| Hotline: 0983.970.780

Trồng thử nghiệm "sứ giả thời tiền sử"

Thứ Ba 11/03/2014 , 07:00 (GMT+7)

Đây là loài thông cổ được cho là sinh cùng thời với khủng long, gần như bị tuyệt diệt trên thế giới, được ví là "cổ sinh vật" và chỉ có ở Việt Nam.


Cây thông hai lá dẹt cổ thụ ở VQG Bidoup - Núi Bà

Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà và Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm lâm sinh Lâm Đồng đã nghiên cứu và trồng thử nghiệm giống thông hai lá dẹt trên đỉnh Bidoup cao từ 1.500 - 2.000 m so với mặt nước biển.

Giống thông này tên khoa học là Ducampopinus kremfii, thuộc họ thông Pinaceae; đặc trưng là có hai lát dẹt hình lưỡi kiếm.

Đây là loài thông cổ được cho là sinh cùng thời với khủng long, gần như bị tuyệt diệt trên thế giới, chỉ có ở Việt Nam. Thông hai lá dẹt có thể tuyệt chủng do nạn săn lùng của sơn tràng và môi trường sống bị thu hẹp đáng kể.

Ở Việt Nam, ngoài khu vực Cổng Trời của huyện Lạc Dương (giáp TP Đà Lạt, Lâm Đồng theo hướng Suối Vàng, phường 7), quần thể thông hai lá dẹt hiếm hoi này chỉ còn được tìm thấy tại khu vực rừng Bidoup (trên đỉnh Hòn Giao, tiếp giáp với địa phận tỉnh Khánh Hòa) và một ít ở nơi khác.

Trong đợt điều tra gần đây ở vùng núi Bidoup, các nhà khoa học gặp thông hai lá dẹt mọc rải rác ở độ cao 1.600 m trở lên.

Thạc sỹ Lê Văn Hương, GĐ Vườn Quốc gia  Bidoup - Núi Bà cho biết: "Cổ sinh vật" thông hai lá dẹt được cho là sinh cùng thời với khủng long. Sau những biến đổi trong lịch sử trái đất hàng triệu năm về trước, hầu như mọi sinh vật đều biến mất, chỉ một vài loài còn sót lại. Trong đó, “người” còn sót lại và sống cùng với chúng ta hôm nay chính là thông hai lá dẹt, và chỉ Việt Nam mới có. Vì thế, loài cổ sinh vật hóa thạch này được ví như là một trong những sứ giả thời tiền sử.

Theo Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm lâm sinh Lâm Đồng, đối với một số loài cổ sinh vật ở Lâm Đồng hiện nay, ngoài việc bảo tồn insitu (bảo tồn tại chỗ) thì hình thức bảo tồn exsitu (bảo tồn ngoại vi) như thu thập hạt giống gây trồng ngoài vùng phân bố tự nhiên cũng được chú trọng một cách đặc biệt.

Với quần thể thông hai lá dẹt ở Lâm Đồng, lớp cây trưởng thành đang đi dần về tuổi già (hàng ngàn năm) trong khi lớp kế cận (trung gian) hầu như không có nên lớp mầm (cây non) không có khả năng sống sót đến trên giai đoạn trung gian. Do vậy, khả năng thay thế những cánh rừng thông hai lá dẹt thuần thục một cách tự nhiên là rất hy hữu.

Chính vì vậy trung tâm đã hướng về phương pháp exsitu trong công tác bảo tồn và phát triển giống cây cổ sinh vật thời tiền sử thông hai lá dẹt. Cái khó nhất trong việc nghiên cứu nhân giống thông hai lá dẹt là ở chỗ tạo được một môi trường phù hợp để chăm. Nếu trước đây phương pháp ươm hạt tạo cây con còn khó khăn thì nay khâu tạo giống đã có sự can thiệp của kỹ thuật invitro (nhân giống vô tính) nên việc tạo cây con tương đối dễ dàng.

Vấn đề lúc này là nuôi cây con trong vườn ươm và đưa cây giống ra ngoài hiện trường để trồng. Từ 5 năm trước, việc nhân giống loài thực vật cổ sinh này được thực hiện chủ yếu bằng cách ươm hạt nên số lượng không cây giống không nhiều. Các nhà khoa học mang cây giống này đi trồng một số nơi nhưng tỷ lệ sống đạt rất thấp.

Nhờ nhân giống theo phương pháp invitro nên đã có hàng loạt cây giống thông hai lá dẹt ra đời. Trung tâm đã chọn vùng rừng Bidoup để trồng thông 2 lá dẹt thành rừng.

Thạc sỹ Lê Văn Hương, GĐ VQG Bidoup - Núi Bà cho biết: Sau một thời gian trồng thử nghiệm (2 ha trồng dưới tán rừng, 1 ha trồng trên đất trống), đến nay tỷ lệ cây sống đạt khá cao, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây.

Việc nhân giống thành công thông hai lá dẹt không chỉ có ý nghĩa riêng của việc bảo tồn nguồn gen quý hiếm mà còn mở ra một triển vọng mới cho việc bảo tồn các loài thực vật cổ sinh khác cũng được xem là “sứ giả của thời tiền sử” đang hiện hữu ở Tây Nguyên trước nguy cơ tuyệt chủng cao.

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Loài dược liệu củ như khoai lang, lãi hơn 250 triệu đồng/ha

HƯNG YÊN Cây địa hoàng trồng 6 tháng sẽ cho thu hoạch, trừ chi phí, nông dân lãi khoảng 250 triệu đồng/ha.

Trồng hành tăm, giải pháp hoàn hảo cho vùng hạn

NGHỆ AN Thay vì quanh năm ứng phó với hạn hán, Nghệ An đã linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Hành tăm - loại cây ‘sợ nước' là một lựa chọn hoàn hảo.