| Hotline: 0983.970.780

Trung Quốc cũng tranh cãi quyết liệt sân golf

Thứ Hai 21/11/2011 , 08:52 (GMT+7)

Dự kiến tuần này, vấn đề sân golf cũng được mổ xẻ tại nghị trường Quốc hội khi các ĐBQH chất vấn các thành viên Chính phủ. Nhân đây NNVN xin giới thiệu loạt bài về sân golf và chơi golf tại nước láng giềng Trung Quốc.

Bộ trưởng Giao thông - Vận tải Việt Nam Đinh La Thăng cấm thuộc cấp chơi golf gây ra nhiều luồng ý kiến trong suốt thời gian qua. Dự kiến tuần này, vấn đề sân golf cũng được mổ xẻ tại nghị trường Quốc hội khi các ĐBQH chất vấn các thành viên Chính phủ. Nhân đây NNVN xin giới thiệu loạt bài về sân golf và chơi golf tại nước láng giềng Trung Quốc.

 

Quan chức chơi golf bị kỷ luật Đảng 

Chơi golf là thứ mốt thời thượng cho nhà giàu ở Trung Quốc

Một số tờ báo tại Trung Quốc cho rằng, sân golf và thú chơi golf đang là “hàng rào phân cấp” giữa giới nhà giàu và người nghèo tại đất nước đông dân nhất thế giới này. Sau đây là câu chuyện chơi golf của các Đảng viên tại thành phố Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang.

Cấm Đảng viên vào Hội chơi golf

Tháng 8 năm ngoái, hai tờ báo lớn của thành phố Ôn Châu đăng quảng cáo về việc thành lập Hội chơi golf tại thành phố này. Trong đó, có 20 cán bộ, cấp thấp nhất là Phó phòng cho tới Phó Giám đốc ban ngành tham gia, giữ các chức vụ trong Hội như: Chủ tịch danh dự, Phó Chủ tịch danh dự và một số chức vụ khác.

Mục quảng cáo còn nêu rõ, lệ phí để vào Hội là gần 400.000 Nhân dân tệ (khoảng 1,2 tỷ VNĐ), lệ phí hằng năm là 7.200 NDT (khoảng 21 triệu VNĐ). Mục quảng cáo được đăng tải trên trang điện tử của hai báo này còn viết: “Bạn có muốn trở thành bạn bè của quan chức? Cùng quan chức chơi golf? Hãy là hội viên của Hội chơi golf Ôn Châu”.

Sự việc sau đó trở thành đề tài bàn luận, tranh cãi gay gắt tại các diễn đàn trên Internet. Nhiều người tỏ ý nghi ngờ: Có chăng chuyện quan chức dùng tiền công quỹ nộp lệ phí? Phải chăng chính quyền địa phương tìm cách “chống lưng” cho việc xây dựng sân golf bởi luật pháp Trung Quốc đã cấm xây dựng sân golf từ năm 2006? Sân golf liệu có phải là nơi quan chức và giới buôn bán, đầu cơ dùng làm nơi đàm phán lợi nhuận?

Điều khiến người ta càng thêm nghi ngờ là với quy mô sân golf 18 lỗ như ở Ôn Châu, mỗi trận golf tốn khoảng 2.000 NDT lệ phí sân, mà đó mới chỉ là mức độ tập luyện. Số tiền lệ phí gần 400.000 NDT nêu trên chỉ dành cho những hội viên “đặc biệt”, còn nếu không phải là quan chức, bạn phải nộp lệ phí 450.000 NDT.

Hai ngày sau, Đảng ủy thành phố này họp khẩn cấp việc mà các tờ báo Trung Quốc đồng loạt gọi là “Sự kiện golf Ôn Châu”. Toàn bộ quan chức là Đảng viên Ôn Châu bị cấm tham gia Hội chơi golf. Phó Chủ tịch thành phố Ôn Châu khi đó nói với báo giới: “Chúng tôi sẽ điều tra vụ này, rõ ràng tác phong cán bộ Đảng viên đang có vấn đề”.

Sau đó, toàn bộ quan chức là Đảng viên bị kỷ luật Đảng, một số người bị hạ cấp bậc trong ngành đang công tác. Một quan chức cấp cao của thành phố Ôn Châu nói với tờ Kinh tế Trung Quốc: “Đã là cán bộ lãnh đạo thì không thể tham gia những hoạt động giải trí có mức phí cao như chơi golf. Nếu tôi đến chơi, ắt hẳn tôi sẽ được ưu đãi, mà đã nợ người ta tình cảm, rồi sẽ phải trả lại bằng cách này hay cách khác. Tóm lại, lãnh đạo mà chơi golf tại địa phương mình đang công tác, thì sẽ bị thương nhân lợi dụng để mưu lợi”.

Sân golf núp bóng công viên

Tháng 7 vừa qua, Quốc vụ viện Trung Quốc tổ chức hai đoàn thanh tra liên ngành gồm cán bộ của 11 ban, ngành liên quan đến quy hoạch, xây dựng sân golf đi kiểm tra tại hơn 10 tỉnh thành.

Đại diện đoàn thanh tra, Cục trưởng Cục Tư pháp thuộc Bộ Tài nguyên Trung Quốc - ông Lý Kiến Cần cho biết: “Trung Quốc đã hạn chế xây dựng sân golf mới từ năm 2004. Đến năm 2006, Trung Quốc cấm xây dựng thêm bất kỳ sân golf nào”.

Tuy nhiên, đợt kiểm tra cho thấy, hàng loạt sân golf vẫn đang mọc lên tại đất nước đông dân nhất thế giới này. Núp dưới những cái danh nghĩa “Công viên thể dục thể thao làng, xã”, “Câu lạc bộ hưu trí”, “Công viên thành phố”, và sự làm ngơ của chính quyền địa phương, Trung Quốc hiện chưa thể kiểm soát được tình hình sân golf mọc lên vô tội vạ, ông Lý nói.

Sau đợt kiểm tra các địa phương, bao gồm thủ đô Bắc Kinh, Quốc vụ viện Trung Quốc ra sắc lệnh phê chuẩn việc tiếp tục kiểm tra và truy cứu trách nhiệm với những cá nhân, tổ chức liên quan việc vi phạm lệnh cấm xây sân golf.

Ông Lý từ chối bình luận về tình trạng quan chức chơi golf. Tuy nhiên, theo ông Lý thì Bộ Tài nguyên sẽ phối hợp những Bộ, ngành liên quan để điều tra tới cùng việc vì sao sân golf vẫn mọc lên dù đã có lệnh cấm. “Có thể một số địa phương đã hiểu lầm việc phê chuẩn xây dựng sân golf quy mô lớn ở đảo Hải Nam đồng nghĩa chính phủ “bật đèn xanh” cho việc xây sân golf”, ông Lý nói.

Một lý do nữa được nêu ra là “chính quyền một số nơi cho rằng xây sân golf sẽ góp phần phát triển kinh tế nhờ những dịch vụ đi kèm như du lịch và các hạng mục bất động sản có trị giá cao đi kèm”. Tuy nhiên, không ít bình luận của bạn đọc trên trang mạng của một số tờ báo khác lại không đồng ý lý do này.

Tân Hoa Xã, cơ quan truyền thông của nhà nước Trung Quốc cho biết, nước này đang tìm cách chấn chỉnh hoạt động của các sân golf. Danh sách hội viên của các sân golf đang bị kiểm tra gắt gao để xem liệu có quan chức nào dùng tiền công quỹ, tiền hối lộ để chơi môn thể thao được báo giới nước này cho là “quý tộc, xa xỉ”.

Theo thống kê của báo Tin tức Hải Nam, cả Trung Quốc chỉ có khoảng 10 sân golf được phê duyệt. Thế nhưng, báo này dẫn nguồn tin riêng nói rằng đang có tới 400 doanh nghiệp kinh doanh những hạng mục liên quan golf, và “97% trong số đó có thể liệt vào danh sách “đen”.

Một chủ sân golf tại tỉnh Sơn Đông được dẫn lời cho hay, sân golf hạng sang do ông ta làm chủ đang “ngắc ngoải” vì càng làm càng lỗ. Tin tức Hải Nam còn dẫn lời các chủ sân golf thuộc dạng được phê chuẩn và cả dạng “danh sách đen” cho biết: Để có một sân golf 18 lỗ, ước tính tiền đầu tư ban đầu khoảng 300 triệu NDT. Diện tích sân golf ít nhất là 1.200 mẫu Trung Quốc (mỗi mẫu tương đương 666,6m2). Tiền duy trì hoạt động bao gồm duy tu bảo dưỡng, thuế, lương cho nhân viên ... khoảng 8 triệu NDT đến 10 triệu NDT. Và để có số tiền ấy, mỗi năm cần ít nhất 35.000 lượt người tới chơi, mỗi lượt người chơi tốn ít nhất 750 NDT.

“Những con số khủng khiếp, nhưng thật khó hiểu tại sao sân golf vẫn mọc lên, và vẫn có người bỏ hàng đống tiền của để chơi. Một số chủ sân golf tiết lộ với chúng tôi, chỉ dựa vào lợi nhuận thu được từ người chơi golf là không bao giờ đủ. Vậy thì họ lấy lợi nhuận từ đâu?”, tác giả bài báo trên Tin tức Hải Nam viết.

Xem thêm
Long trọng kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú

Ngày 17/4, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Greenfeed Việt Nam công bố kết quả tăng trưởng lợi nhuận bền vững

Greenfeed Việt Nam với những chỉ số tài chính vừa công bố, cho thấy thương hiệu này vẫn duy trì hoạt động sản xuất và kinh doanh hiệu quả trên thị trường nông sản.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, tỉnh Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động nhằm giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn và tăng cường tình đoàn kết.