| Hotline: 0983.970.780

Trump - Kim gặp nhau ở Hà Nội: 4 câu hỏi về thượng đỉnh Trump - Kim lần hai

Thứ Hai 25/02/2019 , 07:15 (GMT+7)

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều luôn gây chú ý bởi tính chất đặc biệt của nó khi có sự tham gia của hai lãnh đạo khó đoán nhất thế giới.

“Vì sao Việt Nam được chọn?” hay “hai bên muốn gì ở nhau tại hội nghị thượng đỉnh?” là những câu hỏi đang được quan tâm hơn cả trước thềm cuộc gặp giữa lãnh đạo Mỹ - Triều sắp diễn ra.

1150607257
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại hội nghị thượng đỉnh lần đầu ở Singapore hồi tháng 6 năm ngoái. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dự kiến gặp mặt vào ngày 27-28/2 tại thủ đô Hà Nội sau hội nghị thượng đỉnh đầu tiên diễn ra ở Singapore hồi giữa tháng 6 năm ngoái. Theo Nikkei Asian Review, Trump hứa hẹn sẽ đưa ra những hỗ trợ kinh tế đáng kể cho Bình Nhưỡng để đổi lại một bước đột phá quan trọng trong tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Tuy nhiên, Kim Jong-un sẽ không dễ dàng từ bỏ thế răn đe hạt nhân vững chắc của mình, thứ vốn được coi là “tấm lá chắn” đảm bảo sự tồn tại cho chính quyền của ông. Liệu hội nghị thượng đỉnh lần hai tại Việt Nam có thể thúc đẩy những tiến bộ thực chất về phi hạt nhân hóa hay không? Dưới đây là 4 câu hỏi gây chú ý nhất trước thềm cuộc gặp lịch sử.
 

Trump muốn gì từ Kim?

Yêu cầu chính và quan trọng nhất của Mỹ là Triều Tiên phải từ bỏ vũ khí hạt nhân, đặc biệt là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), sau khi nước này hồi năm 2017 cho thấy họ đủ khả năng chế tạo ra những tên lửa có tầm bắn vươn tới lục địa Mỹ.

Phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, nếu thành công, sẽ là một thành tựu ngoại giao để đời đối với Tổng thống Trump, giúp ông đánh lạc hướng chú ý của công chúng khỏi những lùm xùm, bê bối ở trong nước, đồng thời mở ra con đường rộng hơn cho Trump hướng tới nhiệm kỳ tổng thống thứ hai, giới chuyên gia nhận định.

Câu hỏi đặt ra là làm thế nào Mỹ có thể đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên “hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược”. Để vươn tới cái đích đó, bước đầu tiên, Washington muốn Bình Nhưỡng phải thống nhất một lộ trình rõ ràng và có những bước đi cụ thể cho thấy thiện chí phi hạt nhân hóa, chẳng hạn như gia nhập trở lại Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí hạt nhân (NPT), công bố đầy đủ, chi tiết về chương trình hạt nhân Triều Tiên đang theo đuổi hay chấp nhận để thanh sát viên quốc tế kiểm tra các cơ sở hạt nhân.

Trump hiển nhiên đang tìm cách hoàn thành sứ mệnh phức tạp trên thông qua kênh đàm phán trực tiếp với Kim. Nhưng không ít người lo ngại rằng Tổng thống Mỹ, vì quá sốt sắng và nóng lòng, sẽ khiến Triều Tiên đạt được lợi thế trên bàn thảo luận trong khi không đưa ra bất kỳ cam kết thỏa đáng nào.
 

Kim muốn gì từ Trump?

Theo cây bút Mitsuru Obe từ Nikkei Asian Review, nhà lãnh đạo Kim Jong-un hiện có một danh sách dài những mong muốn gửi đến Mỹ, bao gồm xóa bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế mà nước này đang phải hứng chịu, tuyên bố kết thúc cuộc Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, Mỹ rút toàn bộ hoặc một phần binh sĩ đang đồn trú tại Hàn Quốc về nước, một hiệp ước hòa bình hay một cam kết từ Mỹ hỗ trợ Triều Tiên thúc đẩy nền kinh tế.

Về mặt lý thuyết, Hàn Quốc và Triều Tiên vẫn trong tình trạng chiến tranh bởi cuộc chiến cách đây gần 7 thập kỷ chỉ được kết thúc bằng hiệp định đình chiến chứ không phải hiệp ước hòa bình.

Trong những yêu cầu kể trên, xóa bỏ các biện pháp cấm vận và cung cấp hỗ trợ kinh tế là đặc biệt cần thiết đối với chính quyền Kim Jong-un. Sau cuộc thử nghiệm thành công ICBM có tầm bắn vươn tới Mỹ hồi tháng 11/2017, Kim Jong-un đã khẳng định Triều Tiên giờ đây chuyển hướng tập trung sang cải cách kinh tế, thay vì phát triển vũ khí.

Triều Tiên tin rằng họ đã làm đủ những việc cần thiết để thể hiện thiện chí. Bình Nhưỡng đã phá hủy một bãi thử hạt nhân, đồng thời ngừng toàn bộ việc thử nghiệm và phóng tên lửa trong hơn một năm qua. Họ đơn giản chỉ đang chờ đợi một đề xuất từ Mỹ.
 

Kết quả tiềm năng của hội nghị là gì?

Triều Tiên được cho là sẵn sàng tiếp nhân các thanh sát viên thuộc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đến kiểm tra khu phức hợp Yongbyon, cơ sở hạt nhân chính của nước này ở phía bắc Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, chính quyền Kim Jong-un chưa có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy họ sẵn sàng quay trở lại NPT và phá hủy Yongbyon.

Đổi lại, Mỹ dường như sẵn lòng ký vào một tuyên bố kết thúc Chiến tranh Triều Tiên. Đây là tuyên bố chính trị song không có quyền lực pháp lý. Nó cũng không thể thay đổi việc Mỹ triển khai quân ở Hàn Quốc, lực lượng vốn được điều động để chống lại các hành vi gây hấn từ Triều Tiên.

“Nó chỉ mang ý nghĩa biểu tượng, là một động thái chính trị”, Robert Kelly, giáo sư Đại học Quốc gia Pusan, Hàn Quốc, nhận xét. “Thứ quan trọng hơn là một hiệp ước hòa bình thực sự nhưng phải mất một thời gian nữa chúng ta mới có thể tới được mốc này bởi các bên liên quan vẫn còn cách quá xa nhau”.

Một sự nhượng bộ khác Mỹ có thể đưa ra là cho phép các dự án chung giữa Hàn Quốc và Triều Tiên hoạt động trở lại, ví dụ như Phức hợp Kinh tế Kaesong ở phía bắc Khu phi quân sự liên Triều (DMZ) hay khu du lịch trên núi Kumgang, Triều Tiên.

Mỹ nhiều khả năng chưa có ý định xóa bỏ các biện pháp trừng phạt áp đặt lên Triều Tiên. Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun tháng trước khẳng định Washington “vẫn sẽ duy trì những chiến dịch gây sức ép”.
 

Vì sao Việt Nam được chọn?

Bằng cách chọn Việt Nam làm nơi tổ chức hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Trump có lẽ muốn gửi thông điệp tới Bình Nhưỡng rằng những quốc gia từng xảy ra chiến tranh vẫn có thể xây dựng mối quan hệ tốt đẹp và rằng giống như Việt Nam, Triều Tiên nên tập trung vào phát triển kinh tế thay vì chế tạo vũ khí, chuyên gia nhận định.

Bên cạnh đó, Việt Nam còn được coi là một quốc gia “trung lập”, có mối quan hệ tốt với cả Triều Tiên và Mỹ. Việc tổ chức thành công hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2017 cũng là một phần nguyên nhân dẫn tới việc cả Triều Tiên và Mỹ đều đồng ý chọn Việt Nam là nơi gặp mặt.

“Rõ ràng Việt Nam có khả năng đảm bảo các vấn đề hậu cần và an ninh cho cuộc họp thượng đỉnh Mỹ - Triều. Việt Nam đã có kinh nghiệm làm nước chủ nhà các sự kiện quốc tế”, giáo sư Charles Armstrong, Đại học Columbia, Mỹ, đánh giá.

Giáo sư Nam sung-wook, Đại học Hàn Quốc, cho rằng Việt Nam là “quốc gia mang tính biểu tượng về vai trò hòa giải vì hòa bình” nên sẽ là “địa điểm tốt nhất để tổ chức hội nghị thượng đỉnh”.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Tướng Israel tiết lộ chi phí đánh chặn 'mưa tên lửa' của Iran

Tướng Israel Reem Aminoach cho rằng Israel hôm 13/4 đã phòng thủ thành công, song chi phí cho việc phòng thủ lớn gấp 10 lần những gì Iran đã bỏ ra.

Bùng nổ thị trường thú cưng và chăm sóc thú cưng

Lần đầu tiên Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng được tổ chức tại TP.HCM với sự tham gia của 12 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm