| Hotline: 0983.970.780

Trung Quốc vào ĐBSCL mua gạo?

Thứ Hai 09/08/2010 , 10:08 (GMT+7)

Thời gian qua, gạo Việt Nam XK qua Trung Quốc với khối lượng lớn, không phân biệt phẩm cấp cũng như loại gạo, chủ yếu đi đường tiểu ngạch, do các thương nhân Việt Nam thu mua, chở lên biên giới bán cho thương nhân bên kia. Điều này đã làm thay đổi giá lúa gạo trong nước, và nhất là tiêu thụ gạo phẩm cấp thấp vụ HT.

* ĐBSCL: Xuất bán gạo sang Trung Quốc bằng tàu chợ

Thời gian qua, gạo Việt Nam XK qua Trung Quốc với khối lượng lớn, không phân biệt phẩm cấp cũng như loại gạo, chủ yếu đi đường tiểu ngạch, do các thương nhân Việt Nam thu mua, chở lên biên giới bán cho thương nhân bên kia. 

Điều này đã làm thay đổi giá lúa gạo trong nước, và nhất là tiêu thụ gạo phẩm cấp thấp vụ HT.

Theo ông Trương Thanh Phong, TGĐ TCty Lương thực miền Nam kiêm Chủ tịch Hiệp hội Lương thực VN (VFA), nhờ thương nhân Trung Quốc thu mua mà gạo IR 50404 vụ HT vốn không có đầu ra, cũng đang tiêu thụ khá tốt ở ĐBSCL. Đến nay, ước tính đã có khoảng 600.000 tấn gạo được XK sang Trung Quốc qua đường biên mậu.

Ông Phong nhận định, Trung Quốc đang mất mùa do thiên tai, do đó họ vẫn đang tiếp tục mua của Việt Nam. Nếu tỷ lệ mất mùa lên đến 10%, nước này có thể tăng cường NK gạo Việt Nam nhiều hơn nữa. Ở Cần Thơ còn rộ lên thông tin thương gia Trung Quốc lần mò vào tận đồng bằng châu thổ Nam bộ mua đẩy giá lúa gạo trong vùng tăng mạnh. So hồi giữa tháng 7/2010 khi các DN thực hiện mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo qui lúa thì mấy ngày qua lúa loại dài, khô tốt đã lên tới 4.100- 4.450đ/kg, tăng khoảng 600- 650đ/kg; lúa tròn hay lúa IR 50404 trước khó tiêu thụ nay lên 3.850-4.200đ/kg tức tăng gần 1.000đ/kg.

Tuy nhiên "bàn tay" của DN Trung Quốc đã thực sự với tới vựa lúa ĐBSCL hay chưa thì câu trả lời chưa hẳn đã đồng nhất. Tại khu vực “chợ lúa gạo” Thốt Nốt (Cần Thơ), một trung tâm xay xát cung ứng gạo nguyên liệu XK lớn nhất khu vực thì bất kỳ thông tin nào liên quan tới lúa gạo đều có đủ. Tuy nhiên ông Trần Thanh Vân- GĐ Cty Gạo Việt vẫn bán tín bán nghi: “Đâu có thấy bóng dáng thương nhân Trung Quốc nào đến Cần Thơ mua gạo đâu, có chăng chỉ là một số DNTN ở Hải Phòng vào đây mua gom. Có thể họ gom rồi chở thẳng ra cảng Hải Phòng xuất đi thì không ai biết được. Trong khi đó nông dân thường có tâm lý thấy giá lúa gạo lên thì không vội bán, nên giờ đây thu mua lúa XK bắt đầu khó rồi”.

Ông Ngô Văn Mẫn, chủ DN xay xát ở thị trấn Long Mỹ (Hậu Giang) cũng cho biết: "Tin hạn hán, bão lụt bên TQ khiến nước này thiếu gạo ăn đã loang đến Hậu Giang. Nghe nói khách hàng bên Trung Quốc thông qua các Cty TNHH của Việt Nam đang săn tìm mua gạo để xuất bán theo đường tiểu ngạch sang cho họ". Thật ra dõi theo thị trường gạo mấy năm qua, chuyện bán xuất tiểu ngạch gạo sang Trung Quốc đã từng xảy ra. Bởi Trung Quốc vừa là nước XK gạo nhưng đồng thời họ vẫn NK gạo, đặc biệt khi xảy ra thiên tai mất mùa nhu cầu trong nước tăng cao. Ông Lê Việt Hải, Giám đốc Cty CP Mekong nhận định: “Khách hàng Trung Quốc khôn lắm, họ đâu có nhập chính thức, chỉ có một số DN nước mình thu gom hàng buôn bán tiểu ngạch. Được biết tại TPHCM thường có tàu hàng đi Hải Phòng, gạo vận chuyển tử ĐBSCL lên TPHCM xuống tàu theo đường biển tới Móng Cái (Quảng Ninh) thì sang mạn sà lan 100-200 tấn".

Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA khẳng định, chương trình mua tạm trữ phải được tiếp tục, nếu DN nào không “kham” nổi thì phải báo cáo ngay về VFA để có hướng xử lý.
Tuy nhiên theo ông Hải, không phải do nhu cầu mua gạo Việt Nam của Trung Quốc mà đẩy giá lúa gạo trong nước lên. Còn có những lý do khác như trong tháng 7/2010 tiến độ giao hàng XK của các DN gia tăng. Bên cạnh đó tiến độ thu mua tạm trữ hơn nửa tháng qua có những chuyển biến mới. Thị trường Băngladesh mở ra, Ấn Độ thông tin tái XK gạo nhưng đến nay vẫn chưa thấy…trong khi nông dân giữ hàng chờ giá đã góp phần tạo sự khan hiếm giả. Nhất là các DN chưa có chân hàng trong kho lúc này mà hợp đồng XK sắp tới hạn thì phải gấp rút đẩy tiến độ thu mua.

Cũng theo ông Hải, dù cho có xuất bán sang Trung Quốc thì lúa gạo hàng hóa trong vùng vẫn không thiếu. Ông dẫn chứng, trong lịch sử từ khi Việt Nam trở lại thị trường XK gạo tới nay hơn 20 năm qua chưa bao giờ nước ta thiếu gạo ăn. Như những năm gần đây, mặc dù quá trình đô thị hóa khiến đất nông nghiệp có phần thu hẹp, nhưng năm 2008 nước ta vẫn XK trên 5 triệu tấn, sang năm 2009 XK vượt mức 6 triệu tấn. Có thị trường tốt cứ nên XK mạnh. Vấn đề là hiện thời chúng ta cần nhận định chính xác sản lượng lúa hàng hóa đang có là bao nhiêu để cân đối.

Tuy nhiên ông Trương Thanh Phong lại e dè trước thông tin Trung Quốc đẩy mạnh mua gạo Việt Nam. Trung Quốc là nước lớn, dân số đông nên việc Trung Quốc thu mua gạo ồ ạt cần phải theo dõi sát sao. Một câu hỏi được đặt ra nếu họ mua nhiều gạo quá thì đến quý 4 năm nay, các DN Việt Nam liệu có thiếu gạo để giao hàng? Và một điều không thể không quan tâm là nguy cơ xảy ra sốt giá gạo ở trong nước, nhất là ở các đô thị lớn. Gần đây, ở quận 8, quận Gò Vấp của TPHCM, đã xuất hiện dấu hiệu sốt giá gạo ảo trong một thời điểm rất ngắn. Vì thế, ông Phong cho rằng ngoài công tác thu mua XK, các DN cũng phải "lên dây cót" sẵn sàng có nguồn gạo hàng hoá, phương tiện, nhân lực, để có thể can thiệp ngay khi có dấu hiệu sốt giá gạo ảo.

XK GẠO CUỐI 2010 SẼ BẤT NGỜ LỚN

Phiên họp mở rộng tháng 8 của Hội đồng quản trị Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cuối tuần qua đã hé mở những thông tin đầy bất ngờ về thị trường lúa gạo XK. Hiện giá gạo XK của Việt Nam đã tăng thêm 20-30 USD/tấn. Việc Bangladesh hỏi mua gạo với khối lượng lớn sẽ có tác động tích cực tới giá gạo XK của Việt Nam. Theo thông tin mới nhất từ VFA, ngoài 178.000 tấn mua theo các hợp đồng thương mại, phía Bangladesh đã đặt mua theo hợp đồng Chính phủ với Việt Nam 220.000 tấn. Như vậy, trước mắt đã có xấp xỉ 400.000 tấn gạo sẽ được xuất sang Bangladesh. Và vì thế, VFA đã kiến nghị Bộ Công thương đưa Bangladesh vào danh sách các thị trường tập trung, do TCty Lương thực Miền Nam làm đầu mối XK.

Ông Trương Thanh Phong lưu ý các DN nên giữ gạo trong kho để chờ được giá. Và dù không khống chế số lượng gạo XK trong năm nay, nhưng các DN không nên ký hợp đồng một cách ồ ạt, để tránh xảy ra tình trạng không có gạo giao hàng. Hiện tại, các DN đã ký hợp đồng xuất trên 6,2 triệu tấn gạo. Trong khi đó, nguồn cung trong nước từ gạo tồn kho đang có (1,383 triệu tấn), cộng với gạo mới của vụ Hè thu, gạo vụ Thu đông và mùa, chỉ đủ để cung ứng XK 6,4-6,5 triệu tấn trong năm nay và gối đầu cho đầu năm sau.

Về thu mua tạm trữ, tính đến cuối tuần rồi các DN đã thu mua được 469.605 tấn gạo HT, đạt 46,96% kế hoạch. Tuy nhiên giá lúa tăng cao khiến cho không ít DN lo lắng về khả năng thua lỗ và cho rằng nên dừng chương trình thu mua tạm trữ. Tuy nhiên, phần lớn các hội viên VFA không đồng tình. Ông Nguyễn Hùng Linh, GĐ Cty Du lịch – Thương mại Kiên Giang cho rằng mua tạm trữ lợi cho cả nông dân lẫn DN. Nông dân tiêu thụ được lúa với giá tốt hơn, còn DN giải phóng được nguồn gạo cũ, mua nguồn gạo mới về trữ trong kho. Ông Cao Minh Lãm, Chủ tịch HĐQT Cty CP XNK An Giang khẳng định mua gạo qua trung gian thì mới lỗ, còn những DN có kho tàng, có hệ thống thu mua tốt thì không.

Xem thêm
Gạo ST24, ST25 chưa được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang châu Âu

Vừa qua, xuất hiện thông tin về việc giống gạo ST24 và ST25 đã được ưu đãi thuế xuất khẩu sang thị trường EU. Tuy nhiên, đây là các thông tin chưa chính xác.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm