| Hotline: 0983.970.780

Trồng rừng ven biển ĐBSCL: Định mức quá thấp

Thứ Năm 18/10/2012 , 09:32 (GMT+7)

Theo quy định hiện nay thì định mức trồng và chăm sóc rừng phòng hộ là 15 triệu đồng/ha. Với định mức này, cả cơ quan quản lý và người dân nhận khoán đều khẳng định không thể trồng được rừng vì không đủ chi phí.

Theo quy định hiện nay thì định mức trồng và chăm sóc rừng phòng hộ là 15 triệu đồng/ha. Với định mức này, cả cơ quan quản lý và người dân nhận khoán đều khẳng định không thể trồng được rừng vì không đủ chi phí.

Kiên Giang là tỉnh có hơn 200 km bờ biển, kéo dài từ Mũi Nai (thị xã Hà Tiên) đến rạch Tiểu Dừa (huyện An Minh). Trước đây, dọc theo tuyến đê biển này có hơn 5.000 ha rừng ngập mặn, tạo thành vành đai phòng hộ che chắn sự tàn phá của sóng biển, gió bão. Tuy nhiên, do tác động của nhiều yếu tố nên đai rừng phòng hộ ngày một mỏng dần, trong đó có sự chặt phá của con người. Ước tính đến nay đã có khoảng 13% diện tích rừng ngập mặn ven biển của Kiên Giang bị tàn phá, sóng cuốn trôi… Nhiều nơi đã mất hẳn rừng phòng hộ, dẫn đến sóng đánh thẳng vào thân đê, gây sạt lở nghiêm trọng.

Giải pháp cấp bách hiện nay là trồng và khôi phục lại rừng phòng hộ nhằm bảo vệ sản xuất cũng như cuộc sống của người dân. Thế nhưng, đã 2 năm qua Sở NN-PTNT Kiên Giang đành phải tạm ngưng việc trồng rừng phòng hộ ven biển, lý do là định mức kinh phí trồng rừng quá thấp, không thể trồng được rừng.


Trồng rừng trên biển gặp rất nhiều khó khăn nhưng định mức lại quá thấp khiến người dân không mặn mà tham gia

Ông Trần Minh Trung, Phó phòng Lâm nghiệp, Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết: “Để trồng rừng phòng hộ ven biển, hàng năm chúng tôi đều xây dựng giá thành để trình UBND tỉnh phê duyệt trước khi triển khai. Tuy nhiên, do “vướng” định mức của Bộ NN-PTNT là không quá 15 triệu đồng/ha (1 năm trồng, 3 năm chăm sóc) nên dù vật giá tăng chúng tôi cũng không thể xây dựng giá cao hơn. Cụ thể giá khoán trồng 1 ha rừng phòng hộ ở Kiên Giang hiện nay là 14.601.450 đồng/ha. Thực ra đây là giá đã được xây dựng từ năm 2010. Do giá định mức quá thấp, trồng rừng không hiệu quả nên năm 2011 và 2012 Sở không triển khai được chương trình trồng rừng phòng hộ”.

Theo ông Trung, định mức trồng rừng phòng hộ phải được nâng lên ít nhất gấp đôi hiện nay mới làm được. Kiên Giang đang chuẩn bị khởi động lại chương trình trồng rừng phòng hộ ven biển từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Tái thiết Đức, dự kiến sẽ được triển khai từ năm 2013. Giá thành để trồng và chăm sóc cho rừng phát triển chưa được công bố chính thức nhưng chắc chắn sẽ vượt xa so với mức quy định của Bộ NN-PTNT.

Theo ông Nguyễn Văn Hông, ở ấp Năm Biển A, xã Nam Thái (An Biên, Kiên Giang), một người dân đã có nhiều kinh nghiệm trong việc trồng rừng phòng hộ thì trồng rừng trên biển khó khăn hơn nhiều so với trồng trong đất liền. Trước hết, trồng rừng trên biển chỉ có thể trồng được theo mùa. Nếu trồng nghịch mùa là cây con sẽ bị sóng đánh trôi mất hoặc bị bùn vùi lấp không thể phát triển lên được. Thứ hai, vùng ven biển thường là nơi tôm cá vào sinh sản, nếu trồng rừng mà không có hàng rào bảo vệ thì sẽ bị cào bờ xệp mé “san phẳng hết thành quả chỉ trong một đêm”. Hơn nữa, trồng rừng trên biển phải lội bùn lầy, có khi sóng đánh ướt hết cả người mà chỉ được tính như ngày công lao động bình thường khác nên rất ít người chịu làm.

Thực hiện dự án trồng mới 5 triệu ha rừng của Chính phủ, tỉnh Kiên Giang đã có nhiều nỗ lực nhằm trồng lại rừng phòng hộ, rừng đặc dụng ven biển… Tuy nhiên sau hơn 10 năm thực hiện số diện tích phát triển được thành rừng chỉ chiếm chưa tới 50%. Ngoài yếu tố về kỹ thuật (cây trồng bị sóng cuốn trôi, bùn vùi lấp…) thì việc định mức trồng rừng quá thấp là một trong nguyên nhân chính khiến dự án bị thất bại.

Còn về cây giống, nhà nước chỉ tính giá theo đầu cây, trong khi đó những nơi không còn bãi bồi thì phải có cây giống lớn mới trồng được. Chỉ tính riêng tiền cây giống, công trồng thôi bây giờ đã hơn 10 triệu đồng mỗi ha. Sau khi trồng, lại phải làm hàng rào bảo vệ, chăm sóc thêm 3 năm nữa (mất cây phải trồng lại) thì chắc chắn người trồng rừng sẽ bị lỗ.

Cũng là dự án trồng rừng phòng hộ ven biển nhưng định mức mà các dự án do nước ngoài tài trợ đang có sự khác biệt khá lớn với giá của nhà nước. Ông Chu Văn Cường, Quản lý Dự án GIZ (Tổ chức Phát triển Quốc tế Đức, đơn vị đang hỗ trợ Kiên Giang về kinh phí và kỹ thuật để trồng lại rừng phòng hộ ven biển) cho biết, trồng rừng phòng hộ trên biển không chỉ tính đơn thuần giá cây giống, cộng với công trồng… là phát triển thành rừng được.


Để trồng lại rừng phòng hộ ven biển, GIZ đã phải đầu tư hàng chục triệu đồng/ha để tạo bãi bồi

Bình thường, khi có bãi bồi thì cây rừng tự rụng trái và cây con mọc lên lấn dần ra phía biển. Còn khi sóng đã đánh mất rừng thì bãi bồi cũng không còn. Do đó, muốn khôi phục lại rừng phòng hộ ven biển phải tạo được bãi bồi bằng cách làm hàng rào giữ bùn và hàng rào phá sóng. Đối với những nơi bãi bồi chưa mất hết, nếu làm hàng rào đơn giản để giữ bùn tạo bãi hiện nay tối thiểu là 21 triệu đồng/ha. Còn đối với nơi đã bị sạt lở hết phải có 2 lớp hàng rào, lớp ngoài phá sóng, lớp trong giữ bùn tạo bãi, kinh phí hiện nay từ 70 - 80 triệu đồng/ha. Ngoài ra, chi phí khoán công chăm sóc, bảo vệ để cây con phát triển thành rừng cũng hết khoảng 10 triệu đồng/ha. Như vậy, chưa tính cây giống, công trồng thì mức thấp nhất cũng trên 30 triệu đồng/ha, còn những nơi sạt lở nhiều lên đến gần 100 triệu đồng/ha. Đây là kinh phí làm hàng rào đơn giản bằng cừ tràm, còn nếu làm bằng bê tông chi phí còn lớn hơn gấp nhiều lần.

Ông Lê Dũng – Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau: Khó khăn lớn nhất là thiếu vốn

Tỉnh Cà Mau có chiều dài bờ biển trên 254 km, những năm gần đây tình hình thời tiết diễn biến phức tạp và theo chiều hướng ngày càng bất lợi do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Triều cường thường xuyên dâng cao, kết hợp sóng biển với cường độ mạnh đã phá hủy, làm mất đi khá nhiều diện tích rừng phòng hộ (theo điều tra, thống kê thì có khoảng 840 ha rừng phòng hộ biển Tây của tỉnh đã bị mất). Nhiều nơi rừng phòng hộ không còn, sóng biển tác động trực tiếp vào thân đê, làm sạt lở rất nghiêm trọng hệ thống đê biển Tây, gây rất nhiều khó khăn, tốn kém trong việc xử lý khắc phục, cũng như ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, sinh hoạt của nhân dân.

Đặc biệt, từ năm 2009 trở lại đây tình hình sạt lở diễn biến rất nguy hiểm và có nguy cơ gây vỡ đê, tỉnh phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hộ đê khẩn cấp.

Qua khảo sát tổng chiều dài bờ biển bị sạt lở khoảng 40 km, trong đó có 4 khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm với chiều dài là 16 km (tuyến đê biển Tây 7.560 m; ven biển phía đông, khu vực cửa biển Gành Hào 2.400 m; khu vực Mũi Cà Mau 2.700 m; khu vực Khai Long 3.800 m).

Để khôi phục lại rừng phòng hộ ven biển, tỉnh đã lựa chọn giải pháp kè ngầm tạo bãi (dùng cột ly tâm đóng thành 2 hàng, phía bên trong thả đá hộc), tuyến kè được xây dựng cách bờ biển hiện tại khoảng 150 - 200 m, phía trong phù sa tự bồi hoặc bơm cưỡng bức tạo bãi để cho cây mắm, đước tự mọc hoặc trồng. Hiện tại giải pháp này đã phát huy hiệu quả.

Được biết, nhiều tỉnh ĐBSCL phản ánh định mức trồng rừng phòng hộ quá thấp; với Cà Mau thì sao, thưa ông?

Đúng là định mức giá trồng rừng đang quá thấp! Theo quy định hiện hành thì suất đầu tư dự án trồng rừng phòng hộ là 15 triệu đồng/ha, bao gồm trồng rừng năm đầu 10 - 12 triệu đồng/ha, còn lại là chi phí chăm sóc 3 năm tiếp theo. Với định mức này việc trồng rừng phòng hộ ở những khu vực không cần thực hiện các giải pháp công trình kèm theo như ban bờ, lắp kênh, xây dựng kè chắn sóng, tạo bãi… thì đảm bảo. Còn nếu như trồng rừng ở những khu vực có giải pháp làm đất và các công trình nêu trên thì với mức suất đầu tư như thế không đủ để trồng rừng.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Xuất siêu nông sản 3 tháng đầu năm 2024 tăng gần 100% so với cùng kỳ năm ngoái

Ba tháng đầu năm 2024, nông nghiệp vẫn tăng trưởng khá. Năng suất, sản lượng nhiều; sản phẩm chủ lực tăng; đảm bảo đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Giông lốc gây thiệt hại tài sản, hoa màu của người dân Si Ma Cai

Lào Cai Giông lốc, mưa lớn gây ảnh hưởng đến mùa màng của người dân trên địa bàn huyện Si Ma Cai và huyện Mường Khương.

Bình luận mới nhất