| Hotline: 0983.970.780

Truy tìm chất lạ làm tươi, "cứng" mực, cá

Thứ Hai 17/09/2012 , 09:36 (GMT+7)

Nào ai biết, có vài loại hóa chất rất lợi hại khi ướp vào mực, cá vừa giữ được màu sắc tươi nguyên, thậm chí “tẩy”con mực ươn từ đỏ sang trắng chỉ trong phút chốc. Nó không phải là hàn the, vậy đó là thứ gì?

Nào ai biết, có vài loại hóa chất rất lợi hại khi ướp vào mực, cá vừa giữ được màu sắc tươi nguyên, thậm chí “tẩy”con mực ươn từ đỏ sang trắng chỉ trong phút chốc. Nó không phải là hàn the, vậy đó là thứ gì?

Chúng tôi có mặt tại chợ Cảng Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận vào khoảng 9 giờ sáng khi ở đây có rất nhiều ghe tàu sau hành trình đi biển dài ngày (có khi cả tháng) tấp nập cập cảng để đưa các loại thủy sản vào bờ với đủ loại cá như cá thu, thu ảo, cá bốp, cá gáy, cá bò, có giá từ 100-120 ngàn/kg đến cá nục, cá bạc má, cá ngân, cá đổng... có giá từ 50 ngàn đồng trở xuống trông đều tươi roi rói, được đưa xuống bày la liệt trong nhiều dụng cụ khay, thùng phuy, két nhựa to để bắt đầu được các chủ đầu nậu hải sản phân loại xử lý trước khi đóng thùng giao đi khắp nơi trong và ngoài tỉnh.

Những thùng cá to được đắp lên trên bởi đá lạnh được xay như tuyết băng băng đưa vào trong các sạp, sau đó các xe đẩy cá nối đuôi nhau tấp nập vào chuẩn bị đưa ra xe đông lạnh vận chuyển đem đi tiêu thụ tại các chợ. Đặc biệt, trong khung cảnh nhộn nhịp đó, tuyệt nhiên không thấy có một sự kiểm tra nào của cơ quan chức năng kể từ lúc hàng thủy sản tươi sống "nhập" vào bờ.


Cá tươi sau hành trình dài ngày trên biển được tập kết vào bờ thường được ướp phân lạnh urê để giữ cá được tươi, cứng

Anh Trần Văn C, chủ ghe mang số hiệu BV 9967..., cho biết, ai nói các tàu đánh bắt xa bờ gồm lưới dút, lưới cảng (chủ yếu đánh cá thu), giã cào đi đánh bắt cả tháng mà không sử dụng thêm hóa chất “hột tròn tròn như bột bán nấu chè chuối” để giữ cá tươi, cứng không hư là nói xạo! Đứng bên cạnh anh C là ông Tư Rảnh, khi nghe hóa chất được anh bạn đồng nghiệp mô tả như “hột bột bán”, ông này buột miệng trách cứ: “Đó là phân lạnh urê chứ cái gì nữa mà úp mở, dân trong nghề ai mà chẳng biết!”.

Theo ông Tư Rảnh, lúc đánh bắt cá từ dưới biển lên thì đưa ngay vào trong các khay nhựa cứng 15 kg, sau đó phủ nhẹ lên một lớp urê, tiếp theo nữa là một lớp đá lạnh, rồi đưa xuống khoang (hầm) dưới ghe, rải đá lạnh thêm một lần nữa. Một ghe lớn bình quân 360 CV, một chuyến biển cần khoảng 300 cây đá (40 kg/cây) trị giá 4-5 triệu đồng, số tiền này không lớn nhưng hầu như ai cũng phải dùng thêm hóa chất vì nó vừa giữ cá tươi, vừa không làm trầy da cá do bị đá lạnh phủ lên trên.

Điều đáng nói là, theo điều tra riêng của chúng tôi, sau khi con cá về chợ thì đã có không ít đầu nậu cũng xử lý hóa chất lần nữa, tức hóa chất chồng hóa chất.

Chị Ph, một đầu nậu ở phường Bình Hưng tiết lộ, sau khi đưa cá lên bờ, bản thân con cá đã tươi, cứng nhưng do chuyển tiếp qua nhiều thương lái bán sỉ và lẻ ở các chợ, phải “neo” thêm ít ngày nữa mới đến tay người tiêu dùng nên phải xử lý hóa chất để giữ cho con cá tươi “xanh”, màu sắc đẹp.

Chị Ph, thành thật giới thiệu cho tôi đó là thứ bột màu trắng, không màu, không mùi, mua ở chợ Kim Biên (quận 5, TP.HCM), tên tiếng Anh là “Super Fresh”, được đóng trong bao nylon định lượng 1 kg, chỉ ghi nhà NK là Công ty Tân Huỳnh Mai (quận Bình Tân, TP.HCM), còn tên tiếng Việt, cách thức sử dụng, hạn sử dụng như thế nào không thấy nói.

 “Trước đây, tôi sử dụng loại Phosphat Mix đựng trong hộp nhựa 1 kg nhập khẩu từ Thái Lan nhưng giá cao quá đến 120 ngàn, sau này biết loại này giá có 70 ngàn/kg thấy ướp cá cũng tươi, cứng. Thậm chí, còn tẩy trắng được mực ôi màu đỏ. Người bán nói là không hề độc hại nên tôi mới dùng, chứ nếu hám lợi thì tôi đã dùng hàn the (còn gọi là Borat) giá có 20 ngàn/kg nhưng cũng đều hiệu quả như nhau cả thôi!” - chị Ph nói.

Tại phường Mũi Né, TP Phan Thiết, là nơi có sản lượng mực đáng kể, hàng năm sản lượng đánh bắt vào khoảng 2.000 tấn bao gồm mực phủ, mực nang, mực ống, mực lá. Trong đó, đứng đầu là mực ống và mực phủ (còn gọi là mực dái). Chị Th, một đầu nậu chuyên mua bán mực ở KP 3, phường Mũi Né cho hay, ở đây người ta khai thác đánh bắt mực theo 2 cách, cách thứ nhất là câu tay, câu bủa, hoặc giã cào, một lần đi biển khoảng 50 hải lý trở lại thì mất tuần lễ, một người trúng ít nhất trên 1 tạ mực; thứ hai là đánh mành chụp (chong đèn), đi tàu từ 300 CV trở lên, những năm thập niên 90, 1 tàu có thể đánh bắt được 1 tấn mực trở lên, sau này thất thu chỉ có vài tạ.


Chất “Fresh Super” (tạm dịch làm tươi sống trên cả tuyệt vời) đóng trong bao nylon không ghi tiếng Việt, không hạn sử dụng... đang được sử dụng trong việc ướp cá

“Tôi khẳng định, hiện có nhiều đầu nậu hải sản sử dụng hóa chất màu trắng được đựng trong can nhựa 30 lít nhằm xử lý con cá, con mực ươn (thối) thân ngả màu đỏ. Khi nhúng vào, lập tức con cá, mực ngả màu trắng trở thành tươi rói. Đặc biệt, con cá cơm chỉ bằng mút đũa lúc ghe tàu chuyển vào bờ đưa vào các lò hấp, do số lượng quá nhiều nên rất dễ bị ươn. Vì vậy hầu hết các chủ lò hấp nấu nước sôi pha với hóa chất, sau đó nhúng cá vào cho chín, rồi sắp vào vỉ đem hấp, sau đó phơi khô, lặt đầu, đóng thùng xốp chuyển đi tiêu thụ...” (ông Lê Tạo, Hội Người cao tuổi, phường Mũi Né, TP Phan Thiết).

Mỗi ngày, tàu ở các nơi tập trung về biển Mũi Né để tiêu thụ khoảng 5 tấn mực tươi, trong đó mực dái có giá bán rất thấp chỉ có 35-40 ngàn đồng/kg so với 3 loại mực khác có giá rất cao từ 100-150 ngàn/kg, nên người ta thường lấy loại mực dái phơi khô 2 ngày, sau đó đem bán cho khách du lịch với giá cao từ 400 ngàn/kg trở lên (cứ 4 kg mực tươi phơi thành 1 kg mực khô). Nhưng đặc điểm loại mực dái là khi phơi khô thì sới mực dày nên ăn rất dai, không ngọt, có khi nhầm tưởng đó là loại “mực cao su”.

“Nói cho công bằng, không như con cá ướp urê, con mực tươi ở trên ghe không bao giờ tẩm hóa chất, nhưng khi vào bờ bán cho các đầu nậu, từ đầu nậu bán lại cho các cơ sở chế biến để xẻ, tách bỏ túi ruột thì họ có sử dụng hóa chất tẩy trắng da mực rồi phơi khô, còn hóa chất gì thì tui không biết” - chị Th nói.

Hiện nay, mực ống, mực dái là đối tượng xử lý hóa chất nhiều nhất do đặc điểm đánh bắt bằng giã cào (cào sát mặt đất) nên mực không chỉ “bầm dập” bởi dính cát bùn dưới đáy đại dương, mà còn có trường hợp chuyển màu đỏ do để lâu ngày trên ghe tàu. “Người ta đổ mực trong cái bồn dung tích khoảng 200 lít, sau đó pha 1 xị hóa chất 250 cc rồi quậy đều. Chừng 5 phút sau, mực trở thành tươi mới như vừa đánh bắt từ biển về. Riêng mực nang, mực lá do sản lượng đánh bắt ít nên người ta ít xử lý hóa chất hơn”, chị Th tiết lộ.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chìm tàu kéo sà lan, 3 người chết, 2 người mất tích

Quảng Ngãi Tàu kéo theo sà lan bất ngờ bị chìm trên vùng biển gần đảo Lý Sơn. Lực lượng chức năng đã vớt được 3 thi thể, 2 thuyền viên còn lại đang mất tích.