| Hotline: 0983.970.780

Trưởng thôn làm giàu từ rắn

Thứ Năm 13/03/2014 , 14:00 (GMT+7)

Không chỉ là trưởng thôn năng động, tâm huyết, anh còn là người dám nghĩ dám làm, mạnh dạn ứng dụng KHKT vào chăn nuôi rắn.

Nhiều năm nay người dân thôn Vạn Tuế, xã Tân Việt, huyện Thanh Hà (Hải Dương) đều biết đến mô hình nuôi rắn hổ mang cho hiệu quả kinh tế cao của trưởng thôn Nguyễn Đắc Hồng.

Bên cốc nước trà xanh, anh Hồng tâm sự: Cuối năm 2009, anh tình cờ được một người bạn ở tỉnh Hà Nam giới thiệu mô hình nuôi rắn thương phẩm. Không ngần ngại, năm 2010, anh đã mạnh dạn đầu tư 70 triệu đồng mua 65 con rắn giống về nuôi. Do chưa có kinh nghiệm nên lứa đầu tiên chỉ thu được khoảng 30 triệu đồng tiền vốn.

Với suy nghĩ "thất bại là mẹ của thành công", anh đã chủ động tìm tòi học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước, học trên sách vở và tự tìm đến tham quan, học hỏi một số mô hình nuôi rắn tại huyện Duy Tiên (Hà Nam).

Được sự giúp đỡ của bạn bè và nguồn vốn của Hội Nông dân xã, năm 2011 anh đã quyết định đầu tư 150 triệu đồng để xây dựng lại chuồng trại với thiết kế khoa học, vừa đảm bảo ấm về mùa đông, mát mẻ về mùa hè.

Ông Nguyễn Quang Mật, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Việt cho biết, anh Hồng không chỉ là người dám nghĩ dám làm, mạnh dạn ứng dụng KHKT vào chăn nuôi rắn mà còn là trưởng thôn năng động, tâm huyết, hết lòng vì công việc chung. Từ mô hình nuôi rắn của anh Hồng, chúng tôi sẽ vận động hội viên đến tham quan học tập kinh nghiệm để từng bước nhân rộng.

Bể xây hình hộp có kích cỡ dài 1,7m; rộng 1m; sâu 0,8m trên mái lợp phi-bờ-rô-xi-măng kín về phía Bắc thoáng về phía Nam, cửa chuồng được bố trí ở giữa làm bằng lưới sắt chống gỉ để tăng độ bền, bảo vệ rắn và phòng chống vật nuôi bò ra ngoài. Trong bể anh xếp gạch để làm nơi cho rắn trú ngụ.

Từ chỗ nuôi đơn lẻ, anh Hồng đã chuyển sang nuôi bầy đàn. Hiện nay anh có 13 bể hộp nuôi với tổng số gần 300 con tập trung vào hai loại rắn hổ mang. Rắn hổ mang đen có nguồn gốc từ tỉnh Sơn La, nuôi có thể đạt từ 4 - 4,5 kg. Rắn hổ mang trắng có nguồn gốc tự nhiên, nuôi đạt từ 1,8 - 2 kg.

Cả hai loại đều ăn tạp, dễ nuôi, kháng bệnh tốt. Thức ăn của rắn nhiều loại, dễ kiếm như cóc, nhái, gà con, vịt con. Cứ 3 ngày mới phải cho ăn 1 lần; mỗi bữa ăn 2 - 3 lạng cóc và tùy từng loại, từng độ tuổi mà cho ăn khẩu phần khác nhau và chỉ phải cho ăn từ tháng 3 đến tháng 10 (ÂL), thời gian còn lại là rắn ngủ đông.

Chính vì thế không tốn nhiều thức ăn, không mất nhiều công chăm sóc mà hiệu quả kinh tế cao. Mỗi năm rắn chỉ đẻ một lần mỗi lần, được từ 15 - 20 quả trứng. Sau 2 năm, rắn có thể đạt trọng lượng từ 1,7 - 2kg một con và có thể xuất bán.

Tuy rắn hổ mang dễ nuôi nhưng việc phòng bệnh cho rắn cũng rất cần thiết, trung bình 1 tháng anh cho rắn phải uống thuốc phòng bệnh tiêu chảy một lần. Rắn là đặc sản được thị trường ưa chuộng, nên số lượng anh xuất hàng đến đâu hết đến đó. Ngoài bán cho thương lái, anh còn cung cấp cho các nhà hàng lớn.

Trong dịp Tết Giáp Ngọ 2014, anh Hồng xuất bán ra thị trường gần 300 kg rắn thương phẩm, với giá từ 750.000 - 1 triệu đ/kg. Trừ chi phí thu lãi từ 170 - 200 triệu đồng. Ngoài nuôi rắn thương phẩm để bán ra thị trường anh còn bán cả trứng rắn làm giống với giá 80.000 - 100.000/quả.

Với hiệu quả mang lại cao, hiện anh Hồng cho xây thêm 4 bể hộp mỗi bể nuôi được khoảng 25 con. Bên cạnh đó, anh đang mở mô hình nhân giống thí điểm lấy con giống để nuôi tiếp cho lứa sau, nhằm giảm chi phí đầu tư ban đầu. Cũng từ hiệu quả của mô hình này, nhiều nông dân trong tỉnh và một số tỉnh như Thái Bình, Hưng Yên, Quảng Ninh đến tham quan, học tập và nhờ anh truyền kinh nghiệm nuôi rắn.

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm