| Hotline: 0983.970.780

Trường ở đỉnh 1.000m, Lư Sơn - Quế Lâm

Thứ Bảy 19/10/2019 , 07:10 (GMT+7)

Trường thiếu nhi Việt Nam Lư Sơn - Quế Lâm là câu chuyện đẹp trong giai đoạn cả 2 nước Việt Nam - Trung Quốc cùng chống kẻ thù chung.

Mối quan hệ giữa Việt Nam - Trung Quốc có những giai đoạn ấm nồng. Những cháu học sinh sớm rời vòng tay bố, mẹ để sang Trung Quốc học tập tại một vùng đất xa tiếng súng. Câu chuyện này như một bông hoa đẹp và sẽ thường được nhắc lại nhiều hơn, nếu không có mưu toan độc chiếm biển Đông.
 

Bác Hồ đề nghị mở lớp

Giữa năm 1952, Bác Hồ đã đưa ra ý kiến chỉ đạo việc đưa con em Việt Nam sang một vùng đất an toàn, tránh xa tiếng bom để có thời gian học tập. Số con em này khi học xong sẽ trở thành những cán bộ chỉ huy trong quân quân đội và cơ quan chính phủ. Đó là lý do cho sự ra đời của Trường thiếu nhi Việt Nam Lư Sơn - Quế Lâm ở Trung Quốc.

Các em học sinh Việt Nam qua đây học tập gồm rất nhiều lứa tuổi, nhiều em đang là thiếu sinh quân, một số em đã tham gia cầm súng ra chiến trường. Lư Sơn là vùng nằm ở độ cao hơn 1000 mét so với mực nước biển. Phía Trung Quốc đã chuẩn bị hơn 1000 áo ấm cho học sinh và giáo viên Việt Nam sang dạy.

Ngày 9/7/1953, Bộ trưởng Bộ giáo dục Nguyễn Văn Huyên đã ký sức lệnh số 161- NĐ, cử bà Nguyễn Thị Phương Hoa, tham sự bậc 10, Trưởng phòng mẫu giáo Nha Giáo dục phổ thông giữ chức Hiệu trưởng.

Cô hiệu trưởng trong lần gặp Bác ở ATK đã được Bác căn dặn kỹ lưỡng trước khi đưa các cháu sang học nhờ bên Trung Quốc. Trước đó, Việt Nam đã đưa sinh viên sang học tại trường Sư phạm ở Nam Ninh, trường Thiếu sinh quân ở Quế Lâm.

Cựu chiến binh Lê Duy Ứng, người đầu tiên tham gia thành lập Hải đoàn Biên phòng sau năm 1975, sau này là Trưởng ban thanh niên của Cục Chính trị Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng là một trong những cậu học trò nằm trong danh sách.

15-12-41_1_le_duy_ung
Cậu bé Lê Duy Ứng (thứ 2 từ trái sang) được cha mẹ tiễn lên đường.

Ông Ứng sinh năm 1940, tức năm đi sang học ở Trường thiếu nhi Việt Nam Lư Sơn - Quế Lâm của Trung Quốc thì ông là cậu bé 13 tuổi. Tấm ảnh quý giá và hiếm hoi ông Ứng còn lưu giữ được, đó là cha mẹ tiễn con lên đường. Năm đó, cậu bé Ứng mặc bộ quần áo màu xanh nhạt, đầu đội mũ vải. Ông Lê Ngọc Tuệ, cha ông là sĩ quan quân đội và mẹ là bà Lã Thị Cát, mặc chiếc áo nâu đi bên cạnh.
 

Qua Mục Nam Quan

Những thiếu nhi bắt đầu lên đường đi bộ 100 km (có tỉnh phải đi xa hơn) sang Trung Quốc vào khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 10 năm 1953. Những đứa trẻ sinh ra trong chiến tranh, dường như có sức chịu đựng một cách khác thường.

Ông Ứng nhớ lại, các em nhỏ có cô bảo mẫu kèm cặp. Cậu bé Ứng mới 13 tuổi, nhưng trong ý thức, cậu đã nghĩ mình là một người lớn. Vì lúc còn nhỏ, mỗi lần ông Tuệ là cha cậu đi hoạt động bí mật thì thường dắt theo con đi đến các cuộc họp, trao đổi thư từ. Ông Tuệ là bí thư của 3 xã nên công việc phải đi lại liên tục, phải ngụy trang. Cứ sau cuộc họp thì ông đều nói nhỏ “con phải giữ bí mật, nếu không thì bọn địch nó giết bố và ông nội”.

Có 12 đoàn thiếu nhi hành trình lặng lẽ trong đêm tối hướng về biên giới. Ban tổ chức đã chuẩn bị 4 trạm T 1, T 2, T 3, T 4 tại các hang ở Bản Riềng, Đồng Đăng, Bình Gia, Bắc Sơn. Đoàn ở tỉnh Tuyên Quang phải trèo đèo lội suối đến nửa tháng mới tới được Mục Nam Quan.

Mỗi đêm các em nối hàng dọc đi bộ khoảng 20 km. Có một em 7 tuổi phải đặt vào thúng gánh đi. Có em sưng chân, có em ngủ gục, có em trượt ngã xuống cầu Bình Giã (không bị thương tích nặng), thỉnh thoảng máy bay Pháp ầm ầm xuất hiện để do thám.

15-12-41_2_trruong_hoc_sinh_lu_son
Học sinh học tập tại trường Quế Lâm.

Các cháu được cấp hộ chiếu và qua Mục Nam Quan, được phía Trung Quốc đón tiếp. Sau 3 ngày hành trình trên tàu ở đất Trung Quốc, các em học sinh dừng chân một đêm ở Nam Xương, rồi tiếp tục lên xe ô tô đi Cửu Giang. Cô hiệu trưởng đầu tiên của Trường tiểu học Việt Nam Lư Sơn - Quế Lâm kể lại, rất may là đoàn đi từ Việt Nam sang đều an toàn, chúng tôi vội vàng báo cáo với Bộ, Trung ương và Bác Hồ là đã đoàn kết thương yêu nhau thực hiện tốt chỉ thị và lòng mong muốn của Bác.

Nỗi lo lắng của cô hiệu trưởng là vô cùng lớn, bởi trong suốt cuộc bộ hành hàng trăm km, các em phải đi qua nhiều cây cầu nhỏ xíu bắc qua suối, mọi người lo lắng nhìn bàn chân nhỏ của các em trèo đèo và khi xuống dốc thì phải luôn bám theo, sợ các em lăn xuống khe núi, dọc đường đi không được bỏ rơi hành trang vì sẽ tạo ra dấu vết; khi qua các khu dân cư phải tuyệt đối im lặng…
 

Học chữ, rèn binh

Ông Ứng năm nay đã 78 tuổi, nhưng nói về Trường thiếu nhi Lư Sơn – Quế Lâm ở Trung Quốc thì ông vẫn nhớ như in. Để tránh câu chuyện lịch sử viết lại và bị mạng xã hội xuyên tạc, ông nhấn mạnh rằng, lúc đó các thầy cô giáo Trung Quốc trong trường chỉ có trách nhiệm lo ăn, lo áo ấm, một số thầy dạy thêm tiếng Trung cho học trò, còn lại thì toàn bộ chương trình học tập các môn từ lịch sử, sinh vật, địa lý cho tới chữ viết… đều do các thầy cô của Việt Nam đảm trách.

Đoàn trường thành lập Đội thiếu nhi Tháng 8 và tổ chức nhiều hoạt động ngoài trời. Nếu so với việc đào tạo học sinh hiện nay, có thể nói chế độ đào tạo tại Trường thiếu nhi Lư Sơn – Quế Lâm đã đạt đến trình độ rèn người.

Cả trường đều hành động theo đúng một số điều lệnh của quân đội như sáng dậy đúng giờ, khi kẻng báo thức là bật dậy; học sinh tham gia thể dục đầy đủ không vắng một em; đi ăn cơm thì xếp hàng trật tự, ngoài các môn học văn hóa thì học sinh được dạy hàng loạt kỹ năng sống, học đàn violon, guita, măng đô lin, accadion, học thể thao, bóng đá, bóng bàn…các em học sinh nữ đều học thêm các môn may, thêu, ren…

15-12-41_3_trung_t_ccb_le_duy_ung
Cựu chiến binh Lê Duy Ứng luôn nhớ về những hoài niệm đẹp của tuổi thơ ở Quế Lâm.

Dù thời tiết khắc nghiệt, nhưng do được chăm sóc kỹ và sớm rèn luyện với nắng gió nên các em học sinh đều khỏe mạnh. Khẩu phần ăn hàng ngày của các em được các thầy giáo Trung Quốc lên thực đơn: Bữa sáng là cơm, phở, bánh đa, bánh mì, su hào, khoai tây, gà, súp…

Trường thiếu nhi Việt Nam Lư Sơn – Quế Lâm được thành lập ngày 9/7/1953 và đặt ở Lư Sơn sau chuyển về Quế Lâm, Trung Quốc. Điều đầu tiên mà phía Trung Quốc ngạc nhiên là khi họ thiết kế ghế sắt dài đặt trên sân trường thì bỗng dưng nhiều ống sắt làm chưa xong đã biến mất. Sau đó các thầy giáo phía Việt Nam cho biết, học sinh đã mang giấu để làm súng chơi trò chiến đấu ngoài giờ học. Ngay từ lúc còn nhỏ, nhưng ý thức về đất nước đã hiện lên trong tâm trí của các em khá mộc mạc.

(Kiến thức gia đình số 42)

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Bộ NN-PTNT đứng đầu về chỉ số cải cách công vụ

Với số điểm đạt 94,4%, Bộ NN-PTNT đứng đầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ về chỉ số cải cách chế độ công vụ trong bảng xếp hạng PAR Index 2023.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hậu Giang được phân bổ 200 tỷ đồng xử lý sạt lở bờ sông

Tỉnh Hậu Giang đang tập trung đẩy nhanh tiến độ hai dự án xử lý sạt lở đất, làm kè chống sạt lở bờ sông với tổng vốn đầu tư 200 tỷ đồng.