| Hotline: 0983.970.780

Trường công bị 'ép' chuyển sang trường tư: Bài 1: Phụ huynh tố bị 'đánh úp'

Thứ Ba 21/05/2019 , 11:50 (GMT+7)

Ban đại diện hội cha mẹ học sinh trường THPT Tiên Yên (Quảng Ninh) lo lắng về sự an nguy hàng trăm con em trước năm học mới.

“Đánh úp”

Đại diện hội cha mẹ học sinh trường THPT Tiên Yên (trường Tiên Yên - PV) cho biết các phụ huynh sẽ cho con nghỉ học nếu sang năm học 2019 - 2020 phải chuyển sang trường THPT dân lập Nguyễn Trãi (trường Nguyễn Trãi - PV).

14-39-03_thpt_tien_yen
Trường THPT Tiên Yên.

Trong đơn kiến nghị khẩn cấp gửi báo NNVN, phụ huynh trường Tiên Yên nêu ra nhiều bức xúc về việc sẽ cho con nghỉ học hoặc chuyển trường học nghề khác ở huyện Tiên Yên.

Vấn đề đầu tiên, đại diện hội cha mẹ học sinh trường Tiên Yên thắc mắc là: “Tại sao phải chi đến 70 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước để thuê cơ sở hạ tầng của tư nhân mà trong quyết định của UBND tỉnh Quảng Ninh cũng không nói rõ lý do thuê?”.

Ban đại diện hội cha mẹ học sinh trường Tiên Yên nêu tiếp câu hỏi về việc trường này có bề dày lịch sử trên 50 năm, được công nhận trường chuẩn Quốc gia năm 2010, và được công nhận trường đạt chuẩn chất lượng giáo dục cấp độ 1 ngày 29/12/2017, có sổ đỏ chính chủ, cơ sở hạ tầng còn tốt, khang trang song phải đi thuê cơ sở tư nhân.

Câu hỏi còn lại là vì sao từ tháng 1/2018 đến nay, khi trường THPT Tiên Yên có bất kì sự thay đổi nào thì đều liên quan đến doanh nghiệp tư nhân Hợp Tiến (chủ cơ sở trường Nguyễn Trãi).

Đại diện phụ huynh học sinh khẳng định cảm thấy bị “đánh úp” vì các quyết định bất ngờ, không tham khảo ý kiến phụ huynh, gần như khiến họ bị buộc phải cho con chuyển trường.

Trong cuộc trao đổi với PV báo NNVN ngày 16/5/2019, bà Ngô Thu Hương, Phó Ban đại diện Hội cha mẹ học sinh cùng nhiều phụ huynh trường Tiên Yên đặt nghi vấn: “Liệu có việc nhân danh xã hội hóa giáo dục để tư nhân hóa trường THPT Tiên Yên bằng những phương thức và lộ trình tinh vi”.

Cơ sở vật chất của trường chưa có dấu hiệu xuống cấp.

Ông Bùi Văn Đoàn, có 2 con đang học lớp 10 và lớp 11 của trường Tiên Yên, nói ông sẽ cho các con nghỉ học nếu bị buộc phải sang trường Nguyễn Trãi.

“Trong khi diện tích của trường Tiên Yên là trên 7.000m2, cơ sở vật chất còn khá tốt, lại phải đi thuê 4.797m2 của trường Nguyễn Trãi thuộc Cty TNHH một thành viên Hợp Tiến, để học thì tôi cho rằng đây là điều bất hợp lý”, ông Đoàn nói.

Một phụ huynh khác, ông Nguyễn Đăng Thuyết, bày tỏ rằng cảm thấy “vô cùng khó hiểu, bức xúc” bởi trường Tiên Yên có bề dày lịch sử hơn 50 năm, các thầy cô giảng dạy tốt, học sinh có tiếng chăm ngoan, còn trường Nguyễn Trãi mới chỉ tồn tại 13 năm.
 

Lo lắng

Tâm lý học sinh bất ổn cũng là nhận xét chung của nhiều phụ huynh khi trao đổi thông tin với PV báo NNVN.

“Đang từ trường to sang trường nhỏ học, chung lớp, chung cả nhà vệ sinh với trường khác. Chẳng học sinh nào muốn thế cả”, bà Hương nói.

Trường THPT Tiên Yên. Ảnh: Trung Nguyên/TTXVN.

Ở góc độ nhà giáo, cô Nông Thị Thu, giáo viên về hưu, hơn 30 năm công tác ở trường Tiên Yên cho biết, việc 2 trường học chung một cơ sở sẽ gây nhiều bất cập, công tác quản lý sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.

