| Hotline: 0983.970.780

Tròng trành cùng tỷ phú

Thứ Năm 07/04/2016 , 16:05 (GMT+7)

Với tôi, những người nuôi tôm hùm đều là tỷ phú, bởi tài sản họ đang sở hữu không dưới tiền tỷ. Ấy vậy mà cuộc sống của những “tỷ phú tôm hùm” xem ra chẳng thong thả tí nào. Tôi đã có 1 ngày tròng trành trên bè tôm hùm của một ngư dân...

Với tôi, những người nuôi tôm hùm đều là tỷ phú, bởi tài sản họ đang sở hữu không dưới tiền tỷ. Ấy vậy mà cuộc sống của những “tỷ phú tôm hùm” xem ra chẳng thong thả tí nào. Tôi đã có 1 ngày tròng trành trên bè tôm hùm của một ngư dân ở phường Xuân Yên (TX Sông Cầu, Phú Yên) để nghe anh hàn huyên tâm sự.

Làm tiệc cho tôm

Đúng hẹn, 6 giờ sáng tôi có mặt tại bờ biển thuộc khu phố Phước Lý thuộc phường Xuân Yên (TX Sông Cầu, Phú Yên) để được anh Nguyễn Văn Hòa (39 tuổi), đưa ra thăm bè tôm anh đang nuôi trên biển. Thấy tôi xuất hiện, anh khẽ gật đầu chào, rồi nói: “Anh chờ tí, tôi đang làm thức ăn cho chúng ăn ngày nay”.

Không muốn làm vướng bận, tôi lặng lẽ ngồi quan sát anh cùng vợ làm thức ăn cho tôm. Hóa ra lũ tôm hùm ăn sang thật, đủ các loại hải sản: Ghẹ, tôm, cua, các loại ốc, các loại cá, thậm chí đến cả những con vẹm xanh cũng được cho vào khẩu phần.

Chị vợ anh Hòa chân yếu tay mềm nên nhận phần việc nhẹ nhàng hơn, băm vụn những con cá, tôm, cua, ghẹ cho vào thau nhôm. Anh Hòa “cơ bắp” hơn nên đảm đương việc nặng, là cầm dao gọt lớp san hô đóng bên ngoài những con vẹm xanh, ốc cho vào 1 cái thùng riêng. So sánh thức ăn của lũ tôm hùm với thức ăn của những loài vật nuôi khác, tôi thầm nghĩ đây chẳng khác gì “tiệc tùng”.

Không kiềm được lòng tò mò, tôi hỏi: “Chúng ăn sang thế kia à?”. Chị vợ anh Hòa bảo: “Đã vậy mà còn là đồ tươi chúng mới ăn. Nếu mua thức ăn ươn, dù có rẻ hơn tí đỉnh nhưng chúng không ăn thì không lớn, hàng ngày lại phải dọn thức ăn thừa dính trong lồng còn cực hơn”.

Hỏi ra thì biết, con gì có thịt là chúng ăn tất, kể cả những con sống trên bờ lẫn dưới biển. Thức ăn của chúng chẳng rẻ rúng gì, cua thì 35.000đ/kg, ghẹ mới chết còn tươi cũng 35.000đ/kg. Các loại cá chìm như cá phèn, cá giò, cá đục… hiện có giá từ 17.000đ-20.000đ/kg, mùa biển động tăng đến 30.000đ/kg, vẹm xanh 20.000đ/kg. Sức ăn của chúng cũng tăng theo trọng lượng, càng lớn chúng càng ăn nhiều, tiền chi phí thức ăn cho chúng mỗi ngày tăng theo.

13-02-25_3
Anh Hòa kéo lồng tôm lên khỏi mặt nước cho tôi xem những con tôm đang sống trong lồng

Theo anh Hòa, trong giai đoạn nuôi ương tôm “nhí”, mỗi lồng 100 con 1 tuần mới ăn hết 1kg thức ăn tươi gồm cua, cá. Đến khi tôm phát triển lên được “5 ngón” (cách nói của ngư dân lúc râu tôm xòe ra to bằng bàn tay), nặng chừng 1,5 lạng/con thì khi ấy tôm được sang qua lồng thưa, mỗi lồng chỉ được nuôi 50 con, mỗi ngày phải tiếp cho chúng từ 1,5-2kg thức ăn tươi/lồng; ốc, vẹm được xem là thức ăn thêm. Đến khi chúng lớn hơn chút nữa, đạt 2-3 lạng/con thì mỗi lồng tôm ăn hết 4-5kg thức ăn tươi/ngày. Khi chúng tăng trọng được 7-8 lạng/con thì số lượng thức ăn mỗi ngày cũng tăng theo tương ứng.

Tôi lại tiếp tục tò mò: “Các loại cá, tôm, cua, ghẹ thì băm nhỏ ra được, những loại ốc, vẹm vỏ cứng như thế làm sao chúng ăn được?”. Chị vợ anh Hòa phì cười, nói: “Lúc tôm còn nhỏ thì chúng ăn không được, chứ khi đã lớn miệng chúng có 2 hàm rất cứng, cứ thả nguyên con ốc con vẹm xuống chúng nhai nát cả vỏ để lấy thịt ăn. Hồi trước lúc ba em còn nuôi, lúc lặn xuống kiểm tra tôm làm rơi chiếc đồng hồ trong lồng. Hôm sau lặn xuống lấy lại thì thấy mặt kính chiếc đồng hồ vỡ toác, dây và vỏ đồng hồ bằng cũng bị chúng cắn móp hết trơn”.

Anh Hòa đang nuôi 17 lồng tôm ương mỗi lồng 100 con và 17 lồng tôm thịt, mỗi lồng nuôi 50 con. Nói về chi phí thức ăn cho chúng, anh Hòa nhẩm tính: “Từ tôm ương đến khi chúng lớn thành tôm thành phẩm xuất bán được, mỗi con ăn mất 500.000đ tiền thức ăn. Tui tính, 17 lồng nuôi tôm thịt của tui gồm 850 con, cho chúng ăn đến khi xuất bán phải chi phí đến gần 450 triệu đồng tiền thức ăn.

13-02-25_2
Khẩu phần thức ăn mỗi ngày của lũ tôm anh Hòa nuôi

Đó là chưa tính tiền mua con giống, mỗi con mất 350.000đ, vị chi là gần 300 triệu đồng nữa. Ai mới ra nghề phải sắm lồng mới còn tốn hơn. Lồng lưới dày để nuôi tôm ương có giá 1,8 triệu đồng/lồng, nuôi 2-3 năm hư lưới thì phải lợp lại. Lồng thưa nuôi tôm lớn có giá từ 3,2-3,5 triệu đồng/lồng, nếu làm lưới tốt thì 10 năm mới hư, lưới xấu chỉ 5 năm là phải lợp lại. Nghề nuôi tôm hùm là nghề nuốt vốn khủng lắm anh à”.

Lo lắng đeo bám

Mất khoảng 2 giờ đồng hồ vợ chồng anh Hòa mới lo xong “tiệc tùng” cho lũ tôm. Các loại cá; cua, ghẹ; các loại ốc, vẹm được đựng trong những thùng, thau riêng biệt lần lượt được mang ra đặt lên chiếc thúng chai để anh Hòa “lắc” ra ghe, sau đó được chuyển lên ghe để chở ra bè bắt đầu “chiêu đãi” lũ tôm bữa sáng. Tôi được đi theo những vật dụng đựng thức ăn của lũ tôm lên thúng, ra ghe rồi lên bè.

13-02-25_4
Những con tôm của anh Hòa đã đạt trọng lượng khoảng 6 lạng/con

“Nếu trước đây 1kg tôm hùm có trọng lượng từ 8 lạng đến 1kg/con có giá chỉ 1.250.000đ thì hiện đang đứng giá 1.350.000đ/kg. Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh đang phát sinh, ngày nào thăm lồng cũng thấy tôm chết, người tôm nuôi như đang ngồi trên đống lửa, lo rằng đến ngày xuất bán, trong lồng chẳng còn bao nhiêu con tôm”, anh Hòa tâm sự.

Bè tôm rất đơn sơ, chỉ là những cái cây to bằng bắp chân được gác ngang, dọc và được cột dính trên những chiếc phuy nhựa nổi lềnh bềnh trên mặt biển. Trên những chiếc cây ấy được dựng tạm 1 cái sườn đủ che thành 1 căn chòi rộng chừng mấy mét vuông, trên lợp tôn.

“Ngày nào tui cũng phải ra bè để cho tôm ăn và thăm lũ tôm. Những lồng nuôi tôm ương thì hơn 1 tháng phải làm vệ sinh 1 lần, những lồng nuôi tôm thịt thì không cần làm vệ sinh thường xuyên, nhưng ngày nào cũng phải lặn xuống thăm lồng để xem tôm có khỏe không, nếu có con nào chết thì vớt ngay để tránh chết lây”, anh Hòa nói.

Hiện nỗi lo lớn nhất của người nuôi tôm hùm lồng ở khu phố Phước Lý này là nguồn nước nuôi đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, dẫn dịch bệnh đến với lũ tôm. Đứng trên bè tôm của anh Hòa đảo mắt nhìn quanh, tôi thấy chỉ trong 1 vùng biển nuôi tôm thịt nhỏ tí tẹo mà dày đặt những bè tôm, đồng nghĩa dưới lòng biển đã dày kín những lồng tôm. Bởi người nuôi ít như anh Hòa cũng đã đến 17 lồng tôm thịt, người nuôi nhiều đến cả trăm lồng.

Nghề nuôi tôm hùm lồng ở Phú Yên phát triển mạnh nhất tại TX Sông Cầu với khoảng 22.000 lồng nuôi của hơn 2.000 hộ nuôi, và phường Xuân Yên chính là “thủ phủ” nuôi tôm hùm của TX Sông Cầu.

13-02-25_5
Tôm hùm của những hộ nuôi ở khu phố Phước Lý vừa thu hoạch chờ bán

Vừa kéo 1 lồng tôm lên khỏi mặt nước để tôi được tận mắt nhìn những chú tôm đã đạt trọng lượng 6 lạng/con nằm giãy bên trong lưới, anh Hòa vừa lo lắng cho biết thêm: “Trước đây người ta chỉ nuôi thả lồng chìm sát đáy biển. Thế nhưng những năm gần đây do đáy nguồn nước bị ô nhiễm, với lại do dưới đáy đã kín chỗ nên những người mới nuôi chọn phương án nuôi lồng treo cách đáy 1,5m.

Do đó hiện nay lồng nuôi tràn ngập, càng gây ô nhiễm. Nuôi lồng treo chi phí đầu tư cao hơn 1 chút so với nuôi lồng chìm do phải dùng dây để treo lồng, nhưng tôm ít bị dịch bệnh hơn.

Thả lại lồng tôm xuống đáy biển, anh Hòa bấm ngón tay nhẩm tính: “Với 850 con tôm hùm thịt hiện được nuôi trong 17 lồng của tui, cứ cho đến khi bán bị hao hụt khoảng 10%, còn được 765 con, mỗi con đạt khoảng 1kg.

Với giá bán hiện nay 1.350.000đ/kg, tui sẽ thu được hơn 1 tỷ đồng. Trừ chi phí đầu tư giống và thức ăn mất 800 triệu cộng tiền thuốc men phòng trừ bệnh cho chúng thì còn lãi được khoảng hơn 200 triệu đồng. Hiện nay, bệnh sữa, bệnh đen than, bệnh đỏ mang, bệnh phù lưng đang bủa vây lũ tôm, nếu tôm bị chết hơn 20% thì coi như huề vốn”.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Thanh tra tỉnh Bạc Liêu chỉ ra sai phạm tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi

Thanh tra tỉnh Bạc Liêu chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra đối với dự án mua sắm trang thiết bị y tế Bệnh viện Lao và Bệnh phổi của tỉnh.