xuất”.

 Nỗi lo thường trực về hiện trạng biển xâm thực bao đời nay đã phai dần trong đôi mắt của thôn dân Vinh Hải. Vừa qua, UBND xã đã trích kinh phí hơn 20 triệu đồng thuê xe múc hàn khẩu những đoạn bờ biển lở, ngăn chặn nước biển tràn vào ruộng đồng, khu nuôi trồng thủy sản, trồng thêm 5.000 gốc cây dứa dại bên trong hàng cây dương chắn sóng. Cách tổ chức quản lý, giám sát được “khoán” thẳng cho người dân nơi đây thông qua việc thành lập mỗi tổ tự quản từ 5-7 người/ha.

Đây là những thành viên sẽ trực tiếp chăm bón, trồng lại những cây con bị chết hoặc gãy đổ. "Cách làm mới khiến cho mỗi hộ dân chúng tôi ai cũng có trách nhiệm trước quyền lợi chung. Trồng rừng không chỉ cho thế hệ chúng tôi bây giờ mà còn cho cả con cháu sau này cùng hưởng”- anh Huỳnh Quốc Dũng, đội trưởng đội tự quản trồng rừng ở thôn 2, tâm sự.

Xem thêm
Lợi ích của trồng rừng đạt chứng chỉ FSC

Chứng chỉ rừng FSC giúp tăng giá trị của sản phẩm và mặt hàng từ 20 - 30% so với những sản phẩm cùng loại, góp phần khai mở kiến thức người trồng rừng...

Quảng Bình phạt 2,8 tỷ đồng từ các vụ vi phạm hành chính lĩnh vực lâm nghiệp

Trong quý I/2024, lực lượng kiểm lâm Quảng Bình dự kiến nộp 2,8 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước từ 272 vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.