| Hotline: 0983.970.780

Truyện tranh Việt cần cơ chế tiếp sức

Thứ Ba 02/06/2015 , 06:25 (GMT+7)

Khuyết điểm không khó nhận ra ở truyện tranh Việt Nam là nhân vật thiếu cá tính, chi tiết sơ sài và không có sự hóm hỉnh để thu hút trẻ em.

Trong những sản phẩm văn hóa được xem như quà tặng tinh thần cho thiếu nhi, có ba thể loại được đặc biệt yêu thích: truyện tranh, phim hoạt hình và phim thiếu nhi.

Thứ tự ra đời của ba thể loại này không khác biệt về thời gian ở mọi quốc gia, vì liên quan đến trình độ thẩm mỹ, công nghệ SX và kỹ năng đào tạo.

Truyện tranh phải phát triển thì phim hoạt hình mới có cơ hội kế thừa, còn phim thiếu nhi đòi hỏi cao hơn nữa về nhân lực và tài lực.

Dù truyện tranh Trung Quốc xuất hiện từ rất sớm với tên gọi “mạn họa”, nhưng không có tác phẩm nào đủ sức tồn tại trước sự lãng quên của thời gian.

Độc giả quốc tế chỉ sửng sốt về sức lan tỏa của truyện tranh khi bộ truyện "Lucky Luke" kể câu chuyện chàng cao bồi miền viễn Tây ra đời ở nước Mỹ. Trên nền tảng ấy, nước Mỹ vươn lên dẫn đầu thế giới về công nghệ giải trí phục vụ trẻ em.

Sau cơn sốt phim hoạt hình mà tiêu biểu phải kể đến “Tom và Jerry” hay “Vịt Donald”, những bộ óc khôn ngoan của Hollywood (Mỹ) bắt tay vào cuộc chinh phục ngoạn mục hơn: dùng chính tài năng của trẻ em để hấp dẫn trẻ em.

Hàng loạt những bộ phim thiếu nhi lừng lẫy xuất hiện, như phim về cặp song sinh nghịch ngợm “Cuộc sống thượng hạng của Jack và Cody” hoặc phim về thần đồng ca nhạc “Hanna Montana”, đã mang lại doanh thu hàng trăm triệu USD và gây hưng phấn cho tuổi thơ khắp hành tinh.

Chưa đủ sức làm phim thiếu nhi như Mỹ và cũng chịu lép vế trước phim hoạt hình kiểu Mỹ, nhưng các quốc gia Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc đầu tư rất mạnh mẽ vào lĩnh vực truyện tranh để giúp trẻ em nước họ tránh khỏi mặc cảm bị bỏ rơi.

Hiện tại, không chỉ phục vụ lứa tuổi nhỏ ở xứ sở Phù Tang, dòng truyện tranh manga vượt qua phạm vi biên giới và nổi tiếng không kém hoa anh đào biểu trưng cho đất nước mặt trời mọc! Hơn chục năm qua, truyện tranh Nhật Bản làm say mê trẻ em Việt Nam với những tác phẩm “Doremon”, “Thám tử lừng danh Conan” và “Bảy viên ngọc rồng”.

Nền điện ảnh Việt Nam còn lâu mới đạt đẳng cấp chuyên nghiệp, nên trẻ em của chúng ta tạm thời chỉ còn biết trông chờ bản sắc dân tộc ở thể loại truyện tranh.

Nhiều nhà xuất bản và nhiều Cty sách cũng đã tham gia vào thị trường truyện tranh, mà thành quả có thể liệt kệ như “Hào khí đất phương Nam", "Cậu bé rồng", "Lịch sử Việt Nam bằng tranh" hoặc "Thần đồng đất Việt”. Ban đầu dễ dàng nhận ra, truyện tranh Việt Nam chủ yếu khai thác các cốt truyện dân gian.

Do đó, những truyện tranh trên thị trường như “Tấm Cám”, “Cây tre trăm đốt” hoặc “Tháng Gióng” chỉ là minh họa cổ tích mà thôi.

Gần đây, với nỗ lực tìm cách thoát lối mòn, nhiều nhóm tác giả truyện tranh cho ra mắt vài tác phẩm rất đáng khích lệ như “Học viện bóng đá” hay “Long Thần tướng”. Thế nhưng, khuyết điểm không khó nhận ra ở truyện tranh Việt Nam là nhân vật thiếu cá tính, chi tiết sơ sài và không có sự hóm hỉnh để thu hút trẻ em.

Giá trị của truyện tranh nằm ở nét vẽ chứ không phải ở ngôn từ. Truyện tranh nước ta mắc chứng bệnh trầm kha là nhiều lời ở truyện mà ít ý ở tranh. Muốn khước từ khuyết tật ấy, đòi hỏi người sáng tạo phải nỗ lực gấp năm, gấp mười hiện nay.

Trước mắt chúng ta nên nghiêm túc xác định Việt Nam chưa có tác giả đủ tầm vừa vẽ vừa viết cho một cuốn truyện tranh hoàn chỉnh, cần có sự hợp tác giữa nhà văn và họa sĩ. Khi và chỉ khi người viết lời và người vẽ tranh đồng điệu với nhau về quan niệm hướng về thiếu nhi thì may ra mới có được tác phẩm trên mức trung bình.

Mục đích cuối cùng của truyện tranh là khơi gợi một vũ trụ tâm hồn bay bổng cho thiếu nhi. Vì vậy, với bối cảnh văn hóa đọc không mấy thịnh vượng hôm nay, để chuyên tâm phát triển truyện tranh không thể vướng bận giải quyết bài toán lợi nhuận ngay lập tức.

Các cơ quan quản lý văn hóa và các nhà tài trợ văn hóa cần nghĩ đến một chính sách khuyến khích hợp lý cho những người theo đuổi sáng tác truyện tranh!

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất