| Hotline: 0983.970.780

Trung Quốc thắt chặt tiểu ngạch: [Bài 1] Cá khô Quảng Trị… trở tay không kịp!

Thứ Hai 28/10/2019 , 19:11 (GMT+7)

Từ đầu năm 2019 đến nay, nhiều cơ sở sản xuất cá khô hấp sấy thương phẩm tại Quảng Trị điêu đứng vì hàng chục ngàn tấn cá không thể xuất sang Trung Quốc do thị trường này không thu mua với nhiều lý do.

18-58-33_qt_-_cu_viet_1
Hàng trăm cơ sở sản xuất cá khô trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đang điêu đứng vì không bán được hàng. Ảnh: Tâm Phùng.

Chị Nguyễn Thị Hồng, chủ một cơ sở cá hấp sấy khô tại khu phố 3, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh cho biết, khoảng 1 năm trở lại đây, giá cá khô xuất bán của gia đình chị thấp hơn mọi năm khoảng 20 ngàn đồng/kg, chỉ còn vào khoảng 45 ngàn đồng/kg đối với cá nhạt và 35 ngàn đồng/kg đối với cá mặn.

Từ trước đến nay các sản phẩm cá hấp sấy khô đều được bán cho các thương lái Trung Quốc xuất qua đường tiểu ngạch để vào thị trường Trung Quốc với giá cao, nhưng hiện tại giá đã giảm mạnh nên chị phải sản xuất cầm chừng. Đã vậy hàng tồn kho quá lâu, khó bán, do không thể xuất hàng theo tiểu ngạch như trước nữa.

Họ yêu cầu chất lượng hàng cao và người sản xuất cá phải kinh doanh bài bản hơn. Tại thị trấn Cửa Việt, không riêng cơ sở cá hấp sấy khô của chị Hồng gặp khó khăn, mà tất cả đều vướng vào hoàn cảnh này.

Chúng tôi gặp anh Phan Văn Kiệm, trú tại khu phố 2, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, chủ thu mua sản phẩm cá hấp sấy khô xuất sang Trung Quốc.

Anh Kiệm cho biết các năm trước mặt hàng này rất được thị trường ưa chuộng. Mặc dù được xuất khẩu tới rất nhiều nước như Malaysia, Indonesia, nhưng thị trường chính vẫn là Trung Quốc, số lượng hàng đi các nước khác không đáng kể.

Thời điểm hiện tại đã hết mùa sản xuất cá hấp sấy khô được khoảng 10 ngày, tuy nhiên kho lạnh của anh vẫn đang tồn hơn 60 tấn cá thành phẩm chưa xuất được cùng nhiều container hàng đang bị nghẽn tại cửa khẩu Lạng Sơn với lý do Trung Quốc không nhập hàng vì đòi hàng chất lượng cao và đầy đủ hồ sơ, giấy tờ truy xuất nguồn gốc.

18-58-33_qt_-_cu_viet_2
Các thương lái vẫn phải đóng gói, bảo quản chờ hàng xuất qua được cửa khẩu. Ảnh: Tâm Phùng.

Anh Kiệm cùng nhiều thương lái ở thị trấn Cửa Việt đang rất đau đầu về vấn đề này, nhưng không thể tìm đầu ra khác ngoài thị trường Trung Quốc, do các thị trường khác yêu cầu rất cao về chất lượng.

Cũng trong tình trạng như anh Kiệm,chị Bùi Thị Lan, trú tại thôn Xuân Ngọc, xã Gio Việt, Gio Linh, kinh doanh cá hấp sấy khô xuất sang Trung Quốc chia sẻ mỗi đơn hàng xuất đi Trung Quốc chị đều phải thuê container chở với giá từ 40-50 triệu đồng, thêm tiền duy trì thuê kho bãi khá tốn kém.

Ra đến cửa khẩu hàng bị đọng quá lâu dẫn đến chất lượng giảm sút, khi đến tay thương lái Trung Quốc thì bị “bắt chẹt”, chỉ được thanh toán 25-30 ngàn đồng/kg vì lý do hàng không đạt yêu cầu nên thua lỗ.

Năm nay kinh doanh khó khăn hơn mọi năm, chị Lan và các tiểu thương khác ở vùng biển huyện Gio Linh vẫn chưa có tiền trả nợ cho các chủ cơ sở chế biến cá hấp sấy khô. Từ đó các cơ sở chế biến lại không có tiền trả cho ngư dân trực tiếp khai thác cá từ biển về.

Ông Trần Văn Quảng, Chủ tịch UBND huyện Gio Linh cho biết, Gio Linh có nghề cá phát triển mạnh nhất, chiếm 50% sản lượng khai thác hàng năm của tỉnh Quảng Trị.

Riêng trên địa bàn thị trấn Cửa Việt có khoảng 40 cơ sở chế biến cá hấp sấy khô xuất khẩu với sản lượng hàng ngàn tấn mỗi năm. Ngoài số cơ sở trên, xã Gio Việt cũng có gần 80 cơ sở chế biến. 100% cơ sở chế biến cá hấp sấy khô xuất khẩu cũng tập trung ở vùng này.

Tuy nhiên trong năm nay, trước tình hình hàng hóa ứ đọng, Trung Quốc thắt chặt xuất khẩu tiểu ngạch và đòi hỏi chất lượng cao nên nhiều chủ sản xuất tạm nghỉ, chỉ còn gần 1/2 cơ sở hoạt động. 

Ông Nguyễn Hoài Nam, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Trị lý giải: Trung Quốc từ trước đến nay là thị trường chính của mặt hàng cá khô của người dân Quảng Trị.

Tuy nhiên từ đầu năm 2019, thị trường này bắt đầu bị thắt chặt và đặt ra những yêu cầu khắt khe về chất lượng, mẫu mã, nguồn gốc truy xuất sản phẩm cho nhiều mặt hàng nông sản nói chung của Việt Nam khiến bà con không kịp trở tay nên dẫn đến tình trạng trên.

Bên cạnh đó, các thương lái Trung Quốc cũng cạnh tranh với nhau dẫn đến tình trạng đầu ra không ổn định cho mặt hàng này.

18-58-33_qt_-_cu_viet_3
Thị trường Trung Quốc hiện đòi hỏi cao hơn về chất lượng, mẫu mã, truy xuất. Ảnh: Tâm Phùng.

Trung Quốc lâu nay là thị trường không quá khó tính, do đó bà con đã quen với các phương thức sản xuất thủ công, chậm cải tiến chất lượng sản phẩm để theo kịp yêu cầu khắt khe của thị trường.

Để giải quyết vấn đề này, ông Nam cho rằng cần tìm kiếm thêm đầu ra khác cho mặt hàng cá khô cũng như sản phẩm nông nghiệp.

Chi cục Thủy sản cùng Sở NN-PTNT Quảng Trị đang quyết liệt hướng dẫn, hỗ trợ bà con các phương thức sản xuất tập trung và hoàn thành các loại giấy tờ truy xuất nguồn gốc để tiếp tục xuất vào Trung Quốc và các thị trường khác, giúp bà con ngư dân ổn định cuộc sống từ nghề biển.

Xem thêm
350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ chi trả 352 triệu đồng quyền lợi cho khách hàng

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ phối hợp với Agribank - Chi nhánh Tuyên Quang chi trả quyền lợi Bảo an tín dụng cho khách hàng tham gia vay vốn không may gặp rủi ro.