| Hotline: 0983.970.780

Trung Quốc 'tranh giành' đầu tư vào nông nghiệp Australia

Thứ Sáu 07/07/2017 , 12:52 (GMT+7)

Theo đài NPR (Mỹ), 5 năm trước, các nhà nhập khẩu rượu vang lớn nhất của Australia là Vương quốc Anh và Mỹ. Nay vị trí đó thuộc về Trung Quốc...

15-00-41_gettyimges-468258334_custom-4e5106344895d873bd0d182e3d3bf1bd5d-s800-c85
Một trang trại trồng nho làm rượu vang ở Australia. Trung Quốc là nhà nhập khẩu rượu vang hàng đầu

Trong phòng thử rượu của hãng vang Taylors ở Sydney, Australia, các chai vang được đánh giá chất lượng. Người ta hít hà, ngửi và uống từng ngụm nhỏ để kiểm tra độ hoàn hảo. “Ngành sản xuất rượu vang đang tăng trưởng với tốc độ rất nhanh”, Mitchell Taylor, giám đốc điều hành, nói. “Phân khúc rượu vang cao cấp, giá từ 20-30 USD/chai và cao hơn nữa có tốc độ tăng trưởng 53%”.

Một phần nguyên nhân của chuyện này là vì người Trung Quốc.

 

Nhà đầu tư giàu tiềm lực

Theo đài NPR (Mỹ), 5 năm trước, các nhà nhập khẩu rượu vang lớn nhất của Australia là Vương quốc Anh và Mỹ. Nay vị trí đó thuộc về Trung Quốc và kim ngạch xuất khẩu rượu vang Australia qua thị trường này tăng trưởng 40% năm.

Chỉ riêng năm 2016, đầu tư từ Trung Quốc vào nông nghiệp Australia đã tăng 3 lần, từ 300 triệu USD lên 1 tỷ USD, một bước tăng trưởng chưa từng có.

"Chúng tôi rất vui mừng về mức tăng trưởng này, không chỉ trong ngành rượu vang mà còn trong nhiều lĩnh vực nông nghiệp khác”, Taylor nói.

Đối với các công ty của Trung Quốc, đây cũng là cách họ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước. “Các nhà đầu tư Trung Quốc muốn trở thành một phần của chuỗi cung-cầu đó. Họ không hề muốn bị chậm chân trước các nhà đầu tư nước ngoài”, James Laurenceson, nhà kinh tế tại Đại học Tổng hợp Công nghệ Sydney nói.

Năm ngoái, người Trung Quốc mua ¼ số căn hộ mới ở New South Wales. Vài năm qua, nhiều công ty Trung Quốc hoặc mua đứt, hoặc mua số cổ phần đáng kể của các cảng ở Australia như Darwin, Melbourne và Newcastle.

Chuyện tương tự cũng diễn ra trong ngành nông nghiệp, theo Laurenceson.

“Tôi muốn nói rằng người Trung Quốc đã nhìn thấy nhiều cơ hội làm ăn, từ rượu, sản phẩm bơ sữa, mọi thứ. Trong khi đó, vùng nông thôn Australia đang cực kỳ thiếu vốn đầu tư”.

Và đó là lý do vì sao Trung Quốc thay thế Mỹ để trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ hai trong lĩnh vực nông nghiệp ở Australia, chỉ sau Anh.

Hai năm trước, Dakang, một công ty tư nhân Trung Quốc hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, đề nghị mua lại trang trại gia súc lớn nhất Australia. Trang trại Kidman chiếm 2% tổng diện tích đất nông nghiệp ở Australia. “Người Trung Quốc đã hỏi mua toàn bộ trang trại”, Laurnceson cho biết. "Họ bị từ chối. Chủ trại nói việc này đi ngược lại lợi ích quốc gia của Australia. Người Trung Quốc xuống nước, đề nghị mua 80% và cũng bị từ chối”.

Tâm lý bài Trung Quốc bắt đầu bùng lên ở Australia. Một cuộc điều tra xã hội học cho biết 80% số người Australia được hỏi nói họ phản đối việc các nhà đầu tư nước ngoài mua lại đất Australia. Cuối cùng, Chính phủ Australia đã phê chuẩn thỏa thuận mua lại khi Dakang hạ xuống mức 1/3 trang trại.

Nhưng thương vụ Kidman không làm chậm tốc độ đầu tư từ Trung Quốc vào nông nghiệp Australia. Giáo sư của đại học Sydney, Hans Hendrischke, nói sự kiện này chỉ thay đổi cách thức người Trung Quốc tiến hành các thương vụ mà thôi. “Các nhà đầu tư Trung Quốc có đủ tiềm lực tài chính để có được cái họ cần”, Hendrischke nói. "Trong rất nhiều ví dụ, người Trung Quốc đến và nói: chất tất cả những gì các anh thu hoạch được trong năm vào container cho chúng tôi”.

Hendreischke nói xu hướng này sẽ nhanh chóng dẫn đến kết cục: người Trung Quốc sẽ dần mua lại hết 135.000 trang trại tư nhân và biến chúng thành các trang trại liên kết quy mô lớn, chuyển sản phẩm về nước.
 

Vẫn là tích tụ ruộng đất

Trong khi đó, ở Trung Quốc, đã và đang có những nỗ lực dấy lên cuộc cách mạng xanh, khi các công ty lớn đưa công nghệ vào nông nghiệp và nông thôn, theo Hãng tin Bloomberg.

15-00-41_gettyimges-578262318_custom-471870c94512394819f3909b78c01b920d59c2-s800-c85
Trung Quốc đã thay thế Mỹ, trở thành nhà đầu tư lớn thứ hai Australia trong lĩnh vực nông nghiệp

Các nhà nông Trung Quốc thế hệ mới nay không còn nhìn lên bầu trời để đoán xem có mưa hay không. Họ đang sử dụng hệ thống tưới tiêu có gắn cảm biến liên kết với điện thoại thông minh. Họ đang trồng rau quả trong các container có gắn các thiết bị kiểm soát thời tiết và các điều kiện phục vụ sinh trưởng của cây cối, sử dụng máy bay không người lái kèm công nghệ điều chỉnh liều lượng thuốc trừ sâu.

Những trang trại hiện đại như thế vẫn còn ít bởi khó khăn trong việc tích tụ ruộng đất. Cho đến nay, chính sách của Trung Quốc là ủng hộ các trang trại gia đình có diện tích “phù hợp”, tức là khoảng 13 hecta hay ít hơn, tùy từng vùng.

Nhưng hầu hết các trang trại ở nước này có diện tích thấp hơn 13 hecta. 260 triệu gia đình nông dân Trung Quốc đang làm việc trên diện tích 120 triệu hecta đất nông nghiệp, tức là mỗi gia đình có trung bình chưa tới ½ hecta, theo chuyên gia Zhong Funing của Đại học Nông nghiệp Nam Kinh.

Bộ luật mới được thông qua cuối năm 2016 đã ngăn cản các công ty lấy đất nông nghiệp quy mô lớn hơn, nhưng Chính phủ Trung Quốc vẫn lo ngại hoạt động này có thể khiến khu vực nông thôn rộng lớn trở nên bất ổn.

Ngay cả khi xác định quy mô trang trại ở mức khiêm tốn so với thế giới là 13 hecta, Chính phủ Trung Quốc vẫn chưa thể yên tâm bởi với diện tích này, chỉ cần chưa tới 10 triệu gia đình làm nông nghiệp.

“Các gia đình nông dân còn lại (khoảng 250 triệu) sẽ phải làm gì để sống nếu họ rời bỏ ruộng đất?”, Zhong nói. Chính điều này khiến quá trình phát triển các nông trại rộng lớn, trang bị công nghệ cao bị trì hoãn.

Vấn đề này không chỉ có ở Trung Quốc nhưng tìm câu trả lời còn tùy thuộc đặc tính phát triển của mỗi quốc gia đang phát triển.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Chuyên gia Ukraine thừa nhận sự vượt trội của máy bay không người lái Nga

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Trinh sát Trên không Ukraine Maria Berlinskaya thừa nhận rằng quân đội Nga vượt trội hơn trong phát triển và sản xuất máy bay không người lái (UAV).

Video Thủ tướng Ấn Độ cầu nguyện dưới biển gây 'sốt' trên mạng

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm 25/2 chia sẻ video thực hiện lễ cầu nguyện tại thành cổ Dwarka, khu di tích nằm dưới đáy biển ở bang Gujarat, miền tây nước này.

Bình luận mới nhất