| Hotline: 0983.970.780

Truy xuất nguồn gốc vịt qua SMS

Thứ Ba 16/03/2010 , 10:23 (GMT+7)

Từ ngày hôm nay - 16/3/2010, lần đầu tiên người tiêu dùng (NTD) VN khi mua thịt vịt có thể nhắn tin gửi tới tổng đài để tìm hiểu nguồn gốc của sản phẩm...

Từ ngày hôm nay - 16/3/2010, lần đầu tiên người tiêu dùng (NTD) VN khi mua thịt vịt có thể nhắn tin gửi tới tổng đài để tìm hiểu nguồn gốc của sản phẩm thông qua hệ thống nhắn tin SMS. Đây là bước khởi đầu để ngành nông nghiệp cho ra đời chính sách “Quản lý vịt an toàn có xác nhận” trên quy mô toàn quốc…

Trao đổi với NNVN, Th.S Nguyễn Mai Oanh – PGĐ Cơ sở phía Nam Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp – Nông thôn cho biết, được sự tài trợ của Tổ chức Nông nghiệp – Lương thực của Liên Hiệp Quốc (FAO), Viện đã triển khai “Chương trình thí điểm xây dựng chuỗi cung ứng vịt an toàn có xác nhận” và đến nay đã có những sản phẩm đầu tiên để tung ra thị trường.

Cụ thể, từ tháng 1/2010, chương trình đã chọn 3 hộ nuôi vịt tại huyện Bến Lức (Long An) với quy mô đàn 3.000 con để xây dựng thí điểm. Toàn bộ con giống được 3 hộ nuôi lấy từ các lò ấp đạt tiêu chuẩn trên địa bàn Long An có chứng nhận của cơ quan thú y. Sau đó đàn vịt được chăn nuôi theo quy trình được xây dựng theo Bộ tiêu chuẩn VietGAP cho gia cầm và được tiêm phòng đầy đủ với sự giám sát chặt chẽ của cơ quan thú y.

Đeo thẻ Tag vào chân đàn vịt nuôi theo “Chương trình thí điểm xây dựng chuỗi cung ứng vịt an toàn có xác nhận” tại Bến Lức (Long An).

Trong quá trình chăn nuôi, từng con vịt đều được cấp giấy “chứng minh”, tức một tấm thẻ (Tag) bằng sắt hoặc nhựa có logo chương trình vịt xác nhận và mã số truy xuất nguồn gốc (đeo ở chân). Sau khoảng 65 – 70 ngày nuôi dưới sự giám sát nghiêm ngặt, vịt đủ tuổi được cho xuất chuồng và giết mổ tại nhà máy của Cty Huỳnh Gia – Huynh Đệ có dây chuyền giết mổ công nghiệp đạt tiêu chuẩn do Cục ATVSTP (Bộ Y tế) chứng nhận.

Sau khi ra lò, vịt sẽ được dán 2 tem chứng nhận kiểm dịch của Cty giết mổ đạt chuẩn và tem xác nhận của chương trình vịt an toàn, đồng thời cung ứng tới tay NTD qua hệ thống siêu thị và cửa hàng thực phẩm đạt chuẩn. Điều thú vị nhất là NTD khi mua bất cứ con vịt nào trong chuỗi cung ứng này đều có thể truy xuất nguồn gốc qua hệ thống tin nhắn SMS. Ông Đỗ Mạnh Hùng – Cán bộ dự án, Chuyên gia kinh tế Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp - Nông thôn cho biết, các hộ nuôi vịt tham gia chương trình đã ghi chép đầy đủ tất cả các hoạt động chăn nuôi.

Từ ngày 16/3/2010, lô sản phẩm vịt được nuôi theo “Chương trình thí điểm xây dựng chuỗi cung ứng vịt an toàn có xác nhận” sẽ được bán tại hệ thống siêu thị Co-op Mart và 3 đại lý Bác Trung (Kios 17 Nghĩa Phát, P.6, Q.Tân Bình), Hà Thị Hoa (số 9 phố chợ Tân Thành, Q.Tân Phú) và Mỹ Hồng (số 159 bến Xóm Củi, Q.8).

NTD khi mua sản phẩm vịt muốn truy xuất nguồn gốc có thể thực hiện theo các bước sau: Soạn tin nhắn GV_mã số thẻ đeo trên vịt (ví dụ mã số là 1234 ta nhắn: GV_1234) sau đó gửi đến số 0128.2222.682 để nắm tất cả những thông tin liên quan đến sản phẩm vịt mình đang sử dụng (cước phí tin nhắn là 300 đồng/tin).

Sau đó thông tin sẽ được tổng hợp đưa vào hệ thống tổng đài SMS và trên các thẻ Tag có các mã số (một dạng của mã vạch) giúp NTD dễ dàng truy xuất được nguồn gốc kiểm tra độ an toàn của sản phẩm. “Sau tin nhắn SMS, sắp tới, tất cả cơ sở dữ liệu liên quan đến quá trình chăn nuôi vịt từ khi ấp nở đến khi giết mổ, kinh doanh, NTD còn có thể truy xuất trên Internet” – ông Hùng nói.

Để tiến hành thực hiện mô hình này, các chuyên gia VN đã nghiên cứu và học hỏi từ các nước có nền kinh tế hộ phát triển trong khu vực như Đài Loan, Thái Lan. Ở những nước này, phần lớn nông dân đều có thói quen nhập lại tất cả những số liệu về phân, thuốc, thức ăn… sử dụng trong ngày vào máy vi tính (giống như nhật ký) để theo dõi và truy xuất nguồn gốc khi cần. Hình thức chăn nuôi bài bản này đã giúp sản phẩm chăn nuôi của họ không những bán tốt trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài thu ngoại tệ. Còn tại VN, bước đầu mô hình này sau khi được thử nghiệm trên 3.000 con vịt đã chứng tỏ nhiều ưu điểm như: số tiền nông dân phải đầu tư cho đàn vịt không tăng lên; giá bán vịt trên thị trường sẽ cao hơn vịt nuôi bình thường; đồng thời các nhà phân phối như siêu thị, cửa hàng bán lẻ dễ dàng ký hợp đồng bao tiêu và NTD tin tưởng vào sản phẩm mình lựa chọn.

Theo Th.S Nguyễn Mai Oanh, trước bối cảnh các sản phẩm chăn nuôi của nước ta rất khó truy xuất nguồn gốc do việc quản lý còn nhiều bất cập, trong khi dịch cúm gia cầm có thể bùng phát trở lại thì thành công của mô hình này rất có ý nghĩa. Vì thế sắp tới, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp – Nông thôn sẽ xúc tiến đề xuất chính sách “Quản lý vịt an toàn có xác nhận” để làm cơ sở từng bước áp dụng trên quy mô toàn quốc.

Xem thêm
Hơn 300 đại lý tham gia Hội nghị khách hàng Japfa Việt Nam

Ngày 28/3, Hội nghị khách hàng khu vực miền Bắc của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) được tổ chức tại Vĩnh Phúc với chủ đề 'Đồng kiến tạo giá trị'.

Đề xuất không xử phạt hành chính thuốc thú y chưa kịp công bố hợp quy

Bộ NN-PTNT đề xuất Chính phủ không xử phạt thuốc thú y đã được cấp chứng nhận lưu hành nhưng chưa thực hiện công bố hợp quy từ ngày 14/2/2024 đến ngày 31/5/2025.

Giá ớt giảm mạnh, nông dân không buồn thu hoạch

QUẢNG NGÃI Dù mới bước vào đầu vụ nhưng giá ớt giảm mạnh. Bên cạnh đó, một số diện tích sụt giảm năng suất khiến nông dân đứng trước nguy cơ thua lỗ, không buồn thu hoạch.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất