Theo Báo cáo kết quả giám sát "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em" từ ngày 1/1/2015 đến ngày 30/6/2019 của Đoàn giám sát Quốc hội khóa XIV, giai đoạn này có 8.442 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, xử lý với 8.709 trẻ em bị xâm hại.
Trong đó, có 6.432 trẻ bị xâm hại tình dục; 857 trẻ bị bạo lực; 106 trẻ bị mua bán, bắt cóc, chiếm đoạt; 1.314 trẻ bị xâm hại bằng các hình thức khác.
Đáng chú ý, riêng 6 tháng đầu năm 2019, số trẻ em bị xâm hại tăng đột biến, với 1.400 em, gần bằng 80% số lượng trẻ em bị xâm hại trong cả năm 2018 (1.779 trẻ). Tính trung bình cứ 1 ngày cả nước có 7 trẻ em bị xâm hại.
Theo Đoàn giám sát, sự gia tăng đột biến này một phần phản ánh thực tế các vụ xâm hại trẻ em tăng, một phần do người dân, trẻ em có ý thức hơn trong việc tố giác, tố cáo hành vi xâm hại trẻ em, đồng thời công tác phát hiện, xử lý hành vi xâm hại trẻ em cũng được tăng cường hơn giai đoạn trước.
Trong các hình thức xâm hại trẻ em nổi lên gây bức xúc nhất trong giai đoạn này là xâm hại tình dục với 6.364 vụ và 6.432 trẻ em là nạn nhân, chiếm tới 75,38% tổng số vụ xâm hại trẻ em được công an các cấp tiếp nhận, xử lý. Cá biệt, có nhiều địa phương, số vụ trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm trên 90% tổng số vụ trẻ em bị xâm hại. Bạo lực trẻ em cũng xảy ra nhiều, hậu quả nghiêm trọng.
Phân tích về đối tượng xâm hại trẻ em, đoàn giám sát cho biết, gia đình vốn được xem là môi trường an toàn nhất với trẻ em, song vừa qua xảy ra nhiều vụ xâm hại trẻ em ngay tại gia đình.
Nhiều địa phương, trẻ em bị xâm hại bởi chính người ruột thịt, người thân thích chiếm tỉ lệ cao. Theo thống kê của tổng đài 111 (trong tổng số các cuộc gọi đến), số vụ bạo lực trẻ em do người thân trong gia đình gây ra chiếm tới 65,88%.
Cũng theo kết quả giám sát, các vụ xâm hại trẻ em không chỉ xảy ra ở vùng nông thôn, vùng còn khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, mà thời gian gần đây còn xảy ra nhiều ở các địa bàn kinh tế - xã hội phát triển. TPHCM và TP. Hà Nội là 2/10 địa phương có số trẻ em bị xâm hại nhiều nhất trong cả nước.
Hành vi xâm hại trẻ em dù bất kỳ hình thức nào cũng đều để lại hậu quả nặng nề, nghiêm trọng, lâu dài về thể chất, tinh thần đối với trẻ em và gia đình của các em. Thực tế cho thấy có trẻ em bị tử vong hoặc thương tật nặng, thương tật vĩnh viễn do bị xâm hại, sinh con và làm mẹ khi vẫn đang độ tuổi trẻ em, bị khủng hoảng, rối loạn tâm thần, mất niềm tin, phải bỏ học… ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển bình thường và tương lai của trẻ.
Số liệu của Chính phủ và tổng hợp báo cáo của các địa phương cho thấy, trong giai đoạn từ 2015 đến tháng 6/2019 có 337 trẻ bị tử vong do bị xâm hại (trong đó 191 trẻ bị giết, 146 trẻ bị các hình thức xâm hại khác dẫn đến tử vong).