Chủ tịch Tập Cận Bình (giữa) chụp ảnh cùng các nhà lãnh đạo châu Phi tại Diễn đàn hợp tác Trung Quốc - châu Phi ở Bắc Kinh ngày 3/9 (Ảnh: Reuters) |
Phát biểu tại Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - châu Phi tại Bắc Kinh hôm 3/9, Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết Trung Quốc đã lên kế hoạch xóa nợ từ các khoản vay không lãi suất của một số quốc gia ở châu Phi trước cuối năm 2018.
Ông Tập Cận Bình nói rằng việc xóa nợ này sẽ được áp dụng với một số quốc gia kém phát triển tại châu Phi, những nước nợ Trung Quốc nhiều nhất và nghèo đói, các nước đang phát triển không có biển và là đảo nhỏ đồng thời có quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh.
Cũng tại diễn đàn, Chủ tịch Trung Quốc đã thông báo khoản hỗ trợ trị giá 60 tỷ USD dưới hình thức vốn vay và các hình thức hỗ trợ tài chính khác cho châu Phi trong vòng 3 năm. Ông Tập Cận Bình cam kết sẽ thực hiện các dự án lớn tại châu Phi nhằm thúc đẩy công nghiệp, kết nối cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thương mại và phát triển bền vững đi cùng với bảo vệ môi trường.
“Chúng tôi sẽ thực hiện đầy đủ các cam kết mà chúng tôi đã đưa ra với những người anh em châu Phi”, ông Tập Cận Bình nói tại diễn đàn với sự tham gia của hơn 50 lãnh đạo châu Phi.
Trung Quốc thường đưa ra các cam kết tài chính lớn tại các hội nghị thượng đỉnh với lãnh đạo các nước châu Phi trước đây. Tuy nhiên, cam kết được đưa ra tại hội nghị năm nay có quy mô lớn hơn trong bối cảnh phương Tây ngày càng hoài nghi về tham vọng mở rộng ảnh hưởng của Bắc Kinh tại châu Phi.
Nhiều ý kiến cho rằng sự hiện diện của Trung Quốc ở châu Phi, đặc biệt là Sáng kiến Vành đai và Con đường, khiến nhiều quốc gia trong khu vực không đủ khả năng thanh toán các khoản nợ mà Bắc Kinh cho họ vay để phát triển cơ sở hạ tầng. Tình trạng này dẫn đến việc Trung Quốc sẽ nắm quyền kiểm soát các cơ sở chiến lược.
Tuy nhiên, phát biểu trước các nhà lãnh đạo châu Phi, Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc không có ý định can thiệp vào công việc nội bộ tại châu Phi và các khoản hỗ trợ của Bắc Kinh không đi kèm ràng buộc về chính trị.
“Chỉ người dân Trung Quốc và châu Phi mới có quyền bình luận liệu hợp tác châu Phi - Trung Quốc có hiệu quả hay không. Không ai có thể bình luận về thành tựu vượt bậc của hợp tác châu Phi - Trung Quốc dựa trên sự suy đoán của họ”, ông Tập nhấn mạnh.
Hợp tác an ninh
Ngoài hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư, Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết Trung Quốc sẽ thúc đẩy hỗ trợ an ninh cho châu Phi. Năm ngoái, Trung Quốc đã khánh thành căn cứ hải quân đầu tiên ở nước ngoài tại Djibouti.
Ông Tập Cận Bình cho biết Trung Quốc sẽ thiết lập một quỹ an ninh và hòa bình chung Trung Quốc - châu Phi, đồng thời tiếp tục cung cấp viện trợ quân sự miễn phí cho Liên minh châu Phi. Theo nhà lãnh đạo Trung Quốc, tổng cộng sẽ có 50 chương trình hỗ trợ an ninh được thực hiện, từ các chương trình gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc cho tới chiến dịch chống cướp biển.
Phát biểu tại hội nghị ở Bắc Kinh, ông Paul Kagame, Tổng thống Rwanda kiêm chủ tịch Liên minh châu Phi, cho biết một châu Phi phát triển hơn là cơ hội để đầu tư, chứ không phải là “một vấn đề hay mối đe dọa”.
“Châu Phi không phải là cuộc chơi một mất một còn. Mối quan hệ ngày càng tăng của chúng tôi với Trung Quốc không gây thiệt hại cho bất kỳ ai”, ông Kagame nói.