| Hotline: 0983.970.780

Trường nghề “khát” nguồn tuyển

Thứ Hai 17/10/2011 , 10:01 (GMT+7)

“Khát nguồn tuyển không chỉ đối với các trường ĐH, CĐ mà cũng sẽ đến với các trường trung cấp chuyên nghiệp, trường nghề” - một cán bộ đang làm trong ngành giáo dục dự báo với NNVN.

Có tay nghề vững sẽ dễ dàng tìm được công việc ổn định

“Khát nguồn tuyển không chỉ đối với các trường ĐH, CĐ mà cũng sẽ đến với các trường trung cấp chuyên nghiệp, trường nghề” - một cán bộ đang làm trong ngành giáo dục dự báo với NNVN.

Theo Bộ GD-ĐT, mỗi năm cả nước có khoảng trên 700.000 HS tốt nghiệp THCS không vào được THPT và rớt tốt nghiệp THPT nhưng chỉ có gần 10.000 HS trong số này vào học Trung cấp chuyên nghiệp (TCCN), cho dù từ năm 2010, tất cả các hệ thống giáo dục dạy nghề bao gồm TCCN, CĐ nghề thuộc Bộ GD-ĐT hay Bộ LĐ-TB-XH đều có thể liên thông lên ĐH. Và câu chuyện “khát” nguồn tuyển sẽ tiếp tục diễn ra trong năm học 2011-2012 này khi Bộ giao cho các trường TCCN tuyển tới gần 400.000 chỉ tiêu.

Lối đi đã có nhưng không ai vào

Chẳng ai ngạc nhiên khi đọc tờ rơi của Trường dạy nghề A sẽ nhận tất cả học sinh (HS) tốt nghiệp THCS hoặc học hết lớp 12 (thậm chí là chưa tốt nghiệp - xét theo học bạ) là có thể nộp đơn xét tuyển vào hệ nghề của trường nghề hoặc hệ trung cấp chuyên nghiệp. Sau một thời gian, sẽ được phép liên thông lên trình độ CĐ nghề hoặc đăng ký dự thi bất kỳ trường ĐH nào phù hợp với ngành mình học.

Rồi trong quá trình học, bạn sẽ được miễn giảm học phí, được nhận học bổng chính sách, học bổng khuyến khích học nghề; có thể vay vốn học tập theo chính sách vay vốn được áp dụng cho sinh viên, học sinh các trường ĐH, CĐ, TCCN...

Thầy Phạm Anh Thắng, Hiệu trưởng Trường Nhân lực quốc tế, bức xúc: "Hướng nghiệp học sinh quá thiên về “chuẩn” đầu ra nên trường nghề ngày càng trở nên đìu hiu và vắng vẻ. Một phần vì nhiều trường trung cấp nghề thiếu sự đầu tư, đội ngũ thầy cô giáo chưa thật sự tốt. Nhưng tôi nghĩ, nguyên nhân là do công tác định hướng và phân luồng cho học sinh chưa tốt”.

Còn với trường Việt Mỹ, trao đổi với phóng viên, lãnh đạo nhà trường cho hay, đang tập trung đào tạo học sinh có tay nghề cao theo mô hình du học nghề 1+1 (tức là năm đầu học tại Việt Nam và năm 2 học tại Úc lấy bằng CĐ nâng cao). Ngoài dạy nghề, nhà trường còn đào tạo cho học sinh thông thạo một ngoại ngữ, sử dụng tốt máy vi tính để đáp ứng đòi hỏi khắt khe của các doanh nghiệp nước ngoài nhằm đi xuất khẩu lao động. Tuy nhiên, lãnh đạo nhà trường e ngại, “lối đi thì đã có sẵn (thậm chí lối đẹp) nhưng không biết có thu hút được sinh viên vào hay không?”.

Bên cạnh sự quan tâm, đầu tư và một chính sách mở cho hệ nghề và TCCN phát triển của Nhà nước, hệ thống các trường nghề còn xây dựng công thức đào tạo gắn kết với doanh nghiệp để tạo sẵn cơ hội việc làm cho học viên ngay sau khi ra trường.

Cùng quan điểm về phân luồng đang “có vấn đề”, TSKH Trần Trung Dũng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề du lịch và dịch vụ Hải Phòng cho rằng, nguyên nhân xuất phát từ những sai lầm trong hệ thống giáo dục đào tạo quốc dân chưa được phân luồng triệt để theo hai hướng: đào tạo hàn lâm và đào tạo thực hành. Trong khi tâm lý của phần lớn phụ huynh vẫn hướng con học theo lộ trình: THCS - THPT- ĐH…

Hàng ngàn công việc đang chờ

Đồng tình với những quan điểm trên, TS. Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD- ĐT) còn khẳng định: Việc nâng cấp các trường nghề, thay đổi ý thức xã hội với bậc trung cấp nghề, xóa bỏ tư tưởng chuộng bằng cấp là việc cần phải làm gấp để chấm dứt hiện trạng "đìu hiu" đang diễn ra tại các trường nghề và trường TCCN hiện nay.

Đại diện cho ngành giáo dục cho hay, nhu cầu nhân lực trình độ trung cấp vẫn rất lớn trong những năm tới để đảm nhiệm công việc như giáo viên sư phạm mầm non, y sĩ làm công tác chăm sóc, điều trị tuyến cơ sở, các ngành kỹ thuật, công nghệ cơ khí, điện, xây dựng, môi trường, chế biến, kế toán, doanh nghiệp, du lịch, quản lý và bán hàng siêu thị...

Hiện nay rất nhiều chức danh công chức cấp xã phường chỉ đòi hỏi nhân lực có trình độ TCCN. “Học sinh, phụ huynh đừng bao giờ nặng nề vào câu chuyện bằng cấp. Một việc làm phù hợp với khả năng mới chính là thành công khi các em vào đời” - vị cán bộ gắn bó hơn 30 năm với ngành giáo dục khuyên.

Theo một chuyên gia lâu năm trong ngành giáo dục, dựa theo kinh nghiệm nhiều năm của Nhật Bản, có thể gợi ý một mô hình đào tạo nghề chia làm 3 cấp như sau:

- “Trung học thực nghiệp” cho những em tốt nghiệp Tiểu học với chương trình học nghề cụ thể trong 2 năm và 1 năm thực tập để đào tạo công nhân kỹ thuật;

- “Trung học kỹ thuật” hay “Trung học chuyên nghiệp” dành cho những em tốt nghiệp trung học cơ sở (cấp 2) với thời gian đào tạo 3 năm có nội dung chuyên sâu hơn phù hợp với trình độ văn hóa để có lớp công nhân bậc trung;

- “Cao đẳng kỹ thuật” dành cho các em tốt nghiệp trung học phổ thông (cấp 3) có chương trình 3- 5 năm nhằm tạo ra cán sự, chuyên viên đủ khả năng quản lý, chủ nhiệm các cơ sở sản xuất vừa và nhỏ.

Xem thêm
Tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác

Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh trả lời câu hỏi của nhà báo về tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác.

Đề nghị xử lý hình sự đối tượng cố tình đánh bắt cá ở vùng biển nước ngoài

Chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của Bà Rịa - Vũng Tàu góp phần cùng cả nước gỡ 'thẻ vàng' của EC.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất