| Hotline: 0983.970.780

Trưởng thôn ư? Xin kiếu!

Thứ Năm 30/05/2013 , 10:40 (GMT+7)

Nghe chỗ này chỗ nọ người ta đánh nhau để giành chức trưởng thôn nhưng với những làng quê vùng trũng, chức trưởng thôn đúng nghĩa là đầu binh cuối cán, có ép lắm thì may ra mới có người chịu ngồi vào. Đỉnh điểm là chuyện hai ông trưởng thôn ở xã Bồ Đề (Bình Lục, Hà Nam) tự dưng rủ nhau bỏ việc giữa nhiệm kỳ.

Nghe chỗ này chỗ nọ người ta đánh nhau để giành chức trưởng thôn nhưng với những làng quê vùng trũng, chức trưởng thôn đúng nghĩa là đầu binh cuối cán, có ép lắm thì may ra mới có người chịu ngồi vào. Đỉnh điểm là chuyện hai ông trưởng thôn ở xã Bồ Đề (Bình Lục, Hà Nam) tự dưng rủ nhau bỏ việc giữa nhiệm kỳ.

>> Kiệt quệ lắm rồi
>> Những phép tính khốn khó
>> Bi kịch không được nghèo
>> Chuyện học ở làng và cuộc xâm lăng của sư tử đá
>> Bẫy thu nhập đủ no
>> Những đứa trẻ mẫu giáo... già
>> Vỡ làng...
>> Mối lo làng quê

Quyết tâm trốn

Cuối năm ngoái, trưởng thôn 10 tên là Trần Hữu Tiếp, trưởng thôn 11 tên là Trần Văn Thành đều đang giữa nhiệm kỳ nhưng vẫn quyết tâm gặp lãnh đạo xã Bồ Đề để xin được từ chức. Một sự kiện hy hữu bởi từ xưa đến nay ở vùng quê này chưa xảy ra bao giờ. Nài nỉ có, thuyết phục có nhưng họ quyết tâm, bất kể thế nào hai ông cũng không chịu đổi ý.

Đã có lúc, UBND xã Bồ Đề định làm căng, không cho nghỉ. Nhưng cả hai ông nhất quyết mà rằng: Không cho nghỉ thì chúng tôi bỏ. Ông Thành làm trưởng thôn gần 20 năm, ông Tiếp mới sang nhiệm kỳ thứ 2. Không thể nói rằng họ thiếu trách nhiệm, tâm huyết với xóm làng. Vậy thì cớ làm sao? Cả hai đều bảo rằng làm trưởng thôn chẳng khác nào cái bồ đựng chửi. Dân chửi, vợ con chửi, thỉnh thoảng cấp trên cũng chửi.

Đau đầu ở chỗ, thời điểm hai ông trưởng thôn 10 và 11 xin nghỉ đúng vào dịp triển khai dồn điền đổi thửa, làm đường giao thông nông thôn, làm thủy lợi nội đồng… Toàn những phong trào lớn của thôn cả. Trước hoàn cảnh dầu sôi lửa bỏng, lãnh đạo xã Bồ Đề cấp tốc tìm người thay thế, nhưng tìm mãi mà chẳng có ai đứng ra nhận làm. Thôn 10 có 131 hộ, 420 nhân khẩu, thôn 11 có 152 hộ, gần 500 nhân khẩu, vậy mà tìm mỗi thôn một người đứng ra lãnh đạo cũng không được. Cuối cùng UBND xã Bồ Đề đành phải chống cháy bằng cách vận động hai ông Bí thư chi bộ kiêm nhiệm luôn chức trưởng thôn.

Bởi thế mà bây giờ ông Trần Đình Bảy vừa là Bí thư chi bộ, vừa là trưởng thôn 10 bây giờ. Ông Bảy là cựu chiến binh. Chuyện hai vị “lãnh đạo” thôn 10 và 11 bỏ việc giữa chừng thì ông nắm rõ căn cơ hơn ai hết. Ông Bảy phân tích thế này: “Nói thật với anh, từ lâu rồi, công tác trưởng thôn ở những vùng quê thế này người ta không mặn mà nữa. Làm cái anh trưởng thôn chẳng có gì ràng buộc cả. Hai ông kia bỏ việc, xã trực tiếp xuống vận động tìm người thay thế nhưng hễ cứ nghe đến chuyện làm trưởng thôn là người ta trốn cả. Lý do thì thực tế. Người ta tính toán, công tác thôn xóm gò bó, đồng phụ cấp không đáng bao nhiêu. Một tháng làm trưởng thôn, chưa trừ chi phí cũng chỉ được năm sáu trăm ngàn. Bằng người ta đi làm công ba bốn bữa thôi mà”.


Trưởng thôn Bảy

Phụ cấp thấp, đó là một lý do, nhưng nếu là vì phụ cấp thấp chắc không đến mức chức trưởng thôn bị ghẻ lạnh. Bởi cũng từ những đồng phụ cấp, thậm chí còn thấp hơn nhiều thì ông Thành vẫn làm tới 20 năm, ông Tiếp làm hơn một nhiệm kỳ cơ mà. Trưởng thôn luôn được xem là cánh tay nối dài của xã, trăm công nghìn việc, việc nào cũng đến tay. Từ chỉ đạo sản xuất, ma chay hiếu hỉ, cho đến những công việc mà phần lớn những người kinh qua vị trí này ngán nhất là đi vận động người dân đóng khoản này khoản nọ.

Chuyện vận động dân đóng góp ở quê quả là cực hình. Ông Bảy bảo, dân mình đa số tốt thôi, chủ trương, chính sách đều đáp ứng hết. Chỉ mỗi tội nghèo. Mà mâu thuẫn, chống đối, chây ỳ cũng đều xuất phát từ nghèo mà ra cả.

Thôn 10 nằm trong số 6 thôn của khu Văn Ấp, vùng chiêm trũng đáy chảo của đồng bằng Bắc bộ. Dân nghèo lắm. Bình quân mỗi sào ruộng ở đây chỉ được có 1,8 tạ thóc. Đất màu không có, thu nhập chính của người dân là nghề hàng xay hàng xáo, bỏ làng đi lao động tự do. Theo kế hoạch giảm nghèo, năm ngoái thôn 10 còn 21 hộ, năm nay chỉ còn 14 mà thôi. Xã Bồ Đề giảm nghèo theo cái cách mà ông Bảy thấy rất lạ. “Tính thu nhập để giảm xác định hộ nghèo mà xã chỉ tính phần thu vào chứ chẳng tính đến các khoản đầu tư. Tính cân thóc, con lợn bán ra mà không tính tiền đầu vào thì mới có tiền dôi ra để thoát nghèo. Còn nếu hạch toán chi li thì dân không phải nghèo mà là quá nghèo luôn”.

Khảo sát đời sống, lắng nghe suy nghĩ, tâm tư, nguyện vọng của nhiều gia đình mới thấy nông dân vùng trũng vừa nghèo vừa lẻ loi, cô độc đến tội. Giá cả sản xuất cái gì cũng cao mà giá đầu ra lại thấp. Sơ sẩy là đói chứ chẳng đùa. Đã cơ cực lại phải chi phí nhiều, đóng góp đủ thứ. Kêu đâu cũng chẳng được, thôi thì cứ nhằm trưởng thôn mà chửi.

“Đóng góp gì thì phải đi vận động từng nhà. Chẳng mấy khi đi một lượt mà xong đâu. Toàn phải 2-3 lượt. Nhận thức người dân bây giờ cũng cao, làm đường nông thôn người ta biết là lợi, nhưng vì nghèo quá, bí quá mà người ta mượn cớ, lấy lý do chây ỳ, cãi cùn. Nhiều gia đình, trưởng thôn đến thu tiền đóng góp không có còn cãi cố: Tôi không đi đường nhà ông nữa là được chứ gì. Như đợt vừa rồi vận động bà con xã viên làm đường nội đồng. Mức đóng góp ngay là 200 ngàn/sào. Chậm thì phải tăng lên 239 ngàn/sào. Vậy mà nhiều nhà không có, cả thôn còn 40 hộ đang khất nợ chờ đến lúc thu hoạch lúa mới trả”, Bí thư Trần Đình Bảy trút bầu tâm sự.

Năm ngoái, thôn 10 có gia đình anh Đỗ Đại Ngọc ốm nặng. Gia cảnh khốn nghèo. Cấp ủy chính quyền vận động người dân giúp đỡ để anh có thể đi viện chữa trị. Các đoàn thể cả người dân gom góp mãi mà chỉ được có 450 ngàn đồng.

Đúng sai đều bị chửi

Cũng như ông Bảy, chức trưởng thôn 11 ông Bí thư chi bộ Trần Hữu Thọ cũng đang phải kiêm nhiệm. Một công việc mà bản thân ông lẫn gia đình chẳng mặn mà tý nào.


Nghèo khó quá mà người dân sinh ra cục cằn với trưởng thôn

Một mình làm cả hai vị trí chủ chốt của thôn 11 nhưng dường như ông Thọ đã nản lắm. Bất kể chuyện gì cũng bảo buồn. Đời sống. Buồn. Chi tiêu đóng góp. Buồn. Ông ví công việc mình đang làm hiện tại chẳng khác gì một tên đầu sai. Một đầu sai phục vụ toàn người già và trẻ nhỏ vì phần lớn lao động trong thôn đều bỏ làng. Không làm thuê làm mướn thì làm hàng xay hàng xáo. Vì thế mà việc ông làm người đứng đầu thôn 10 là một sự hi sinh rất đáng được ghi nhận.

Điều ông Thọ sợ nhất là suốt ngày nghe dân chửi. Đúng chửi, sai cũng cũng chửi. Nhất là đóng góp. Chủ trương của huyện, của xã, của thôn đống góp bất kể cái gì thì việc đầu tiên là nghe chửi. “Dân thì nghèo, đụng đến quyền lợi thì họ chửi. Chửi xong rồi đóng cũng được, nhưng vẫn cứ phải chửi cho hả dạ”.

Gia đình ông làm một mẫu ruộng. Lao động chính là bà vợ và đứa con dâu. Một năm trừ đi chi phí vừa hết sạch. Như vụ này, phân bón, thuốc, giống nhà trưởng thôn cũng còn đang nợ chứ không có nổi một đồng tiền mặt để trả cho người ta. Công việc của ông với thôn, với xã thì khỏi nói. Đợt này thôn 11 đang làm đường giao thông với đường nội đồng. Họp kín mít cả tuần. Nói rã cả họng ra mà dân vẫn không theo. Không phải vì họ chống đối gì đâu. Bởi thời điểm này trong dân chẳng có tiền để mà đóng góp.

Lý do mà người dân thôn 11 không ai chịu nhận chức trưởng thôn sau khi ông Trần Văn Thành nghỉ cũng là vì kinh tế. Làm trưởng thôn có nghĩa là gia đình mất đi một lao động. Mỗi tháng được hưởng phụ cấp hơn 6 trăm ngàn, tương đương 4 ngày làm công. Xăng xe tự lo, họp hành lại triền miên, thành ra số tiền phụ cấp không đủ, nhiều khi còn phải bù lỗ. Một khoản “thu nhập” nữa của trưởng thôn là một năm tham dự vài ba hội nghị tổng kết, mỗi hội nghị có cái phong bì thường là 20-30 ngàn. Hết. Ông Thọ nói thẳng ra là Nhà nước chưa quan tâm đến những người làm vị trí như ông hiện nay. “Tốn công, tốn nước bọt, chẳng được cái gì cả, chỉ mất thời gian thôi. Tại sao phong trào ở quê bây giờ hầu như chẳng có gì. Bởi vì chẳng ai mặn mà cả. Lo ăn còn trẩy mồ hôi nữa là phong trào này nọ”.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Bộ NN-PTNT đứng đầu về chỉ số cải cách công vụ

Với số điểm đạt 94,4%, Bộ NN-PTNT đứng đầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ về chỉ số cải cách chế độ công vụ trong bảng xếp hạng PAR Index 2023.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hậu Giang được phân bổ 200 tỷ đồng xử lý sạt lở bờ sông

Tỉnh Hậu Giang đang tập trung đẩy nhanh tiến độ hai dự án xử lý sạt lở đất, làm kè chống sạt lở bờ sông với tổng vốn đầu tư 200 tỷ đồng.