| Hotline: 0983.970.780

Trưởng ấp dân vận bằng thơ

Thứ Năm 08/12/2011 , 10:10 (GMT+7)

Không chỉ dân vận bằng lý lẽ, ông Mười Đông - trưởng ấp Tân Lương, xã Thạnh Phước (Tân Uyên, Bình Dương) - còn hay trổ tài dân vận bằng thơ.

Công việc thường ngày của trưởng ấp Mười Đông

Ở ấp Tân Lương, xã Thạnh Phước (Tân Uyên, Bình Dương), ông trưởng ấp Trần Văn Hô (Mười Đông) có tiếng là một người tận tuỵ với việc xóm việc làng. Không những thế, ông còn được người trong ấp, trong xã yêu mến vì có tài làm những bài thơ dân vận rất khéo.

Một ngày làm việc của ông Mười Đông bắt đầu từ lúc 5 rưỡi. Ấy là khi bến phà Tân Lương khởi động chuyến đò đầu tiên trong ngày, để đưa khách từ xã Thạnh Phước sang xã cù lao Bạch Đằng nằm giữa sông Đồng Nai rồi tới xã Bình Hoà (Vĩnh Cửu, Đồng Nai) ở bên kia sông. Hơn 10 năm làm chủ phà, ngày nào ông cũng đều đặn làm việc như thế, từ sáng sớm đến tối. Tính ra, bình quân mỗi ngày ông lái 50 vòng, mỗi vòng gồm cả chuyến đi lẫn chuyến về từ bến Tân Lương sang tới bến bên Bình Hoà rồi trở lại.

Bận bịu là thế nhưng ông Mười Đông vẫn thu xếp thời gian để làm tốt công việc của một người trưởng ấp gương mẫu. Là tổ trưởng tổ hòa giải, khi nghe tin có “điểm nóng” về mâu thuẫn, tranh chấp ở đâu đó trong ấp, ông giao ngay việc lái đò cho người khác để đi hòa giải. Có một nhà nọ, những thành viên trong nhà tranh chấp đất đai, mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm. Ông cùng tổ hòa giải của ấp đã kiên trì tiếp cận các thành viên trong gia đình đó. Và với những lý lẽ vừa thấu tình, vừa đạt lý, tổ hòa giải đã giúp cho gia đình đó gỡ được mối bất hòa, tình cảm gắn bó trở lại.

Không chỉ dân vận bằng lý lẽ, Mười Đông còn hay trổ tài dân vận bằng thơ. Ông bảo ngày nhỏ ông học thiên về các môn toán, lý, chẳng viết thơ văn là gì. Năm 1986, ông bị tai nạn gãy chân, phải nằm nhà. Buồn buồn, ông lấy sách văn thơ ra đọc. Dần dà thấy yêu thơ từ lúc nào, và bắt đầu tập tọng làm thơ, viết những bài thơ về tình yêu quê hương, tình cảm nam nữ ...

Cái vụ dân vận bằng thơ, ông đã bắt đầu làm từ khi vẫn còn là một anh “phó thường dân”, chưa có cái chức trưởng ấp như bây giờ. Năm 1997, sau khi tham gia lớp học khuyến nông đầu tiên ở huyện Tân Uyên, để động viên bà con, hàng xóm láng giềng cùng học và vận dụng theo, ông ứng tác liền một bài thơ, phác hoạ những kiến thức cơ bản nhất vừa được học bằng những vần điệu dễ hiểu, dễ thuộc. Chẳng hạn về cây lúa nước, ông viết:

“Giống kháng chưa phải đủ đầy

Rặt thuần giống khoẻ chống rầy về sau

Chọn giống thích hợp mùa nào

Đông xuân thời vụ hay vào hè thu …

… Phân thì tổng hợp mới an

Bón quá nhiều đạm lúa càng hư thêm

Phải cần cân đối trước tiên

Phân chuồng dễ kiếm rẻ tiền người ơi

Rất cần cho lúa phải chơi

Bón cho đúng lượng, đúng nơi, đúng kỳ

Sâu bệnh phải biết loại gì

Áp dụng bốn đúng ắt thì mới linh”

Đến khi làm trưởng ấp, ông càng dùng thơ nhiều hơn vào việc vận động, tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho bà con trong ấp. Để giúp nông dân có thấy được sự cần thiết trong việc hợp tác làm ăn, ông viết:

“Muốn cho phát triển nước nhà

Theo kịp thế giới trên đà đi lên

Phải cần hợp tác bốn bên

Nhà nông nhà nước bên nhà kinh doanh

Cùng nhà khoa học chuyên ngành

Làm ra sản phẩm cạnh tranh thị trường

… Sản xuất nhỏ lẻ, chết dài

Phải biết hợp tác từ ngay bây giờ”.

Hay để động viên nông dân tích cực gia cuộc thi tìm hiểu pháp luật, qua đó nâng cao thêm kiến thức pháp luật cho người dân trong ấp, ông viết: “Dù không đoạt giải cũng cam/Ít nhiều cũng biết để làm về sau”. Mỗi khi cần tuyên truyền, phổ biến cho người dân hiểu về một điều luật, một quy định nào đó, Mười Đông cũng cố gắng chuyển tải thành những câu thơ, bài thơ cho bà con dễ hiểu, dễ thuộc.

Mười Đông khoe, thỉnh thoảng ông lại có thơ đăng trên báo Bình Dương và một số báo, tạp chí khác. Thơ của ông cũng đã được chọn đăng trong nhiều tuyển tập thơ của các tác giả nghiệp dư. Hiện nay ông đang sinh hoạt tại Câu lạc bộ thơ Tân Uyên và là hội viên Câu lạc bộ thơ Việt Nam. Vừa điều khiển con phà nhỏ băng ngang qua sông Đồng Nai, ông vừa hào hứng đọc cho tôi nghe những bài thơ, câu thơ viết về miền quê yêu dấu của ông: “Quê tôi sông nước hữu tình/ Có cầu Tổng Bản, có đình Tân Lương/ Hoa thơm trái chín đầy vườn/ Có con đò nhỏ vấn vương đôi bờ…”

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm