| Hotline: 0983.970.780

Trung tâm Giống Nông nghiệp Đà Nẵng: Có nên khai tử?

Thứ Sáu 20/08/2010 , 09:21 (GMT+7)

Một TT nghiên cứu, SX, chuyển giao được đầu tư bài bản nhưng TT Giống nông nghiệp Đà Nẵng làm thua... nông dân.

Khu vực trồng hoa, cây cảnh sập xệ của trung tâm

Một TT nghiên cứu, SX, chuyển giao được đầu tư bài bản nhưng TT Giống nông nghiệp Đà Nẵng làm thua... nông dân.

Không phải bây giờ mà cách đây 4 năm, báo chí đã đề cập tình trạng lãng phí ở TT này. Với đội ngũ 24 CBCNV, đa số là công chức có trình độ ĐH và trên ĐH, quản lý khối tài sản không nhỏ bao gồm: khu văn phòng 5 dãy nhà toạ lạc trên 1,6 ha ở phường An Khê quận Thanh Khê, Trại Giống cây ăn quả, cây lâm nghiệp trên phạm vi 2,6 ha ở thôn Hoà Xuân xã Hoà Phú, trại giống heo hơn 1 ha vốn đầu tư 1,4 tỷ đồng( 2003) tại xã Hoà Phong, trại giống cá nước ngọt ở xã Hoà Khương xây dựng hoàn thiện, với công nghệ đẻ tiên tiến; mỗi năm chi phí cho lương, điện, nước, xăng xe...và đầu tư cho SX ngốn một số tiền không hề nhỏ. 

Trước hết là lãng phí về tiền của. Nhiều chương trình SX vốn đầu tư không nhỏ TT đã triển khai nhưng đều thất bại. Năm 2003, TT đầu tư khoảng gần 100 triệu đồng để ươm tạo giống hoa phong lan, sau khi việc SX giống ba ba phải dẹp bỏ. Nhà ươm giống hoa xây dựng khá bài bản, nhiều loại phong lan nhập về rất đẹp. Nhưng rồi chỉ ít năm nhà đổ, hoa tàn. Tiếp đến là nuôi đà điều. Gần tỷ đồng đầu tư chuồng trại, con giống...nỗ lực nuôi với mục tiêu SX nhiều con giống cung cấp cho nhu cầu nuôi trong dân, song chỉ hơn năm phải cáo chung.

Tại Trại giống heo Hoà Phong nơi có cơ ở hạ tầng thuộc loại tốt nhất về lĩnh vực chăn nuôi ở Đà Nẵng, năm 2005 dịch bệnh gây chết hàng trăm con, phải bỏ hoang chuồng trại 3 năm liền. Còn ở Trại Giống cây ăn quả, cây lâm nghiệp tại thôn Hoà Xuân, xã Hoà Phú nay đã là vùng hoang hoá. Hàng vạn cây cảnh quan môi trường không biết bán cho ai ken dày thành rừng. Hàng trăm cây ăn quả còi cọc trên vùng đầy cỏ dại, khi đã ngốn của ngân sách hàng trăm triệu đồng. Hiện tại trại này cả năm trời không ai ngó ngàng tới, nhà đóng của im ỉm, khu vực SX hoang phế. Trong khi đó, người dân quanh vùng rất cần đất SX mà không có.

Thời kỳ cao điểm TT có gần 30 cán bộ công chức và lao động hợp đồng. Hiện nay biên chế 24 người, cũng đầy đủ các phòng ban chức năng. Có điều, số nhân lực này rất ít việc nên tình trạng "rảnh rang" trong giờ hành chính khá phổ biến. Không những vậy, số nhân lực này đa số là kỹ sư mới ra trường. Kiến thức sẽ không được phát huy khi SX ở đây không bám sát vào nhu cầu của nông dân, những thứ họ đang triển khai không thật sự cần thiết cho người có trình độ cao.

Từ đầu năm 2008 đến nay, mặc dù lãnh đạo và cơ cấu tổ chức tại TT được kiện toàn, số công chức lớn tuổi, không đúng ngành nghề đã nghỉ hưu, thay vào đó là công chức trẻ, có trình độ nhưng SX giống vẫn không có gì chuyển biến. Năm 2009, với kinh phí đầu tư 400 triệu đồng, đơn vị này triển khai nuôi heo tại Trại Giống heo Hoà phong, trồng hoa và ươm giống cây lâm nghiệp. Theo ông Võ Văn Tám, GĐTT năm 2009, nuôi heo bị lỗ, trồng hoa hoà vốn và keo lai bán được, nhưng chẳng ăn thua do phí vận chuyển từ phố lên núi khá cao. Duy chỉ có trại cá giống xuất bán được khoảng 300 nghìn con, nhưng cũng mới dừng lại ở phạm vi mua giống về ươm rồi bán lại, chẳng có tí hàm lượng khoa học nào.

Bước sang năm 2010, ngoài 4 lĩnh vực kể trên chưa có gì mới. Trại heo giống Hoà Phong đã nâng tổng đàn lên 50 nái đẻ, sau khi vay ngân hàng 1 tỷ đồng đầu tư. Thực ra, tổng đàn heo như vậy chỉ bằng một hộ nông dân nuôi. Nên nhớ hộ nông dân tự đầu tư xây dựng chuồng trại, tự lo đầu ra, không ai trả lương, trong khi trại giống heo có tới 6 người.

Tại Hội nghị Tổng kết năm 2007, triển khai nhiệm vụ năm 2008 của ngành nông nghiệp tổ chức đúng ngày Báo NNVN có bài đề cập về tình trạng lãng phí ở trung tâm này (ngày 27/1/2008), Phó Chủ tịch UBND TP Trần Phước Chính đã chỉ đạo: Cần phải khẩn trương giải thể TT Giống Nông nghiệp Đà Nẵng mới giải quyết được tình lãng phí kéo dài như công luận lên tiếng.

Tuy vậy, khi phát biểu lãnh đạo Sở NN- PTNT xin giữ lại và cam kết sẽ vực dậy việc SX giống trong vòng 3 tháng. Sau Hội nghị đó, cơ cấu tổ chức TT được thay đổi, những người lớn tuổi không đúng chuyên môn nghỉ hưu, thay vào đó là lực lượng cán bộ kỹ sư trẻ. Tuy nhiên chỉ thay đổi chỗ ngồi còn "chất" vẫn vậy. Hơn 2 năm kể từ ngày có cuộc cách mạng về nhân sự, TT giống không hề được vực dậy về SX, có chăng một số hoạt động đang duy trì theo kiểu công chức làm tranh việc của nông dân.

Việc SX hoa, giống cây cảnh quan môi trường đang thực hiện tại khu vực văn phòng TT ở phường An Khê. Tại đây đất rộng, mới chỉ khai thác 1/3 tiềm năng, số còn lại hoang hoá. Hơn nữa hoạt động này liệu có cần thiết, khi mà các loại hoa cao cấp nông dân Hải Châu trồng rất thành công, còn ở TT loại hoa nào cũng èo uột, kém phát triển. Uơm trồng cây cảnh quan môi trường đã có Cty công viên và cây xanh với trại giống rất quy mô ở Hoà Ninh, cây do TT giống SX không có khách mua, nay đang quá lứa, có nguy cơ phải vất bỏ. Đối với giống cây lâm nghiệp, có lẽ chỉ có TT này mới làm cái việc ngược đời đó là ươm cây ở phố chở lên rừng trồng, trong khi không ít hộ vận chuyển cây khá xa bị hư hỏng đã tiến hành ươm gieo ngay trên vùng rừng.

Mặc dù thành lập và tồn tại gần 8 năm nhưng TT Giống Nông nghiệp Đà Nẵng rất ít cán bộ HTX và nông dân biết đến. Đơn giản chỉ vì ở đây không có giống gì để họ mua. Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ nhiệm HTXNN Hoà Sơn(Hoà Vang) cho rằng: TT giống mà không có giống thì tồn tại làm gì cho lãng phí. Không lẽ công chức hưởng lương ngân sách đi làm việc của nông dân, ươm keo lai, trồng hoa để bán. Mà họ làm đâu bằng nông dân. Còn bà Hồng Thị Trinh, Phó Chủ tịch HND huyện Hoà Vang phàn nàn: Địa phương cần giống cho SX, nhưng hỏi TT chẳng có giống gì cả, đành phải đi mua.

Nói tóm lại, trung tâm Giống Nông nghiệp luôn hội đủ các lãng phí như đã nêu trên. Đó là chưa nói đơn vị này liên tục bị thanh tra và kiện tụng. Cái được duy nhất ở đây là bố trí được cán bộ công chức, ai cũng có chức danh hẳn hoi và làm việc trong điều kiện cơ sở vật chất rất đảm bảo. Riêng phòng GĐ ở tầng 2, rộng 40m2, có lắp máy điều hoà nhiệt độ, máy vi tính loại tốt và rất nhiều loại báo.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Doanh nghiệp đầu tiên công bố sản xuất cà phê tuân thủ EUDR

ĐẮK LẮK Simexco DakLak đã được cấp chứng nhận tuân thủ EUDR cho 4.957 nông dân với diện tích 5.375ha trong vùng liên kết.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.

Bình luận mới nhất