| Hotline: 0983.970.780

Truy nã trùm lừa đảo xuất khẩu lao động

Thứ Hai 19/11/2012 , 11:02 (GMT+7)

Cơ quan CSĐT Công an TP.Hồ Chí Minh vừa ra quyết định truy nã Nguyễn Thị Nhàng (SN 1948, ngụ xã Phước Thái, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) can tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Cơ quan CSĐT Công an TP.Hồ Chí Minh vừa ra quyết định truy nã Nguyễn Thị Nhàng (ảnh, SN 1948, ngụ xã Phước Thái, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) can tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Hành nghề cò môi giới xuất khẩu lao động, hàng ngày Nhàng thường lui tới những công ty chuyên đưa người đi xuất khẩu lao động để mồi chài những người nhẹ dạ. Sau khi moi được tiền, Nhàng bỏ trốn khiến hàng chục gia đình lao động nghèo ở Củ Chi, Tây Ninh, Long An... lâm cảnh khốn cùng.

Năm 2006, phong trào xuất khẩu lao động phát triển mạnh ở huyện Củ Chi. Nhiều gia đình có con em đi xuất khẩu lao động bỗng dưng đổi đời, xây được nhà cửa khang trang, có vốn kinh doanh. Thấy vậy anh Nguyễn Thành Long (ngụ xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi) cũng tìm đến Công ty S.L.C (trụ sở đóng tại Q5, chuyên đưa người đi xuất khẩu lao động) để tìm hiểu thông tin. Tại đây, anh Long tình cờ gặp Nhàng ở ngoài cổng công ty. Qua trao đổi, Nhàng cho biết thủ tục đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc rất nhanh, chi phí thấp. Nghe anh Long tâm sự về gia cảnh khó khăn, Nhàng tỏ ra cảm thông nhận làm con nuôi, ưu ái cho đóng trước 8.500USD, số tiền còn lại 3.500USD Nhàng hứa sẽ cho mượn. Cảm động, anh Long hồ hởi vay mượn gom đủ 8.500USD đưa mẹ nuôi. Vài ngày sau, Nhàng gọi điện thông báo cho anh Long biết mọi thủ tục đã hoàn tất, chuẩn bị hành lý lên đường. Anh Long hoan hỉ làm cơm mời họ hàng đến chia vui rồi theo Nhàng ra Hà Nội học tiếng. Thế nhưng tại đây bà mẹ nuôi đã bỏ rơi Long rồi lặn mất tăm.

Cùng cảnh ngộ với anh Long là trường hợp anh Nguyễn Hoàng Nam (ngụ xã Phước Thạnh). Qua người quen giới thiệu, anh Nam nhờ Nhàng lo thủ tục đi xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc, chi phí trọn gói là 12.000USD. Vì anh Nam là chỗ người quen giới thiệu nên Nhàng mở “ân huệ”, giảm 500USD. Sau khi trao đủ tiền và lo mọi thủ tục, anh Nam được Nhàng đưa ra Hà Nội học tiếng và học nghề. Nhưng hơn một năm trời hết ở Hà Nội lại xuống Hải Phòng, anh Nam khốn đốn vì chi phí ăn ở đi lại tốn kém mà chẳng thấy Nhàng đả động gì đến chuyện xuất cảnh. Tìm gặp thì bà ta lảng tránh nên anh đành ngậm ngùi quay về TPHCM.

Từng lo cho cậu con trai lớn đi xuất khẩu lao động thành công, bà Lê Thị Phệt (ngụ xã Phước Thạnh) coi Nhàng như là ân nhân. Nhàng rỉ tai kêu bà Phệt tìm những người thân quen có nhu cầu đi hợp tác lao động để giới thiệu, hứa sẽ “lại quả” hậu hĩnh. Tin lời, bà Phệt và người quen nhiệt tình đi tìm và hậu quả là bà Phệt chẳng nhận được đồng tiền công nào mà còn mất trắng 14.000USD là số tiền bà Phệt nhờ Nhàng lo cho cậu con trai đi xuất khẩu lao động. Số tiền này bà Phệt phải đi vay với lãi suất cắt cổ là 15%/tháng. Bằng thủ đoạn tinh vi trên từ tháng 6-2006 đến tháng 5-2008, Nhàng đã ẵm gọn 330.500USD của hơn ba mươi nạn nhân rồi một đi không trở lại.

Nhiều người dân quanh năm chỉ biết đến ruộng vườn, tin vào những lời đường mật của Nhàng đã đi vay tiền với lãi suất cắt cổ. Khi Nhàng ôm tiền bỏ trốn, nhiều gia đình lâm cảnh sống dở chết dở. Quá tuyệt vọng, cùng quẫn, em Biện Văn Thủ (ngụ xã Trung Lập Thượng) đã lấy chai thuốc rầy uống để mong thoát khỏi cảnh nợ nần. Rất may được gia đình phát hiện đưa đi cấp cứu kịp thời nên giữ được mạng sống. Bị chủ nợ săn lùng gắt gao, gia đình anh Trần Văn Dũng ở Tây Ninh phải trốn ra nghĩa địa Trảng Bàng căng tấm bạt sống tạm bợ cùng những tấm mồ lạnh lẽo...

Lừa gạt tiền mồ hôi nước mắt của biết bao gia đình nghèo, đẩy họ rơi vào cảnh bần cùng là hành vi táng tận lương tâm, cần phải được nghiêm trị. Không để kẻ lưu manh thoát lưới, ai phát hiện Nhàng ở đâu bắt giữ ngay giao cho cơ quan công an nơi gần nhất, hoặc báo ngay về Đội 8 - Cơ quan CSĐT Công an TP.Hồ Chí Minh theo số ĐT: 083.8640548. Nhàng cần sớm ra trình diện để được hưởng khoan hồng của pháp luật; ai chứa chấp, bao che sẽ bị xử lý theo luật định.

Theo CATP

Xem thêm
Tạm giữ 300 chiếc xe đạp không rõ nguồn gốc

THÁI NGUYÊN 300 chiếc xe đạp vi phạm có tổng trị giá 300 triệu đồng, trên vỏ hộp và hàng hoá không có thông tin về nơi sản xuất, xuất xứ.

Bắt tạm giam 3 nguyên Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo ở Quảng Nam

Các bị can đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thỏa thuận và nhận hối lộ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong đấu thầu thiết bị giáo dục.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm