| Hotline: 0983.970.780

Truy trách nhiệm sai phạm ở Vinalines

Thứ Năm 23/08/2012 , 09:45 (GMT+7)

Phiên họp thứ 10 UBTV Quốc hội sáng qua (22/8) tiếp tục sôi nổi với phần chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh.

* 70% khiếu kiện liên quan đất đai

Phiên họp thứ 10 UBTV Quốc hội sáng qua (22/8) tiếp tục sôi nổi với phần chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh. Nhiều vụ việc tồn đọng, kéo dài gây bức xúc trong nhân dân, đặc biệt là những vụ liên quan đến đất đai; hoạt động thanh tra đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách tại các tập đoàn, tổng công ty (TĐ, TCT) nhà nước... được đem ra “mổ xẻ”.

“Thanh tra cứ thanh tra, bổ nhiệm cứ bổ nhiệm”

Ngay từ đầu phiên chất vấn, ĐB Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp của Quốc hội, đã làm “nóng” nghị trường bằng việc chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh về căn cứ pháp lý loại bỏ trách nhiệm của các bộ liên quan trong vụ sai phạm tại TCT Hàng hải Việt Nam (Vinalines) và trách nhiệm của cá nhân Tổng Thanh tra.

Ông Tranh cho biết, sau khi kết luận sai phạm của Chủ tịch và Ban giám đốc Vinalines, Thanh tra Chính phủ đã có kiến nghị liên quan đến ba bộ: Giao thông Vận tải, Nội vụ và Tài chính để Thủ tướng xem xét đánh giá khuyết điểm 3 cơ quan này. “Chúng tôi đã kiến nghị trách nhiệm của ba bộ, việc kiến nghị trách nhiệm của các cơ quan liên quan nhiều năm trước vẫn thực hiện như thế”, ông Tranh nói.

Không thỏa mãn với phần trả lời trên, ĐB Nga “truy” tiếp: Trách nhiệm để ông Dương Chí Dũng, nguyên Chủ tịch Vinalines chuyển công tác trong khi tranh tra, khi thay vì kiến nghị tạm dừng thì Thanh tra Chính phủ lại im lặng? Hơn nữa, hoạt động phối hợp của Thanh tra và CQĐT có vẻ lỏng lẻo khi để xảy ra quá nhiều sai phạm ở các Tập đoàn, TCty mà không được xử lý hình sự?

Trả lời câu hỏi này, ông Tranh cho rằng, Thanh tra Chính phủ đã làm theo quy định, trong lúc chuyển chưa phát hiện ông Dũng vi phạm, cơ quan điều động cũng không tham khảo ý kiến nên Thanh tra không thể cản trở việc điều động trong lúc cán bộ đó chưa có dấu hiệu vi phạm.

“Chia lửa” với ông Tranh, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho rằng, trách nhiệm của Chính phủ và các bộ ngành là chậm ban hành hoặc còn có sơ hở trong ban hành các văn bản để quản lý TĐ, TCT và trong công tác thanh tra kiểm tra giám sát.

Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ giải trình thêm trước Quốc hội về thực trạng phát hiện sự việc thanh tra có dấu hiệu tội phạm nhưng rất ít chuyển cơ quan điều tra: “Qua kết quả thanh tra, chúng tôi nhận thấy sự phối hợp giữa thanh tra và CQĐT khá chặt chẽ. Theo tôi, các sự việc vi phạm chuyển ít do đặc thù tội phạm tham nhũng khó phát hiện vì đối tượng có chức, quyền. Khi thực hiện hành vi phạm tội, họ có năng lực che giấu hành vi phạm tội rất cao, tinh vi nên để xác định cấu thành tội còn hạn chế”.

Sau khi nghe thêm ý kiến của Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ rằng nên rút kinh nghiệm, không nên cầu toàn là khi có kết luận thanh tra mới chuyển cho cơ quan điều tra, ĐB Nga thở dài: Như vậy "thanh tra cứ thanh tra, bổ nhiệm cứ bổ nhiệm, điều tra cứ điều tra và cuối cùng là ông Dũng trốn thoát".

Tiếp phần câu hỏi của ĐB Lê Thị Nga, ĐB Lê Như Tiến đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ giải thích về việc “có những vụ xử lý tham nhũng để đến hàng chục năm, cơ quan tố tụng chờ mãi mà không thấy có kết luận thanh tra để xử lý vụ việc. Vậy có hay không sự e ngại, áp lực nào đối với cơ quan thanh tra? Thanh tra có độc lập, khách quan không?”.

Minh chứng cho việc chậm trễ, ông Tranh nêu ví dụ, việc thanh tra Ngân hàng Phát triển phải kéo dài tới 1 năm, chậm so với kế hoạch là do việc phân tích các nội dung về nợ của ngân hàng này rất dài và khó. Ngân hàng Phát triển là ngân hàng chính sách, nên khó tách công nợ cho vay sản xuất kinh doanh với công nợ cho vay thực hiện chính sách của Chính phủ. Hiện nay, Thanh tra Chính phủ đang chờ ý kiến của Chính phủ về kết luận thanh tra rồi sẽ công bố chính thức.

Về vấn đề này, ông Tranh cho biết, trước khi đưa ra kết luận còn phải tiến hành trao đổi ý kiến với các cơ quan chuyên ngành. Việc lấy ý kiến ở các cơ quan liên quan có một tiền lệ là chậm chạp, thời gian qua có khi xin ý kiến một cơ quan nhưng 2 tháng mà có câu chưa trả lời. Do vậy, Thanh tra kiến nghị Chính phủ phải nâng cao trách nhiệm bộ ngành trong việc tham gia kết luận thanh tra, làm rõ các vấn đề yêu cầu.

Có những vụ khiếu kiện kéo dài đến 20 năm!

Liên quan đến vấn đề khiếu kiện, đặc biệt là khiếu kiện kéo dài có xu hướng gia tăng, ĐB Phạm Văn Tấn (Nghệ An) chất vấn Tổng Thanh tra: “Khiếu nại tố cao tăng cao. Đề nghị ông cho biết nguyên nhân? Cuối năm 2011 vẫn còn 528 vụ khiếu nại kéo dài, chủ yếu liên quan đến đất đai. Vụ nào khiếu nại kéo dài nhất?”.

Ông Tranh giải thích: Khiếu nại tăng cao do giải quyết chưa đến nơi đến chốn, trong đó một phần do sự yếu kém, lơi lỏng của các cơ quan ở địa phương. Bên cạnh đó thời gian qua có nhiều dự án đầu tư buộc phải thu hồi đất, đây cũng chính là lý do khiến khiếu nại về đất đai tăng cao, chiếm 70% tổng số vụ khiếu nại.

“Có một vụ khiếu nại được gửi đi nhiều cơ quan và từ đó được tập hợp thành nhiều vụ. Đến nay có 300 vụ khiếu nại đang được cơ quan chức năng xem xét. Số vụ còn lại đang được chúng tôi tập hợp. Do số liệu tập hợp chưa đầy đủ nên tôi chưa thể trả lời được vụ khiếu nại nào kéo dài nhất nhưng có vụ kéo dài 20 năm đến nay vẫn còn khiếu nại. Chủ yếu các vụ khiếu nại này rơi vào lĩnh vực đất đai”, ông Tranh nói.

ĐB Nguyễn Thu Anh (Lâm Đồng) đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết vì sao khiếu nại tố cáo vượt cấp của người dân tăng cao và giải pháp của Thanh tra Chính phủ. Bên cạnh đó, ĐB Anh cũng hỏi thêm về những sửa đổi trong Luật Phòng, chống tham nhũng; vấn đề hơn 70% đơn của công dân khiếu nại về đất đai nhưng khi giải quyết thì gặp phải xung đột về Luật Hành chính, Luật Khiếu nại và Bộ luật Đất đai...

Ông Tranh trả lời: Yếu kém của giải quyết khiếu nại tố cáo là do trách nhiệm của các ngành các cấp chưa cao, tránh né, chậm trễ khiến người dân giảm lòng tin...; tâm lý người dân muốn khiếu nại lên cấp trên cho nhanh; kích động của kẻ xấu; tư vấn của một số tổ chức tư vấn, luật sư chưa chuẩn...

Từ những thực trạng đó, người đứng đầu ngành Thanh tra nêu ra hướng giải quyết: Thanh tra Chính phủ thành lập 25 tổ công tác để rà soát khiếu nại, tố cáo nhanh của dân, đặc biệt vụ việc kéo dài; đề nghị các cấp các ngành phải có trách nhiệm giải quyết khiếu nại cho người dân đúng thẩm quyền cho đến nơi đến chốn; đề nghị cơ quan chức năng tăng cường tuyên truyền cho người dân Luật Khiếu nại, tố cáo để người dân hiểu được trình tự thực hiện.

Trả lời về câu hỏi có ngại va chạm trong quá trình thanh tra hay không, liệu có việc thanh tra chọn hệ số có tỷ lệ an toàn cao, Tổng Thanh tra Chính phủ khẳng định, trong quá trình thanh tra, thanh tra hoàn toàn tuân thủ theo các nội dung mà các quyết định thanh tra đưa ra, như khi thanh tra 1 đơn vị thì không thanh tra toàn diện mà thanh tra theo các vấn đề cụ thể và tập trung vào vấn đề đó.

Sau khi thanh tra trực tiếp, để tạo sự đồng thuận thì thanh tra còn lấy ý kiến trao đổi với các cơ quan chuyên ngành đó để có ý kiến trung thực, khách quan, đưa ra kết luận sau thanh tra.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Việt Nam hỗ trợ đưa nông nghiệp trở thành trụ cột kinh tế ở Venezuela

Bộ Nông nghiệp Venezuela đánh giá cao kết quả tốt vượt mong đợi về hợp tác nông nghiệp song phương, ngay cả trong điều kiện Venezuela vô cùng khó khăn.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Dông lốc liên tiếp ở Yên Bái làm 150 nhà dân bị sập đổ

Mưa lớn, kèm theo dông lốc, gió giật mạnh trong đêm 19, rạng ngày 20/4 làm 2 người bị thương và hơn 150 ngôi nhà ở tỉnh Yên Bái bị thiệt hại, sập đổ.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm