| Hotline: 0983.970.780

Trồng tiêu dưới tán rừng tràm

Thứ Sáu 12/12/2014 , 09:34 (GMT+7)

Mô hình trồng tiêu dưới tán tràm kết hợp nuôi thủy sản của ông Dương Thanh Bình ở ấp 1, xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ (Hậu Giang) là điển hình, sáng tạo trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên vùng đất phèn.

Để tạo bước đột phá mới trong việc chuyển đổi cây trồng và tránh cảnh được mùa mất giá, ông Bình đã chủ động đi tham quan, tiếp cận các mô hình làm ăn mới để về thử nghiệm 3 công đất trồng tràm kém hiệu quả của mình.

Ông Bình kể: “Tôi chủ động học hỏi các nhà vườn trồng tiêu ở Kiên Giang. Nhận thấy tiêu là cây trồng có nhiều triển vọng nên năm 2009, tôi bắt đầu trồng thử nghiệm 100 gốc tiêu trên thân cây tràm”.

Do chưa có kinh nghiệm nên qua 3 năm trồng, 100 nọc tiêu của ông chỉ có 63 gốc phát triển tốt và cho thu hoạch. Vừa rồi, mỗi nọc tiêu cho thu hoạch 2 kg hạt khô, bán với giá 160.000 - 200.000 đ/kg, thu lợi nhuận trên 15 triệu đồng.

Đang chăm sóc vườn tiêu 5 năm tuổi, ông Bình cho biết: “Làm nọc tiêu có thể lấy các loại gòn, dừa, nhưng vài năm thì nọc sẽ bị gãy hoặc chết, khi đó phải thay thế nọc mới nên rất tốn công và kinh phí. Còn tràm là loại cây lâu năm, có nhiều lớp vỏ, giữ nước tốt, vì thế làm nọc tiêu sẽ không bị ảnh hưởng. Trồng dưới tán tràm giúp dây tiêu tránh được sự biến đổi bất thường của thời tiết”.

Một nông dân khác cho biết, trồng tiêu không quá khó vì tiêu chịu được đất phèn và ít sâu bệnh. Người trồng chỉ lưu ý đến việc khai thông hệ thống nước tưới tiêu, đào rãnh thoát nước tránh ngập úng, khoảng cách giữa các nọc tiêu khoảng 1,5 - 2m để dây tiêu mọc nhánh nhiều.

 Mỗi năm bón cho dây tiêu khoảng 3 lần phân NPK. Ngoài ra, để tiêu ngon, thơm nồng, thì sử dụng thêm phân chuồng để bón gốc.

Thấy được hiệu quả kinh tế của việc trồng tiêu dưới tán rừng tràm, hiện tại mô hình của ông Bình được nhân rộng lên với 1.000 nọc tiêu (diện tích 3.000 m2).

Ông Huỳnh Thế Anh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm liên huyện Long Mỹ - Vị Thanh cho hay: “Trồng tiêu dưới tán rừng tràm là mô hình hay giúp địa phương giữ được và phát triển diện tích rừng tràm. Hiện diện tích trồng tiêu dưới tán tràm của Long Mỹ là 2,8 ha. Bình quân cho thu nhập 40 - 50 triệu đ/ha đối với tiêu 2 - 3 năm tuổi, trên 100 triệu đ/ha đối với cây 4 - 5 năm tuổi”.

Ông Bình cho biết thêm: “Theo kinh nghiệm của nhiều nhà vườn trồng tiêu thì năm thứ 3 tiêu bắt đầu cho thu hoạch khoảng trên dưới 1,5 kg/nọc. Nhưng đến năm thứ 5 - 7 thì một nọc tiêu có thể cho từ 3 - 5 kg. Mỗi nọc tiêu có thể cho hạt tới 20 năm. Đến khi dây tiêu già cỗi không cho năng suất nữa thì có thêm nguồn thu từ cây tràm”.

Nói về kỹ thuật, ông Bình chia sẻ: “Do đất phèn nên trước khi trồng nên sử dụng 50 kg vôi bột rải trên 1.000 m2, sau 7 ngày trồng thì sử dụng phân chuồng để để bón với liều lượng 5 - 7 kg/gốc tiêu.

Liều lượng bón sẽ tăng dần cùng với sự phát triển của cây nhằm tạo độ tơi xốp, màu mỡ cho đất. Tràm trồng từ 1,5 - 2 năm tuổi sẽ tiến hành trồng tiêu. Chi phí để đầu tư phân chuồng, thuốc BVTV, giống chỉ 2 triệu đ/công”.

Nói về hiệu quả của việc trồng tiêu trên đất phèn, ông Bình so sánh: “Trồng tiêu cho thu nhập cao gấp chục lần trồng mía mà không tốn nhiều công chăm sóc, chi phí đầu tư, sản phẩm không phải cạnh tranh với nhiều mặt hàng khác. Hộ nghèo, ít đất vẫn có thể SX, chỉ với 2 công trồng 700 nọc tiêu sau 5 - 7 năm cho thu nhập vài trăm triệu đồng”.

Không chỉ vậy, nhờ tìm tòi, học hỏi nên ông Bình đã nắm được kỹ thuật ươm tiêu giống. Ngoài việc chuẩn bị giống để mở rộng thêm 3 ha, mỗi năm ông còn cung cấp cho thị trường trên dưới 6.000 nọc với giá 6.000 đ/nọc, lợi nhuận trên 30 triệu đồng.

Với việc trồng tiêu, kết hợp với nuôi cá, ốc... mỗi năm đem lại nguồn thu nhập vài trăm triệu đồng cho gia đình ông Bình.

Xem thêm
Giá heo nhích kích thích người nuôi tái đàn

Sau thời gian dài duy trì ở mức thấp, từ đầu năm 2024 đến nay, giá heo ở Bình Định không ngừng tăng, hiện ở mức 51.000đ/kg, người chăn nuôi hồ hởi tái đàn…

Quảng Ninh có vùng an toàn dịch bệnh cúm gia cầm đầu tiên

Tháng 1/2024, xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh được Sở NN-PTNT cấp giấy chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm.

Mỗi hộ trồng hàng trăm ha mía vẫn khỏe re

GIA LAI Những năm gần đây, cây mía đã cho nông dân vùng Đông Gia Lai có cuộc sống đủ đầy nhờ tiền vào rủng rỉnh. Cây mía đã khẳng định vị thế trên vùng đất này.