| Hotline: 0983.970.780

Truyền hình thực tế: Đâu là giới hạn?

Thứ Ba 23/12/2014 , 08:23 (GMT+7)

Thông thường, khi đã chạm đến giới hạn, sẽ có 2 phương án được đưa ra: một là dừng chương trình, hai là thay đổi để tiếp tục.

Trong khoảng thời gian 2010 đến 2012, sự bùng nổ của các chương trình truyền hình thực tế đã dẫn đến hiện tượng “mở tivi ra là có truyền hình thực tế” để xem.

Tuy nhiên, trong 2 năm 2013 và 2014, sự bão hòa các chương trình, cũng như chất lượng, kinh phí và công nghệ thực hiện không đảm bảo đã dẫn đến khán giả không còn mặn mà với các truyền hình thực tế, dù trước đó đã “làm mưa làm gió”.

Nhiều chương trình đã tự động ngừng sản xuất một cách lặng lẽ, nhưng cũng có nhiều chương trình “cố đấm ăn xôi” tiếp tục được sản xuất dù khán giả không còn hứng thú.

Vào những năm đầu mới về, “Thần tượng âm nhạc” đã khiến nhiều thí sinh đam mê ca hát phát sốt với cấu trúc thi mới mẻ, nhiều thí sinh cá tính, dàn giám khảo thân thiện và nói chuyện rất đời.

Thời điểm mới bắt đầu, dù “Thần tượng âm nhạc” được phát trên các kênh truyền hình địa phương, song nó vẫn thu hút lượng khán giả kỉ lục khi kéo theo mấy mùa tiếp theo thành công và được “lên đời” bằng cách chiếm sóng giờ vàng ở VTV.

Tương tự, “Giọng hát Việt” hay “Tìm kiếm tài năng”, “Cặp đôi hoàn hảo”, “Thử thách cùng bước nhảy”… đã thắng lớn ngay ở mùa đầu tiên bằng sự mới mẻ và nhiều thí sinh chất lượng.

Tuy nhiên, vào các mùa sau, những chương trình này ngày càng đuối dần, và không còn được bàn tán nhiều như những mùa đầu. Ví dụ như “Giọng hát Việt” mùa thứ 2 đã không thể lập lại kì tích, dù chương trình này có sẵn “đòn bẩy” từ sự thành công của mùa thứ 1.

Nhiều lí do có thể được đưa ra là, thí sinh không gây được nhiều ấn tượng, khán giả không còn thấy mới lạ nữa, các huấn luyện viên khá nhàm chán hay thậm chí, có nhiều chương trình khác để xem hơn.

“Cặp đôi hoàn hảo”, “Tìm kiếm tài năng”… cũng gặp phải những lí do tương tự đó khi không thể cho ra những thứ mới mẻ hơn, và vấp phải sự cạnh tranh với nhiều chương trình có nội dung tương tự như vậy được lên sóng cùng thời điểm.

Trên thực tế, có nhiều chương trình đã tự động rút lui và không có dấu hiệu gì cho việc sản xuất mùa thứ 2 như “Người giấu mặt” hay “Hợp ca tranh tài”. Có thể, nhà sản xuất tự tìm thấy giới hạn của những chương trình này khi kết thúc chương trình mà không mấy khả quan về doanh thu quảng cáo và khán giả.

Ở Mỹ, Anh hay các nước khác, những chương trình truyền hình thực tế vẫn “sống” tốt và chưa có dấu hiệu bị bão hòa, điều này trái ngược với tình hình ảm đạm ở Việt Nam.

Nguyên nhân sâu xa, đó là sự đầu tư đồng đều từ các khâu, ví dụ như “The Voice” ở Mỹ (phiên bản Việt mang tên: “Giọng hát Việt), chương trình này đã trải qua 5 mùa thi nhưng khán giả Mỹ vẫn chưa thấy chán. Chương trình này quy tụ được dàn huấn luyện viên có chuyên môn tốt, điều này thể hiện rõ qua dấu ấn mà các thí sinh họ đào tạo. Đó là cái bản sắc riêng mà chương trình này tạo dựng được.

Trong khi đó, chương trình này ở Việt Nam dấy lên nhiều tranh cãi về chuyên môn của các huấn luyện viên. Ngoài ra, công nghệ thu phát sóng, âm thanh, sân khấu của nước ngoài luôn tân tiến, mang lại nhiều hiệu ứng và tạo được sự mới mẻ cho khán giả.

Trong khi đó, các chương trình truyền hình thực tế của Việt Nam gặp phải khá nhiều rào cản về công nghệ, nên nhiều khi chỉ loay hoay trong một không gian hẹp như “Thần tượng âm nhạc” mùa thứ 3 - các đêm diễn đều diễn ra trong studio, hay như các đêm thi hát luôn gặp trục trặc về âm thanh là những ví dụ điển hình.

Thông thường, khi đã chạm đến giới hạn, sẽ có 2 phương án được đưa ra: một là dừng chương trình, hai là thay đổi để tiếp tục.

Trong những ngày gần đây, hai chương trình lớn là “Giọng hát Việt” và “Thần tượng âm nhạc” đã rục rịch khởi động, thậm chí “Giọng hát Việt” tỏ ra khá nhanh chân khi đã hoàn thành xong vòng sơ tuyển và đã chọn được nhiều thí sinh vào vòng “Giấu mặt”.

Nhiều khán giả hi vọng, họ sẽ được xem những chương trình chất lượng, và có nhiều sự thay đổi mới mẻ, cũng như chất lượng tốt trong năm 2015. Bởi lẽ, nói một cách khách quan, thì đây vẫn là những chương trình tạo được nhiều dấu ấn mạnh mẽ, cũng như cho ra đời nhiều ca sĩ chất lượng cho thị trường nhạc Việt trong những năm gần đây.

Xem thêm
Phút giây để cha và con gái được thành thật với nhau

Hà Nội Sau thành công ngoài mong đợi lần thứ nhất, Cuộc thi viết 'Cha và con gái' lần thứ 2 vừa được Tạp chí Gia đình Việt Nam phát động vào sáng 27/3.

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất