| Hotline: 0983.970.780

Trung Quốc âm mưu cưỡng chiếm trái phép Hoàng Sa qua nhiều thời kỳ

Thứ Bảy 19/01/2019 , 14:33 (GMT+7)

Đại Việt là nhà nước đầu tiên trong lịch sử đã chiếm hữu các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và chủ quyền này được thực thi liên tục. 

45 năm trước, ngày 19/1/1974, Trung Quốc đã dùng vũ lực cưỡng chiếm trái phép toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. VnExpress có cuộc trao đổi với tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ nhân dịp này.

- Trung Quốc đã âm mưa đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam như thế nào, thưa ông?

- Hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đã được nhà nước Việt Nam xác lập và thực thi chủ quyền liên tục qua các thời kỳ.

Đại Việt là nhà nước đầu tiên trong lịch sử Biển Đông đã chiếm hữu các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong hơn ba thế kỷ dưới thời chúa Nguyễn (từ năm 1558 -1775), vương triều Tây Sơn (1788 - 1802), vương triều Nguyễn (từ năm 1802 đến Hoà ước Patenôtre 1884 xác lập quyền bảo hộ của Pháp), các nhà nước Việt Nam đã thực thi chủ quyền của Việt Nam  ở quần đảo Hoàng Sa cũng như Trường Sa trên Biển Đông. Chúng ta có đầy đủ căn cứ pháp lý và lịch sử khẳng định việc chiếm hữu và thực thi chủ quyền đó là thực sự, rõ ràng, hoà bình và liên tục. 

Nhưng đã từ lâu, Trung Quốc có tham vọng tiến về phía Nam, độc chiếm Biển Đông để vươn lên thực hiện "giấc mộng Trung Hoa".

Hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam là mục tiêu trong chiến lược ấy. Nên chính quyền Trung Quốc qua nhiều thời kỳ đã toan tính kỹ lưỡng, chờ thời cơ thuận lợi để cưỡng chiếm hai quần đảo này. 

Ông Trần Công Trục. 

Hải đội Hoàng Sa đã được thành lập trước năm Tân Mùi (1631), dưới thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635) - vị chúa thứ hai của nhà Nguyễn ở Đàng Trong. Ngoài đội Hoàng Sa còn có đội Bắc Hải (thành lập khoảng cuối thế kỷ XVII) hoạt động ở phía Nam của Biển Đông. Đội Hoàng Sa kiêm quản đội Bắc Hải, người chỉ huy là một chức quan lớn, có người được phong đến tước hầu, như các cai đội Thuyên Đức Hầu, Phú Nhuận Hầu. 

Năm 1909, Tổng đốc Lưỡng Quảng phải một số thuyền chiến ra quần đảo Hoàng Sa bắn mấy loạt đạn, đổ bộ lên một số đảo nhưng phải rút ngay vì khi đó người Pháp đang bảo hộ Đông Dương. Từ đó, chính quyền Trung Quốc luôn nuôi tham vọng đánh chiếm Hoàng Sa, Trường Sa. 

Năm 1925, chính quyền miền Nam Trung Quốc tuyên bố sáp nhập Hoàng Sa vào đảo Hải Nam khiến dư luận Việt Nam phản ứng dữ dội. Chính quyền thuộc địa Pháp ở Đông Dương quyết định cử tàu chiến đến Hoàng Sa cắm mốc, bia chủ quyền. 

Sau khi Nhật đầu hàng Đồng Minh, năm 1946, lợi dụng danh nghĩa giải giáp quân Nhật ở Việt Nam, Trung Hoa quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch đã đem quân chiếm giữ đảo Phú Lâm (quần đảo Hoàng Sa) và đảo Ba Bình (quần đảo Trường Sa). Tuy nhiên sau đó, quân Tưởng phải rút về.

Năm 1956, hai năm sau khi hiệp định Genever được ký kết, Việt Nam bước vào buổi giao thời với nhiều biển động. Pháp bắt đầu rút quân khỏi Đông Dương. Cả nước tạm thời phân chia thành hai miền quân quản từ vĩ tuyến 17. Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa ở dưới vỹ tuyến 17 nên thuộc quản lý của Quốc gia Việt Nam và sau này là Việt Nam Cộng hoà. Nhưng khi đó, lực lượng quân đồn trú bảo vệ đảo chưa có nhiều. Trung Quốc chớp thời cơ, đưa quân đánh chiếm nhóm An Vĩnh phía Đông Hoàng Sa. 

Năm 1959, Trung Quốc cho quân đóng giả ngư dân đánh cá tiến ra chiếm nhóm đảo Lưỡi Liềm phía Tây Hoàng Sa, nhưng bị quân đội Việt Nam Cộng hoà phát hiện, bắt hơn 80 người, đưa về Đà Nẵng giam giữ. 

Tuy nhiên chính quyền Trung Quốc không từ bỏ tham vọng chiếm đóng toàn bộ Hoàng Sa. Năm 1972, tổng thống Mỹ Nixon thăm Trung Quốc, hai nước đạt được nhiều thoả thuận. Sau hiệp định Paris năm 1973, chính quyền Việt Nam Cộng hoà bắt đầu suy yếu vì Mỹ cắt viện trợ, rút quân về nước. Từ ngày 17 đến 20/1/1974, Trung Quốc một lần nữa tận dụng thời cơ đưa quân chiếm đóng nhóm đảo phía Tây Hoàng Sa do chính quyền Việt Nam Cộng Hoà quản lý, chiếm đoạt toàn bộ quần đảo Hoàng Sa. 

- Hành động dùng vũ lực trái ngược với luật pháp quốc tế của Trung Quốc không thể mang lại danh nghĩa pháp lý cho nước này đối với quần đảo Hoàng Sa. Lúc đó hành động cưỡng chiếm của Trung Quốc đã bị phản ứng như thế nào?

- Khi quân đội Trung Quốc có hành động cưỡng chiếm, Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam Cộng Hoà đã điều tàu chiến và binh lính ra bảo vệ Hoàng Sa. Những người lính ấy đã chiến đấu anh dũng đến giọt máu cuối cùng để bảo vệ đảo, là hình ảnh lay động tâm thức của nhiều người Việt suốt mấy chục năm qua. 

Chiến hạm Việt Nam Cộng Hoà tham gia hải chiến Hoàng Sa 1974.

Sau trận hải chiến, Chính phủ Việt Nam Cộng hoà đã lập tức có nhiều hành động như loan tin cho toàn dân biết, xuống đường biểu tình, tổ chức họp báo, gửi thư đến Liên Hợp Quốc, kêu gọi các nước lên án hành động xâm lược bằng vũ lực của Trung Quốc. 

Ngày 19/1/1974, Bộ ngoại giao chính quyền Việt Nam Cộng Hoà ra tuyến cáo kêu gọi thế giới lên án hành động của Trung Quốc tại Hoàng Sa và buộc Trung Quốc chấm dứt ngay hành động đó. Chính quyền Sài Gòn cũng yêu cầu Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc xem xét hành động xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam tại Hoàng Sa. Cũng trong thời gian này, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam ra tuyên bố khẳng định chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ là những vấn đề thiêng liêng và bất khả xâm phạm.  

Những hành động này một lần nữa chứng minh rằng, từ khi đất nước còn chia cắt đến khi thống nhất, nhà nước Việt Nam luôn thực thi liên tục chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. 

Những sự kiện này cần được ghi lại khách quan, chân thực trong sách sử để giáo dục thế hệ mai sau lòng yêu nước. Đặc biệt, những trận chiến bảo vệ biển đảo, lãnh thổ nên được đề cập đến trong sách giáo khoa các cấp từ tiểu học đến đại học. 

- Hiện nay Trung Quốc đang tính toán điều gì khi tăng cường quân sự hoá các đảo ở Biển Đông?

- Thời gian gần đây, Trung Quốc đang cố gắng cho các nước trong khu vực và thế giới thấy họ thiện chí hơn, đã xuống thang quân sự. Nhưng chúng ta không bao giờ được mơ hồ, vì thực tế nước này ngày càng tăng cường quân sự hoá, bố trí thêm khí tài quân sự trên các đảo ở Biển Đông, bất chấp mọi cam kết, thoả thuận, phớt lờ phản ứng của dư luận. 

Điều đó chứng minh rằng ý đồ độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc không bao giờ thay đổi. Bởi đây là vị trí địa chiến lược mà Trung Quốc muốn dùng làm bàn đạp để vươn lên cạnh tranh vị trí siêu cường. 

Theo nhận định của tôi, trong bối cảnh hiện nay, khả năng Trung Quốc sử dụng vũ lực để cưỡng chiếm các thực thể địa lý trong Biển Đông là không nhiều. Trung Quốc tăng cường tuần tra, tập trận, tăng cường đưa máy bay, tàu chiến, bố trí tên lửa... nhằm tạo thế cân bằng trong tương quan lực lượng với Mỹ trên Biển Đông. Hành động này còn gây sức ép với các nước có quyền và lợi ích ở Biển Đông như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia... để buộc các nước phải chấp nhận yêu sách  "đường lưỡi bò". 

Mặt khác, Trung Quốc không ngừng tuyên bố lặp lại rằng họ có cơ sở pháp lý về "đường lưỡi bò" ở Biển Đông. Họ dùng tất cả phương tiện để tạo ra ấn tượng về tâm lý với dư luận trong nước và thế giới rằng, họ có chủ quyền trên Biển Đông được giới hạn bởi "đường lưỡi bò" cho dù thực tế hoàn toàn không phải như vậy. 

- Theo ông, trong bối cảnh khu vực và thế giới hiện nay, Việt Nam cần có sách lược và chiến lược ra sao để bảo vệ chủ quyền biển đảo?

- Một trong những nguyên nhân khiến tình hình Biển Đông căng thẳng như hiện nay là cuộc cạnh tranh chạy đua giành vị trí siêu cường khu vực châu Á – Thái Bình Dương giữa Mỹ và Trung Quốc. Việt Nam cần giữ chiến lược cân bằng giữa các siêu cường, tránh bị lôi cuốn vào xung đột vũ trang, trở thành quân cờ ở Biển Đông để phục vụ lợi ích của nước lớn. 

Với các hoạt động của Trung Quốc, điều gì Trung Quốc làm không đúng, thể hiện tham vọng bá quyền thì phải phân tích, chỉ rõ, lên án. Cuộc đấu tranh của Việt Nam cần dựa trên cơ sở công lý và luật pháp quốc tế. Đồng thời, phải có một chiến lược với cơ chế, phương án đấu tranh với Trung Quốc trong từng tình huống cụ thể, để không rơi vào thế bị động. Mặt khác, cần tuyên truyền để người dân biết, đồng hành cùng Đảng và Nhà nước trong công cuộc bảo vệ chủ quyền đất nước. 

(vnexpress.net)

Xem thêm
Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Giá đất bồi thường thấp hơn giá thị trường ảnh hưởng đến giải phóng mặt bằng

THỪA THIÊN - HUẾ Giá bồi thường đất ở, đất trồng rừng sản xuất thấp hơn nhiều so với giá thị trường dẫn đến công tác giải phóng mặt gặp rất nhiều khó khăn.

Hai giám đốc sở chỉ đạo cứu lúa trên cánh đồng Mường Lò

Giám đốc hai Sở: NN-PTNT và Công thương tỉnh Yên Bái trực tiếp chỉ đạo chống hạn cho diện tích lúa tại cánh đồng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ).

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm