| Hotline: 0983.970.780

Trung tâm nghiên cứu gia cầm Thụy Phương: 25 năm xây dựng& phát triển

Thứ Sáu 19/12/2014 , 07:30 (GMT+7)

Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương được thành lập theo Quyết định số 47NN-TCCB-QĐ ngày 17/2/1989 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Công nghiệp thực phẩm, nay là Bộ NN-PTNT.

Trung tâm thành lập trên cơ sở sáp nhập Bộ môn Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương vào Trại Nghiên cứu chăn nuôi gia cầm Thụy Phương.

Hiện nay, Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương có 13 đơn vị trực thuộc gồm: 6 đơn vị nghiên cứu SX (Trạm Nghiên cứu chăn nuôi gà Thụy Phương, Trạm Nghiên cứu chăn nuôi gà Phổ Yên, Trạm Nghiên cứu chăn nuôi gia cầm Cẩm Bình, Trạm Nghiên cứu chăn nuôi thủy cầm, Trạm Nghiên cứu chăn nuôi đà điểu Ba Vì, Trạm Nghiên cứu chăn nuôi Bình Thuận).

7 phòng chức năng (Phòng Khoa học & hợp tác quốc tế, Phòng Tổng hợp, Phòng Hành chính - Quản trị & XNK, Phòng Tài chính - kế toán, Phòng Bảo vệ sức khỏe động vật, Phòng Cơ điện & thiết bị và Phòng Tư vấn, chuyển giao công nghệ).

I. THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CHÍNH TRỊ

25 năm qua, trung tâm đã được Bộ NN-PTNT, Bộ KH-CN giao nhiệm vụ chủ trì, thực hiện và phối hợp thực hiện 101 đề tài nghiên cứu, dự án thử nghiệm trong đó có 52 đề tài nghiên cứu, dự án thử nghiệm cấp Nhà nước và 49 đề tài, dự án cấp ngành, phối hợp cấp ngành trong các lĩnh vực nghiên cứu: di truyền chọn giống, dinh dưỡng thức ăn, ấp trứng, thú y phòng bệnh, VSATTP và bảo vệ môi trường.

Ngoài ra còn thực hiện hàng trăm đề tài nghiên cứu cơ sở phục vụ SX, đào tạo nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên đại học. Nổi bật trong số các đề tài, dự án đã được nghiệm thu có 41 sản phẩm nghiên cứu là các giống gà, giống vịt, giống ngan và đà điểu cũng như các quy trình chăm sóc nuôi dưỡng, thú y phòng bệnh và ấp trứng được Bộ NN-PTNT công nhận là tiến bộ kỹ thuật (TBKT).

Kết quả trong 10 năm trở lại đây, trung tâm đã nghiên cứu chọn tạo được 3 dòng gà LV có đặc điểm ngoại hình và khả năng SX phù hợp với các vùng sinh thái trong cả nước. Các dòng gà này có năng suất trứng/mái/68 tuần tuổi đạt 155 - 165 quả; gà thương phẩm có khối lượng cơ thể lúc 10 tuần tuổi đạt 1,8 - 1,9 kg, chất lượng thịt thơm ngon, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Tháng 3/2004 Bộ NN-PTNT công nhận và đưa vào danh mục giống gốc.

Nghiên cứu chọn lọc nhân giống thành công gà Ai Cập phù hợp với sinh thái Việt Nam. Năng suất trứng 180 - 200 quả/mái/năm, tỷ lệ lòng đỏ 31 - 32%. Năm 2004, Bộ NN-PTNT công nhận dòng gà thuần và đưa vào danh mục giống gốc.

Từ nguyên liệu gà Ai Cập và gà Hyline, trung tâm đã chọn tạo 2 dòng gà hướng trứng HA1 và HA2 có năng suất trứng 230 - 235 quả/mái/năm, chất lượng trứng thơm ngon. Gà Ai Cập, gà HA đã trở thành giống gà hướng trứng chất lượng cao được người tiêu dùng ưa chuộng và phát triển nhanh trong SX.

Trước nhu cầu được đòi hỏi thị trường về con giống năng suất cao, thời gian nuôi gà thương phẩm ngắn, từ nguồn nguyên liệu gà Sasso, gà LV, trung tâm đã nghiên cứu chọn tạo các dòng gà lông màu năng suất chất lượng cao. Gà TP có tốc độ sinh trưởng nhanh, năng suất trứng đạt 175-180 quả/mái/68 tuần tuổi, gà nuôi thương phẩm đến 9 tuần tuổi, khối lượng cơ thể đạt 2,4 - 2,5 kg/con với tiêu tốn thức ăn 2,4 - 2,6 kg/kg tăng khối lượng. Kết quả công trình được nhận giải thưởng "Khoa học sáng tạo Việt Nam năm 2012".

Để khai thác đặc điểm di truyền chất lượng thịt thơm ngon của các giống gà nội, khả năng sinh sản, sinh trưởng cao của các giống gà ngoại, trung tâm đã nghiên cứu tạo các tổ hợp lai hướng thịt, có ưu thế lai về khả năng SX và chất lượng sản phẩm, phù hợp với điều kiện chăn nuội các vùng sinh thái VN. Các công thức lai được công nhận là những TBKT và cho phép áp dụng rộng trong SX như gà Sasso x Lương Phượng (2009) , gà Mía x LV (2014).

Nhằm giảm bớt kinh phí nhập khẩu, từng bước chủ động được con giống, từ các nguồn gen nhập ngoại trong giai đoạn 2006 - 2013, trung tâm được Bộ NN-PTNT giao thực hiện đề tài “Nghiên cứu chọn tạo một số dòng ngan giá trị kinh tế cao”.

Kết quả sau thời gian 7 năm nghiên cứu đã chọn tạo thành công các dòng ngan V51, V52, V71, V72, VS1 và VS2 có năng suất, chất lượng cao hơn so với các dòng ngan hiện có. Năng suất trứng đạt 190 - 200 quả/2 chu kỳ đẻ, tỷ lệ phôi đạt 93 - 94%. Ngan thương phẩm 84 ngày tuổi có khối lượng ngan trống đạt 4,8 -5,2 kg/con, ngan mái đạt 2,6 - 2,7 kg/con.

Từ nguồn gen vịt Super M3 nhập từ hãng Cherry Valley của Vương quốc Anh năm 2006, trung tâm đã triển khai nghiên cứu chọn tạo ra hai dòng vịt SD1 và SD2 có năng suất trứng/mái/48 tuần đẻ đạt 220 - 225 quả; tỷ lệ phôi đạt 90 -92%.

Từ nguồn gen vịt vịt Super M3 Haevy, trung tâm đã nghiên cứu chọn lọc tạo hai dòng vịt SH1, SH2. Qua 4 thế hệ khả năng suất đã ổn định, năng suất trứng/mái/48 tuần đẻ đạt 220 - 230 quả, tỷ lệ phôi đạt 90 - 95%. Vịt bố mẹ cho năng suất trứng /mái/50 tuần đẻ đạt 240 - 245 quả; tỷ lệ phôi 93 - 95%; vịt nuôi thịt 56 ngày tuổi khối lượng cơ thể vịt trống đạt 4,3 - 4,5 kg/con; vịt mái đạt 3,3 - 3,5 kg/con.

Không dừng lại ở việc tạo tổ hợp lai hai dòng, giai đoạn 2011-2015 Trung tâm được Bộ NN-PTNT giao nhiệm vụ “Nghiên cứu chọn tạo bốn dòng vịt mới chuyên thịt năng suất chất lượng cao”. Đến nay qua ba thế hệ chọn tạo, bốn dòng vịt TC đã khẳng định được khả năng sinh sản và cho thịt cao.

img-2376114627563
Các giống gà TP của trung tâm cho năng suất, chất lượng tốt 

Hằng năm trung tâm chuyển giao vào SX hơn 3,6 triệu gà giống (trong đó có trên 300.000 gà bố mẹ, từ đó SX ra 38 triệu gà thương phẩm); trên 500.000 ngan giống (trong đó có hơn 100.000 ngan bố mẹ, từ đó SX ra 10 triệu ngan thương phẩm); hơn 1,3 triệu vịt con giống (trong đó có 120.000 vịt bố mẹ từ đó SX ra khoảng 15 triệu con thương phẩm và 2.500 con đà điều giống các loại).

Vịt TC bố mẹ cho năng suất trứng/mái/50 tuần đẻ đạt 250 - 255 quả; tỷ lệ phôi 93 - 95%; vịt nuôi thịt 56 ngày tuổi khối lượng cơ thể trung bình đạt 3,6 - 3,8 kg/con; tiêu tốn thức ăn/kg tăng khối lượng 2,5 - 2,7 kg.

Để hoàn thiện quy trình công nghệ chăn nuôi đà điểu, trung tâm đã triển khai các đề tài nghiên cứu thích nghi, chọn tạo giống, dinh dưỡng thức ăn, ấp trứng và thú y phòng bệnh... Năm 2008, Bộ NN-PTNT đã có Quyết định số 3205QĐ/BNN-CN bổ sung đà điểu BV1, BV2, BV3 và BV4 vào danh mục giống vật nuôi được phép SXKD.

II. XÂY DỰNG VÀ NÂNG CAO NĂNG LỰC

1. Đào tạo nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ

Từ khi thành lập năm 1989, đội ngũ cán bộ, công nhân viên toàn trung tâm không quá 81 người, trong đó có 25 người có trình độ kỹ sư, trẻ tuổi đời và non tuổi nghề.

Để đáp ứng nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới, trung tâm đã nhanh chóng xây dựng chương trình đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ nhân viên bằng nhiều hình thức cả trong và ngoài nước. Đến nay, trong tổng số 247 cán bộ, công nhân viên có 106 cán bộ đại học và trên đại học, 6 tiến sỹ, 37 thạc sỹ và 63 cán bộ đại học. Hiện có 5 nghiên cứu sinh và 10 học viên cao học. Lực lượng cán bộ có trình độ trên đại học chiếm 40,5% cán bộ chuyên môn.

2. Nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị

Cơ sở vật chất chuồng trại, trang thiết bị của trung tâm ngày càng được mở rộng và nâng cấp. Năm 1989 trung tâm chỉ được giao quản lý và sử dụng 1 cơ sở nghiên cứu, nuôi giữ và SX giống tại Thụy Phương với 9,9 ha. Đến nay, trung tâm đã mở rộng thêm lên 6 cơ sở với tổng diện tích 237 ha từ Bắc vào Nam. Trong đó 5 cơ sở đã được đầu tư xây chuồng trại, trang thiết bị chăn nuôi. Một số công trình và hạng mục công trình xây mới, cải tạo được triển khai mở rộng, đáp ứng yêu cầu nghiên cứu khoa học và chuyển giao TBKT vào SX.

Trung tâm đã được Đảng và Nhà nước trao tặng: Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Ba, 2 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 2 Cờ thi đua của Bộ NN-PTNT, 3 Bằng khen của Bộ NN-PTNT.
Với thành tích xuất sắc, tập thể nữ khoa học của Trung tâm đã được Uỷ ban Giải thưởng Kovalevskaia tặng Giải thưởng Kovalevskaia năm 2002.
Ngoài ra, trung tâm còn nhận giải thưởng Nhà nước về KH-CN năm 2005, giải thưởng Sáng tạo KH-CN Việt Nam (giải Ba năm 2006, giải Nhì năm 2010 và giải Nhất năm 2012).

 

(GĐ Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương)

Xem thêm
Giá heo nhích kích thích người nuôi tái đàn

Sau thời gian dài duy trì ở mức thấp, từ đầu năm 2024 đến nay, giá heo ở Bình Định không ngừng tăng, hiện ở mức 51.000đ/kg, người chăn nuôi hồ hởi tái đàn…

Quảng Ninh có vùng an toàn dịch bệnh cúm gia cầm đầu tiên

Tháng 1/2024, xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh được Sở NN-PTNT cấp giấy chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm.

Mỗi hộ trồng hàng trăm ha mía vẫn khỏe re

GIA LAI Những năm gần đây, cây mía đã cho nông dân vùng Đông Gia Lai có cuộc sống đủ đầy nhờ tiền vào rủng rỉnh. Cây mía đã khẳng định vị thế trên vùng đất này.