“Học sinh 1 trường quản lý đã khó, việc 2 trường học chung còn khó hơn, việc va chạm giữa học sinh 2 trường là khó tránh khỏi”, cô Thu nói.

Cựu giáo viên trường Tiên Yên cũng cho biết năm 2017, học sinh hai trường có mâu thuẫn dẫn đến việc dùng dao đánh nhau. “Tâm lý học sinh tuổi này còn chưa ổn định, cùng với mâu thuẫn có từ trước đó, nên để học chung trường là điều không hợp lý. Phụ huynh họ lo lắng cũng đúng”, cô Thu cho biết.

Bức xúc trước sự việc doanh nghiệp Hợp Tiến được ưu ái lạ kỳ, ông Thuyết kể hôm 3/5/2019 đã gặp đại biểu Quốc hội tại cuộc tiếp xúc cử tri trên địa bàn huyện Tiên Yên để kiến nghị phản ánh. “Đại biểu nói sẽ nghiên cứu và chuyển tâm tư nguyện vọng của chúng tôi đến chính quyền, song đến nay vẫn chưa có cuộc họp hay tổ chức lấy ý kiến phụ huynh. Chúng tôi hoàn toàn bị động và phải ‘chịu trận’ trong việc này”, ông Thuyết nói.

Vị phụ huynh này cho biết thêm về nỗi lo lắng khi 2 con ông và gần 600 học sinh khác sẽ phải băng qua QL 18 để đi học, nếu phải chuyển sang trường Nguyễn Trãi.

“QL 18 có nhiều xe tải cỡ lớn, xe container, chúng tôi không thể yên tâm được. Đi lại như thế nhỡ có tai nạn thì các vị ký quyết định buộc con chúng tôi chuyển trường có chịu trách nhiệm hay không?”.

QL 18 có nhiều xe tải cỡ lớn, xe container.

Thuê trường theo chỉ đạo của UBND tỉnh

Ngày 8/3/2019, ông Nguyễn Đức Long - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh (nay đã nghỉ hưu) đã ký quyết định số 896/QĐ-UBND phê duyệt phương án thuê tài sản phục vụ công tác dạy và học của Trường THPT Tiên Yên.

Nội dung văn bản ghi rõ: “Phê duyệt phương án thuê tài sản phục vụ dạy và học của Trường THPT Tiên Yên, huyện Tiên Yên (thuê theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại văn bản số 605/UBND-GD ngày 25/01/2019)”.

Cơ quan Nhà nước thuê tài sản: Sở GD-ĐT Quảng Ninh.

Thời gian thuê: 30 năm.

Giá thuê năm 2019 (9 tháng, từ tháng 4 đến tháng 12) là: 1.710 triệu đồng (Một tỷ, bảy trăm mười triệu đồng).

Giá thuê các năm tiếp theo (đủ 12 tháng) là: 2.281 triệu đồng (Hai tỷ, hai trăm tám mươi mốt triệu đồng/năm).

Hình thức thanh toán: Trả tiền hàng năm.

Lạ lùng văn bản của Chủ tịch UBND tỉnh

Khi cầm trên tay văn bản số 896/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh ký phê duyệt phương án thuê tài sản phục vụ công tác dạy và học của Trường THPT Tiên Yên, nhân dân Tiên Yên không khỏi lạ lùng vì thể thức và nội dung của văn bản do người đứng đầu chính quyền tỉnh ký.

Quyết định ghi rõ 4 điều nhưng chỉ có điều 1, điều 3 và điều 4 mà không hề có điều 2.

Nơi nhận ghi rõ “Như điều 3”. Song trên văn bản nội dung điều 3 như sau: “Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành”.

Vì vậy, trong văn bản Kết luận của Ban Thường vụ Huyện ủy Tiên Yên tại phiên họp thường kỳ tháng 4/2019, do ông Trương Công Ngàn - Bí thư Huyện ủy Tiên Yên ký ngày 26/4/2019, đã đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh: “Sửa lại Quyết định số 896/QĐ-UBND, ngày 8/3/2019 của Chủ tịch UBND tỉnh theo đúng quy định vì có nhiều sai sót về nội dung thể thức văn bản”.

Bài 2: Những văn bản giúp doanh nghiệp thâu tóm trường công

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hai giám đốc sở chỉ đạo cứu lúa trên cánh đồng Mường Lò

Giám đốc hai Sở: NN-PTNT và Công thương tỉnh Yên Bái trực tiếp chỉ đạo chống hạn cho diện tích lúa tại cánh đồng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ).

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm