| Hotline: 0983.970.780

Truy tìm sự thật tiêu chết ở Bình Phước

Thứ Hai 09/01/2017 , 09:29 (GMT+7)

Cuối năm 2016, ở các huyện Bù Đốp, Lộc Ninh, Bù Gia Mập của tỉnh Bình Phước rộ lên thông tin hồ tiêu chết hàng loạt lên đến hàng trăm hecta khiến nông dân lo lắng hoang mang, chính quyền địa phương vào cuộc.

Nông dân hoang mang

Chúng tôi tìm đến hộ bà Trịnh Thị Phiên ở xã Đắc Ơ, huyện Bù Gia Mập, có vườn tiêu 1.500 nọc nhưng đã chết khoảng 40%. Bà Phiên cho biết, ban đầu là tiêu vàng lá, sau đó mấy ngày là cây chết khô tưởng chừng có thể đem đốt đi còn được.

08-49-53_h1
Vườn tiêu đang cho sản phẩm ở xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp có hiện tượng bị thối rễ
 

“Nay không thể chữa nổi vì đã làm hết cách, mấy nhân viên tiếp thị của các công ty thuốc đến hướng dẫn đủ cách điều trị nhưng vẫn không có kết quả. Dự tính ra Tết thu hoạch năng suất khoảng 3 tấn/ha, nhưng sản lượng thu hoạch trên diện tích còn lại cũng rất khó bù đắp được số tiền mà tui đã đầu tư mấy năm qua”, bà Phiên buồn rầu nói.

Đến vườn tiêu của ông Hà Văn Quyết, chứng kiến 1.000 nọc tiêu gần như vàng lá toàn bộ trước nguy cơ đem đốt bỏ.

Theo lời kể, ông Quyết có sử dụng thuốc của 2 Cty H.T và Đ.T và làm đúng theo hướng dẫn trên bao bì, nhưng tình hình vẫn không mấy khả quan. Ông cho biết, gia đình trồng hơn 1.500 nọc tiêu đang cho sản phẩm, nhưng với lượng tiêu chết thế này là quá lớn, bản thân lại không còn cách nào cứu vãn.

Tương tự, hộ ông Nguyễn Văn Công ở xã Lộc Thuận, huyện Lộc Ninh trồng 2.000 nọc tiêu, trong đó có 400 nọc tuy lá bên trên trông vẫn còn xanh nhưng cây “lăn” quay ra chết rải rác, nhổ rễ lên thấy thối đen khiến ông mất ăn mất ngủ vì lo sợ lây lan sang vườn tiêu khỏe.

“Lần đầu tiên tôi mới thấy tiêu chết nhiều đến thế. Mặc dù tìm đủ mọi cách để cứu nhưng vẫn không hiệu quả”, ông Công nói.

Còn vườn tiêu của bà Lý Thị Tâm ở xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp, sau khi thấy chết hàng loạt, bà kiểm tra kỹ thấy dưới gốc rễ có hiện tượng bị thối đen. “Nhà tui có hơn 2.000 nọc nhưng đã chết gần phân nửa. Mặc dù đã xịt thuốc phòng ngừa bệnh chết nhanh chết chậm nhiều lần nhưng không ăn thua”, bà Tâm than thở.

Do thời điểm tiêu chết xảy ra vào cuối năm 2016, trong khi sau Tết Nguyên đán 2017 là bước vào thu hoạch sản phẩm nên người dân thật sự lo lắng, bởi giá tiêu tuy có giảm nhưng hiện vẫn còn đứng mức khá cao 150 - 160 ngàn đồng/kg. Bên cạnh đó, đài báo địa phương lại liên tục “dội bom” thông tin khiến người dân nhìn đâu “cũng thấy tiêu chết”.

08-49-53_h1_1
Vườn tiêu bị vàng lá do bệnh chết nhanh chết chậm gây ra
 

Chẳng hạn ngày 7/12 trên tờ báo địa phương trong vấn đề “Phân giả vì sao tồn tại?” đã không ngần ngại làm thay cơ quan cơ quan chuyên môn có thẩm quyền, chỉ đích danh luôn thủ phạm: “Cụ thể là hàng trăm hộ trồng tiêu ở huyện Bù Đốp mua phải phân bón Ong Biển kém chất lượng nên hàng trăm hecta tiêu đang cho thu hoạch bị chết dần” (trích nguyên văn), khiến không chỉ nông dân hoang mang mà ngay cả nhà sản xuất phân bón cũng khốn đốn vì “tai họa” bỗng dưng từ trên trời rơi xuống.
 

Nhưng có đáng lo?

Ngày 6/1, chúng tôi về huyện Bù Đốp để tìm hiểu. Ông Huỳnh Thanh Vũ, Trưởng phòng NN-PTNT cho biết, đúng là thời gian qua có tình trạng tiêu chết xảy ra trên địa bàn các xã Tân Tiến, Thanh Hòa, Tân Hưng, Thiện Hưng, có hộ trồng chết cả 1.000 nọc, tức khoảng 1ha. Sau khi cán bộ kỹ thuật đi một số vườn xem xét, xác định là do bệnh chết nhanh chết chậm.

08-49-53_h2
Đoàn kiểm tra liên ngành 389 huyện Lộc Ninh kiểm tra lấy mẫu phân bón Ong Biển trên thị trường sau khi có thông tin làm tiêu chết
 

“Nguyên nhân chính là từ áp lực của hạn hán kéo dài từ tháng 11/2015 đến tháng 6/2016, mà huyện Bù Đốp là một trong những địa phương chịu hạn ác liệt nhất của tỉnh, dẫn đến lượng nước tưới không đảm bảo làm cây tiêu suy yếu. Mặt khác, thời điểm làm bầu cho tiêu thì lượng nước đầu vụ thiếu hụt, cuối vụ mưa lại dồn dập làm tăng cao độ ẩm gây nên hiệu ứng tiêu chết. Vì vậy, cho rằng phân bón gây ra là không đủ cơ sở pháp lý và khoa học”, ông Vũ khẳng định.

Vẫn theo ông Vũ, thống kê diện tích tiêu chết đến nay là 40ha trên tổng số 4.300ha hồ tiêu toàn huyện (trong đó năm 2016 tăng 430ha), tức chiếm tỉ lệ 0,9% là không đáng kể.

Còn tại huyện Lộc Ninh, nơi có diện tích tiêu đứng đầu tỉnh là 4.500ha, nhưng theo thống kê tháng 12/2016 của phòng NN-PTNT chỉ có 20ha tiêu chết rải rác ở các xã Lộc Thiện, Lộc Khánh, Lộc Thái, Lộc An, Lộc Thuận... Trong đó 15ha tiêu cho sản phẩm, còn lại là tiêu non, chiếm tỷ lệ 0,4%.

Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó phòng NN-PTNT huyện giải thích, hai năm gần đây giá tiêu tăng quá nhanh nên người dân ồ ạt mua giống, riêng năm 2016 toàn huyện xuống giống thêm 400ha, trong khi lượng cây giống sản xuất ra tại chỗ không đủ cung ứng, người dân phải mua giống trôi nổi kém chất lượng bên ngoài, trong đó dây tiêu non năm thứ 1 - 2 về nhân giống dễ bị nhiễm bệnh lây lan. Thứ nữa, quy trình tổ chức sản xuất của nông hộ có nơi không đảm bảo, bón phân xịt thuốc mất cân đối, cùng với điều kiện bất lợi của thời tiết năm qua cũng là nguyên nhân làm tiêu bị bệnh, đặc biệt bệnh chết nhanh chết chậm đang xảy ra khá phổ biến.

08-49-53_h2_1
Đoàn kiểm tra liên ngành 389 huyện Lộc Ninh kiểm tra lấy mẫu phân bón Ong Biển trên thị trường sau khi có thông tin làm tiêu chết
 

“Điều đáng nói, do tiêu có giá, nên khi xảy ra là người dân lo sợ đồn thổi, cứ đổ tại phân thuốc nhưng không có bằng chứng khoa học. Chúng tôi rất đau đầu về sự việc này. Vừa qua, Đoàn kiểm tra liên ngành 389 (chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả - PV) của huyện cũng đã tiến hành kiểm tra đại lý, lấy mẫu phân bón hữu cơ Ong Biển đưa đi phân tích xét nghiệm do có luồng thông tin bón phân này gây ra tiêu chết, nhưng đến ngày 3/1 đã cho kết quả là phân đạt chất lượng”, bà Hồng chia sẻ.

“Huyện Bù Đốp với diện tích SXNN trên 4.000ha, đây là thị trường hấp dẫn đối với các nhà sản xuất phân và thuốc, nên khi họ tổ chức hội thảo để đưa các sản phẩm tập trung vào đây bán cho nông dân thì đưa cả quy trình sử dụng, trong đó có những quy trình lại trái với qui định của Cục Trồng trọt và Cục BVTV”, ông Huỳnh Thanh Vũ cho hay.

Xem thêm
Nhiều mặt hàng nông sản ở ĐBSCL tăng giá

Giá bán nhiều nông sản đều tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái là nhờ thông qua sự liên kết với doanh nghiệp và các kênh tiêu thụ từ hệ thống siêu thị.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm