| Hotline: 0983.970.780

Trúng vụ nhãn nhờ sản xuất an toàn

Thứ Tư 10/09/2008 , 08:00 (GMT+7)

Mùa nhãn năm nay, gần 200 tấn nhãn lồng thương phẩm đã được Bộ NN-PTNT công nhận là “sản phẩm an toàn”…

Ngoài chất lượng thơm ngon, quả nhãn lồng Hưng Yên phải đảm bảo được sản xuất trong môi trường sạch. Tiêu chí quả nhãn sạch gồm: Nước tưới sạch, vườn cây sạch và không tồn dư hoá chất độc hại. Đó là những nỗ lực mà người nông dân Hưng Yên đang cố gắng cam kết với người tiêu dùng.

Sau 2 năm thực hiện việc dán tem trên sản phẩm Nhãn lồng Hưng Yên, các thành viên tiên phong trong Hội nhãn lồng tiếp tục cam kết cùng nhau sản xuất theo quy trình VietGap thân thiện với môi trường. Mùa nhãn năm nay, gần 200 tấn nhãn lồng thương phẩm đã được Bộ NN-PTNT công nhận là “sản phẩm an toàn”…

Sản phẩm nhãn lồng danh tiếng đưa đến tay người tiêu dùng phải được sản xuất trong môi trường trong sạch, không ô nhiễm, đó là tiêu chí mới mà các thành viên trong Hội nhãn lồng Hưng Yên đang cùng cam kết thực hiện. Với sự hỗ trợ về khoa học kĩ thuật của Viện Nghiên cứu Rau quả - Bộ NN-PTNT, nhiều chủ vườn nhãn ở Hưng Yên đã dần thay đổi phương thức canh tác, bỏ đi những thói quen xấu nguy hại tới môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ bản thân và cộng đồng.

Nếu như trước đây một năm tại các vùng trồng nhãn trọng điểm của tỉnh Hưng Yên như: Lam Sơn, Hồng Nam, Quảng Châu, Hồng Châu… việc sử dụng nước phân chuồng tưới cây hay chăn thả gia súc, gia cầm dưới vườn cây còn diễn ra phổ biến thì hiện nay thực trạng ô nhiễm trong các vườn cây đã giảm đi ở mức đáng kể. Đặc biệt, tại một số trang trại nhãn áp dụng phương thức sản xuất mới, khách đến thăm hoàn toàn có thể nhẩn nha ngắm cảnh và thưởng thức hương vị sản phẩm nhãn lồng ngay trong vườn mà chắc chắn sẽ không bị gợi một chút quan ngại nào về môi trường.

Nhận thức rõ giá trị của việc nâng cao chất lượng sản phẩm, người nông dân Hưng Yên đang từng bước quy hoạch lại vườn nhãn của mình, tạo rãnh tiêu nước để vườn không ngập úng, xây bể ủ phân chuồng và khu chuồng trại chăn nuôi riêng biệt, chăm bón cây theo đúng quy trình, tuyệt đối không bón thúc, bón cận thời điểm thu hoạch đồng thời kiểm soát chất lượng phân hữu cơ nhằm hạn chế tối đa vi khuẩn gây bệnh. Kết hợp chuyển đổi sang sử dụng chế phẩm sinh học, các chủ vườn đã biết cách dùng sổ nhật kí, tự quản lý tình hình sản xuất trong quá trình chăm sóc nhãn từ khi ra hoa đến thu hoạch như làm cỏ, cắt tỉa hoa, quả, phân bón qua lá, vệ sinh vườn.

Trong tâm trạng phấn chấn, ông Nguyễn Văn Cảnh, tổ 3, phường Lam Sơn cho biết mấy năm gần đây nhờ được chuyển giao khoa học kĩ thuật từ Viện NC Rau quả mà hiệu quả sản xuất nhãn tại địa phương tăng rõ rệt, trước kia thu nhập người trồng nhãn phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, có năm được mùa, có năm mất trắng nhưng nay thì đảm bảo năm nào cũng có thu. Thậm chí thời gian thu hoạch được kéo giãn tới gần 3 tháng, trà sớm, trà muộn đều cho chất lượng cao. Nhìn chung các hộ sản xuất theo quy trình an toàn đều được hai mặt lợi. Thứ nhất, người trồng nhãn và gia đình có môi trường trong sạch.

Thứ hai, chất lượng nhãn vượt trội so với nhãn được trồng theo phương thức thông thường nên khi ra thị trường giá nhãn cũng cao hơn hẳn. Năm nay, thu nhập ước tính của các hộ tham gia quy ước ít nhất đạt từ 100 triệu đồng trở lên. Như gia đình các ông Bùi Văn Tám, Bùi Văn Cự, Vũ Kim Bảng, ở xã Hồng Nam sản lượng đều đạt trên 10 tấn. Trong khi giá nhãn bán trà sớm đạt mức 30.000-40.000/kg, giá trà trung cũng được 12.000 đ/kg, mọi người đều hi vọng giá nhãn muộn sẽ cao.

Cảm nhận về quy trình sản xuất nhãn an toàn, chủ vườn Bùi Văn Tám tâm sự: “Thời gian đầu hơi khó để từ bỏ thói quen cũ nhưng nếu đã biết cách sản xuất khoa học thì sẽ rất tiện lợi. Theo dõi sổ sản xuất và sơ đồ vườn cây chúng tôi có thể ước tính được chi phí và lợi nhuận của từng lô hoặc cho cả mùa vụ. Ngoài ra, phương pháp cắt tỉa cành, hoa, chùm quả mà chúng tôi được hướng dẫn áp dụng vừa có tác dụng đón nắng làm khô ráo gốc cây, tránh bệnh hại vừa giúp cây tập trung dinh dưỡng nâng cao chất lượng quả”.

Để cam kết sản xuất an toàn giữa các thành viên trong hội được bền vững, các chủ vườn cũng thành lập tổ thanh tra gồm 3 thành viên thường xuyên kiểm tra qui trình sản xuất của từng hộ. Có thể thấy, ý thức sản xuất gắn với bảo vệ môi trường của người trồng nhãn ở Hưng Yên đã được trang bị rất tốt, điều băn khoăn duy nhất hiện nay là làm sao sản phẩm “nhãn an toàn” có thể khẳng định vị trí vượt trội trên thị trường. Giải quyết nỗi băn khoăn này, về phía tỉnh Hưng Yên đã có kế hoạch hỗ trợ, tuyên truyền quảng bá thương hiệu Nhãn lồng sạch Hưng Yên qua hệ thống gian hàng giới thiệu sản phẩm, siêu thị và các phương tiện thông tin đại chúng để người tiêu dùng cả nước biết đến và lựa chọn.

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Hỗ trợ để sản xuất phát thải thấp cho 200 nghìn ha lúa ở ĐBSCL

AN GIANG 10 doanh nghiệp liên kết với các HTX và nông dân 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang sẽ được hỗ trợ để sản xuất lúa phát thải thấp với diện tích 200.000ha.

Hơn 35.000m2 nhà màng ở Mộc Châu được hỗ trợ nâng cấp, cải tạo

SƠN LA Dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’ hỗ trợ 34 hộ gia đình ở Mộc Châu cải tạo và tối ưu hóa 35.420m2 nhà màng, nhà kính.